Ngược dòng chinh phục đam mê
Họ là những đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam năm 2022 vừa được vinh danh trong buổi lễ do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức giữa tháng 7-2022.
Có người không học đại học, có người xuất phát từ công nhân... nhưng cuối cùng họ đều chạm đến những đích đến nghề nghiệp của riêng mình.
Với các bạn trẻ, khi chọn nghề, quan trọng nhất là đam mê. Chỉ có đam mê với nghề mình đang làm mới giúp bạn vượt mọi trở ngại để đạt đến những điều mình mong muốn.
Đại sứ kỹ năng nghề Vũ Hoàng Trinh
Từ quyết định không thi đại học đến "bà chủ" tuổi 26
Từ khi còn tấm bé, Vũ Hoàng Trinh (26 tuổi, quê Đắk Lắk) - một trong tám tân đại sứ kỹ năng nghề - đã mang theo một niềm yêu thích mãnh liệt với các loại bánh trái.
Càng lớn, Trinh càng mê nấu nướng, thường học lỏm công thức các món từ mẹ. Bước sang lớp 10, Trinh đã khẳng định chắc nịch với gia đình rằng mình sẽ không thi đại học và theo nghề bếp.
"Bây giờ nhìn lại, mình thấy đó là một bước ngoặt vô cùng lớn khi mình dám đương đầu với thử thách theo đuổi đam mê thật sự.
Lúc đó, bạn bè mình đi học sư phạm mầm non nhiều lắm, gia đình cũng khuyến khích mình trở thành cô giáo dạy trẻ. Nhưng mình đã quyết định vào TP.HCM học nghề bếp tại Trường trung cấp Saigontourist cùng ước mơ về sau sẽ mở được một cửa tiệm nhỏ cho riêng mình" - Trinh tâm sự.
Học đúng đam mê, Trinh như "cá gặp nước". Mỗi bài học là một sự trải nghiệm các món ăn mới, từ Á sang Âu, từ những món ăn chính đến bánh ngọt.
Trinh dành nhiều thời gian để tìm tòi những cách sáng tạo trong cách chế biến và trình bày món ăn, rồi theo chân phụ việc ở một số nhà hàng để cảm nhận được hết về công việc, đặc biệt với những áp lực. Dù vậy, Trinh chia sẻ mình không hề thấy mệt mỏi, ngược lại luôn hứng thú do được làm đúng cái mình thích.
Cơ hội đến với Trinh khi bạn bắt đầu tham dự những cuộc thi tay nghề, từ cấp quốc gia, ASEAN cho đến thế giới. Năm 2017, khi mới 21 tuổi, Trinh là một trong những đại diện hiếm hoi của đoàn Việt Nam tranh tài ở kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 44, được tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Lúc đó, Trinh phải "căng mình" suốt bốn ngày thi liên tiếp để hoàn thành từng yêu cầu trong bài thi kỹ thuật nấu nướng. Những chi tiết nhỏ từ cách bày biện chén đĩa, cách sắp xếp dao nĩa đến chuyện chuẩn bị nguyên liệu, suy nghĩ hình thức trình bày... đều đòi hỏi sự tỉ mỉ ở mức cao nhất. "Quả ngọt" rốt cuộc cũng đến sau bao cố gắng, Trinh là một trong những thí sinh ít ỏi giành được chứng chỉ kỹ năng nghề thế giới ở kỳ thi năm ấy.
"Cuộc thi như một đòn bẩy. Mình được vào làm ở một vài nhà hàng tại TP.HCM. Đến năm 2021, mọi thứ đã chín muồi cả về kinh nghiệm lẫn nguồn vốn, mình quyết định về quê ở thị trấn Easup mở một quán ăn cho riêng mình, chuyên về những loại pizza, bánh ngọt. Quán hiện hoạt động rất ổn và mình cũng dự định một số kế hoạch mở rộng" - Trinh nói.
"Nâng cấp" những nghề quen thuộc
Trước khi trở thành giảng viên Trường cao đẳng Cơ điện xây dựng Việt - Xô, Phạm Văn Linh (31 tuổi) từng đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc nghề ốp lát tường - sàn ở kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2013. Thầy giáo Linh cũng vừa được Bộ LĐ-TB&XH vinh danh trong số các đại sứ kỹ năng nghề 2022.
"Người ốp lát tường, phải chăng chỉ là một thợ xây?", chúng tôi hỏi. Anh Linh cho rằng việc ốp lát sàn thủ công khiến mặt gạch chỗ dư chỗ thiếu vữa. Sau khi đi học, anh đã tìm ra cách sử dụng máy để cán vữa đều, nhanh, tiết kiệm nhất là với sàn rộng hàng trăm mét vuông trở lên.
"Mình quyết định theo nghề vì muốn có kiến thức để cải tiến các khâu thủ công khi xây dựng. Chẳng hạn, sàng cát bằng tay rất mất thời gian, năng suất thấp... Nhìn sự vất vả của các anh, các chú nên mình quyết tâm đi học để tìm cách cải tiến, giảm công lao động" - anh Linh tâm sự.
Nghĩ vậy, anh đưa ra nhiều ý tưởng cải tiến những loại máy móc trong ngành xây dựng. Như máy làm vữa, khi lắp băng tải cuốn gạch vào vữa, tốc độ nhanh thì không đạt tiêu chuẩn, chậm quá thì không đảm bảo tiến độ... Anh cứ mày mò, điều chỉnh nhiều phương án, cuối cùng làm ra một phiên bản chạy trơn tru.
Hơn 10 năm qua, tân đại sứ Hoàng Đức Long (35 tuổi) - giảng viên Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội - nhận thấy hiện nghề điện tử đang rất phát triển trên cả nước. Các khu công nghiệp, khu chế xuất do các hãng công nghệ lớn như Apple, Samsung... dần chuyển xưởng sản xuất sang Việt Nam.
Những người có trình độ cao đẳng có thể đảm nhận vị trí hướng dẫn công nhân trong dây chuyền lắp ráp linh kiện, chi tiết màn hình, cổng dây cắm, chi tiết máy...
Dù làm trong một lĩnh vực hiện đang "hot" như thế, anh Long cho rằng con đường lập nghiệp của mình trong 10-12 năm qua vô vàn chông gai.
Nhiều năm trước, công nghiệp chưa phát triển, rất ít doanh nghiệp FDI, anh vừa là sinh viên, vừa xin việc bán thời gian để chi trả tiền học phí. Nhiều bạn của Long học xong bỏ nghề, chuyển sang đi buôn, làm đại lý thiết bị xây dựng, làm sale thiết bị y tế... Còn Long và một số người bạn cố "bám trụ" với nghề điện tử.
Dù vậy, chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc nghề điện tử công nghiệp tại kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2009 đã "níu" anh lại với nghề. Anh trở thành một giáo viên, mở các lớp truyền dạy kinh nghiệm, chuyên môn cho các bạn trẻ, đồng thời cộng tác với doanh nghiệp để huấn luyện chuyên gia trưởng của nghề điện tử công nghiệp, huấn luyện thí sinh thi nghề quốc tế.
46% lực lượng lao động là thanh niên
Tại buổi lễ công bố các tân đại sứ kỹ năng nghề, ông Trương Anh Dũng - tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - nhấn mạnh lao động trẻ Việt Nam sẽ luôn tiên phong trong phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.
Các lao động có kỹ năng nghề sẽ đi đầu trước yêu cầu cách mạng công nghiệp, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Ông Dũng cũng thông tin thêm tính đến quý 1 năm 2022, cả nước có khoảng 52 triệu người tham gia lực lượng lao động. Trong đó lao động là thanh niên (tuổi từ 16 đến 30) khoảng 24 triệu người, chiếm 46% lực lượng lao động.
Vì vậy, việc bổ nhiệm đại sứ kỹ năng nghề sẽ giúp các bạn lao động trẻ có thể tự tin đi theo con đường nâng cao tay nghề của mình, bất kể xuất phát điểm từ đại học, cao đẳng hay trung cấp.
Vui vì thành công của học trò
Tân đại sứ Lê Minh Bằng (35 tuổi) - hiện là giảng viên khoa bảo trì cơ khí, Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương - chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là thầy giáo, sẽ đứng lớp dìu dắt biết bao thế hệ đàn em.
Tốt nghiệp THPT, anh Bằng nộp đơn xin vào làm công cho một công ty sản xuất nhựa tại TP.HCM và nhận thấy mình có năng khiếu và một niềm yêu thích lạ kỳ với máy móc.
Ban lãnh đạo công ty động viên anh đi học tiếp hệ trung cấp. Chính trong khoảng thời gian làm sinh viên "muộn" tại Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, anh giành huy chương đồng nghề cơ điện tử tại kỳ thi Tay nghề ASEAN năm 2008 rồi chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc nghề cơ điện tử tại kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2009.
Bước ra từ cuộc thi, anh học tiếp tại Trường ĐH Sư phạm - kỹ thuật TP.HCM rồi trở lại Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương làm giảng viên. Anh tâm sự lúc ấy, anh có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn nhưng lại muốn về lại ngôi trường đã cho anh nền tảng ban đầu để có cơ hội hướng dẫn cho nhiều thế hệ tương lai.
"Muốn ra làm nghề tốt, các em phải rèn luyện trong trường thật tốt. Mình có tay nghề vững, vì vậy muốn hỗ trợ các em sau này có thể học nghề rồi làm nghề.
Nhiều năm qua, tôi đã chứng kiến không ít học sinh như mình ngày trước, cũng mang theo một niềm đam mê làm nghề mạnh mẽ nhưng lại gặp khó khăn, cần được mình tiếp sức - anh Bằng nói - Niềm hạnh phúc của tôi đôi khi đơn giản lắm. Một học trò gọi điện thông báo với tôi các em đã tìm được việc ưng ý, lương cao, vậy là tôi vui cả ngày rồi".
Sáng nay 2-12, kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia chính thức diễn ra với 5 nghề đầu tiên thi theo hình thức trực tiếp. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều môn thi sẽ phải dời sang năm 2022.