Người bị sốt xuất huyết nên ăn gì cho nhanh khỏi?
Khi bị sốt xuất huyết, chế độ dinh dưỡng rất quan trọng, giúp nâng cao thể trạng, sức đề kháng cho bệnh nhân.
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Các triệu chứng của bệnh thường bắt đầu từ 3 -14 ngày sau khi nhiễm bệnh, bao gồm sốt cao, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn mửa, đau cơ và khớp, mệt mỏi và phát ban trên da (thường xuất hiện từ 2-5 ngày sau khi bắt đầu sốt).
Sau khi bị virus tấn công, hệ miễn dịch của bệnh nhân có thể bị suy giảm, nếu để bệnh lâu khỏi có thể gây ra biến chứng. Do đó, điều quan trọng là người bệnh được chăm sóc đúng cách và tăng cường sức đề kháng. Một trong những biện pháp đơn giản là có một chế độ ăn uống hợp lý.
Sốt xuất huyết nên ăn gì?
TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn - Viện Dinh dưỡng chia sẻ với Infonet , điều quan trọng để người bệnh chống lại loại virus gây bệnh sốt xuất huyết và ngăn ngừa sự tái phát của virus là chế độ ăn uống đầy đủ, khoa học phải được duy trì và tuân thủ.
Theo đó, chế độ dinh dưỡng tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh. Nếu như giai đoạn đầu (người bệnh sốt cao) thì cần ăn lỏng. Chế độ ăn nhẹ cho người bệnh sốt xuất huyết khi cơn sốt giảm và người bệnh dần hồi phục. Chế độ ăn uống bình thường trong thời gian hồi phục.
“Người bệnh bị sốt xuất huyết thường cảm thấy buồn nôn, nôn mửa và cực kỳ suy nhược, trong tình trạng này, chế độ ăn lỏng, mềm cần được khuyến nghị cho người bệnh, vì nó dễ tiêu hóa, hấp thu hơn so với chế độ ăn đặc.
Nên ăn một lượng nhỏ và nhiều bữa trong ngày. Chế độ ăn lỏng cung cấp nhiều nước giúp bù lại lượng nước mất đi khi sốt cao và hạ nhiệt độ cơ thể. Nên tránh thức ăn rắn cho đến khi hết sốt. Uống nhiều nước là điều cần thiết để thay thế lượng nước mất đi khi sốt cao”, TS. BS Trọng Hưng khuyến cáo.
TS. BS Trọng Hưng gợi ý những thực phẩm người sốt xuất huyết nên ăn bao gồm:
Nước dừa: Uống nhiều nước, đặc biệt là nước dừa. Bởi nước dừa chứa nhiều chất dinh dưỡng, cung cấp chất điện giải tự nhiên nên dừa rất tốt cho tất cả những ai bị mất nước nghiêm trọng. Nước dừa cũng cung cấp cho cơ thể một số chất dinh dưỡng quan trọng giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi sau bệnh sốt xuất huyết.
Thực phẩm giàu vitamin c: Tăng cường thực phẩm giàu vitamin C. Các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, ổi, kiwi, dâu tây, xoài … có tác dụng chống oxy hóa rất tốt cho cơ thể khi hồi phục sau bệnh sốt xuất huyết. Cam có hàm lượng chất xơ cao nên rất tốt để trị chứng khó tiêu.
Các loại thực phẩm giàu vitamin C là một lựa chọn không thể bỏ qua cho những ai đang bị sốt xuất huyết. Trái cây màu cam chứa nhiều vitamin C, là một chất chống oxy hóa quan trọng.
Sữa chua: Nên ăn sữa chua.Sữa chua có lợi cho quá trình tiêu hóa của bạn và bổ sung chế phẩm sinh học giúp hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh từ đó giúp chống lại virus và nhiễm trùng do vi khuẩn.
Đáng lưu ý, TS. BS Trọng Hưng cũng nhấn mạnh người mắc sốt xuất huyết không nên kiêng các loại thức ăn như trứng, thịt gà và cá.
Lý do là bởi, người bệnh sốt xuất huyết phải thực hiện chế độ ăn giàu protein. Một bữa ăn có nhiều protein chất lượng tốt (nạc) sẽ giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.
“Vì vậy, những lời khuyên không nên ăn đồ tanh như cá, trứng hay thịt gà là không có cơ sở. Những thực phẩm này cung cấp cho cơ thể lượng chất dinh dưỡng phù hợp để giúp cơ thể chống chọi lại nhiễm trùng”, TS. BS Nguyễn Trọng Hưng thông tin.
Những thực phẩm kiêng kỵ khi bị sốt xuất huyết
Thực phẩm cay nóng: Người bệnh sốt xuất huyết không chỉ bị sốt, cảm mà còn mệt mỏi vô cùng. Hơn thế, bệnh sốt xuất huyết là virus có thể khiến hệ tiêu hóa của cơ thể bạn yếu đi, do đó điều quan trọng là bạn phải tránh thức ăn cay và nhiều dầu mỡ trong thời gian bị nhiễm bệnh - có thể gây khó chịu cho đường tiêu hóa.
Đồ ăn sẵn: Không nên tiêu thụ các loại đồ ăn vặt, đồ ăn chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói, đồ nướng... Thay vào đó, nên ăn thức ăn chần hoặc luộc trong thời gian phục hồi vì thức ăn nhiều dầu mỡ làm chậm quá trình tiêu hóa.
Các loại đồ uống ngọt: Các loại đồ uống ngọt như soda, mật ong và các loại đường sẽ khiến cho các tế bào máu trắng diệt khuẩn chậm hơn, ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết của người bệnh.
Trúc Chi (theo VOV, Infornet)