Ngưng ngay tự kê đơn, mua thuốc cho bệnh nhân Covid-19 nếu không muốn nguy kịch
Không ít F0 nguy kịch không phải vì Covid-19. Có những bệnh nhân nội trú đã phải đối mặt với nhiễm trùng nghiêm trọng nhưng kháng sinh hoàn toàn vô hiệu.
Chị N.T.K.A (32 tuổi) báo tin với người quen, chị vừa test nhanh 2 vạch. "Tôi F0 rồi nhé!", chị nói.
Ngay lập tức, người thân, bạn bè, người quen từng mắc Covid-19 gửi cho chị đơn thuốc F0 dặn chị đi mua uống ngay lập tức. Người thì gửi thuốc Molnupiravir 400mg, người thì gửi một túi đến 10 vỉ thuốc và khẳng định rất hiệu nghiệm.
"Bạn tôi dặn phải uống ngay vào để chặn đầu, dập ngay nếu không Covid-19 vật mệt lắm. Tôi hỏi một người chị làm dược sĩ xem uống được không, thấy bảo được thì uống thôi", chị K.A nói.
Chị K.A không phải là F0 hiếm hoi được các "cựu F0" kê đơn, chẩn bệnh thay vì được bác sĩ tư vấn. Đáng nói, đã có rất nhiều cảnh báo về việc bệnh nhân Covid-19 dùng thuốc không phù hợp gây hậu quả nghiêm trọng từ các bác sĩ, bệnh viện trên cả nước.
Trên thực tế, giai đoạn dịch Covid-19 đỉnh điểm, các mạng lưới bác sĩ tư vấn F0 trực tuyến, qua điện thoại, đã giúp ngành y tế chăm sóc, theo dõi, điều trị bệnh nhân Covid-19 hiệu quả. Đây là mô hình quan trọng góp phần giảm tải cho hệ thống điều trị, giúp TP.HCM và cả nước vượt qua đỉnh dịch.
Tuy nhiên, các F0 sau khi khỏi bệnh, đã áp dụng các đơn thuốc hoặc kinh nghiệm cá nhân cho người mắc Covid-19 khác. Rất nhiều F0 mức độ nhẹ không cần dùng thuốc cũng tin tưởng và dùng theo.
Trong khi đó, mỗi loại kháng sinh, kháng viêm, kháng virus có chỉ định, thời điểm, liều lượng, thời gian sử dụng khác nhau, phải có sự đánh giá của bác sĩ trên từng bệnh nhân. Trong thành phần đơn thuốc F0 phổ biến trên mạng, có thể kể đến Medrol 16mg (kháng viêm), Cefdinir (kháng sinh), Dexamethasone (kháng viêm), hiện nay có thêm Molnupiravir, Favipiravir (kháng virus).
Ngoài nguy cơ khiến F0 trở nặng, tình trạng kháng thuốc vì dùng kháng sinh bừa bãi cũng khiến các bác sĩ ... hoảng hốt.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy lo ngại, kháng sinh rất được “ưu ái” trong các đơn thuốc F0 trên mạng.
"Covid-19 là bệnh do virus, kháng sinh hoàn toàn vô dụng trong giai đoạn đầu. Thế nhưng, nó lại giúp vi trùng, vi khuẩn được “tập trận” chống lại kháng sinh, lờn thuốc. Hệ lụy là sau này khi bệnh nhân bị vi khuẩn đa kháng tấn công, cơ hội điều trị khỏi rất thấp”.
Không chỉ kháng sinh, mà thuốc kháng viêm cũng được kê rất mạnh tay.
Sở Y tế TP.HCM từng cảnh báo, trong giai đoạn đầu mắc bệnh, F0 tuyệt đối không được dùng thuốc kháng viêm. Thuốc kháng viêm (corticoid) là thuốc gây ức chế phản ứng viêm, giảm đi hệ thống miễn dịch, giúp cho virus phát triển mạnh hơn trong cơ thể. Uống thuốc kháng viêm trong khoảng 5-7 ngày đầu là gây hại cho F0.
Bên cạnh đó, thuốc kháng viêm có các tác dụng phụ. Ví dụ với bệnh nhân loét dạ dày tá tràng, nếu uống corticoid, sẽ xuất huyết tiêu hóa.
Trước đây, kháng viêm được đưa vào túi thuốc B cho F0 điều trị tại nhà, nếu có dấu hiệu nặng. Thời điểm TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, người bệnh không thể đi mua thuốc, nên ngành y tế, chính quyền cấp các túi thuốc này cho F0 tại nhà, kèm hướng dẫn sử dụng.
Sau đó, ngành y tế đã chuyển túi thuốc B thành 1 liều duy nhất, dùng cho bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng trước khi nhập viện.
Thế nhưng, bỏ qua chuyên môn, người ta hồn nhiên kê đơn, cắt thuốc cho F0 chuyên nghiệp hơn cả bác sĩ. Đó là người quen, là "cựu F0" có kinh nghiệm khỏi bệnh, là hàng xóm, người bán thuốc... Ai cũng có thể trở thành "bác sĩ thời vụ" chữa Covid-19.
"F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ chỉ cần bổ sung dinh dưỡng, thuốc đau đầu, ho, sổ mũi thông thường. Không cần đao to búa lớn! Những đơn thuốc vô trách nhiệm trên có thể khiến người bệnh trở nặng vì tác dụng phụ", một bác sĩ bức xúc.
Lo ngại với kháng sinh, kháng viêm chưa qua, thì xuất hiện thêm hiện tượng F0 tự uống thuốc kháng virus để phòng xa. Nhất là khi Molnupiravir được sản xuất và lưu hành trong nước, giá thành rẻ, người dân dễ dàng mua hơn.
Đã có trường hợp người mẹ cho con nhỏ uống Molnupiravir vì nghe “cựu F0” tư vấn. Hay F0 dùng thuốc 2-3 ngày thấy hết triệu chứng nên bỏ giữa chừng, số còn lại cho F0 khác... dùng tạm.
Bác sĩ Võ Thanh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức cho biết, thuốc kháng virus Molnupiravir có liệu trình 5 ngày, mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều.
Các F0 bắt buộc phải được bác sĩ thăm khám, chỉ định dùng thuốc do thuốc có nhiều tác dụng phụ, nhiều nhóm đối tượng chống chỉ định.
“Tuyệt đối không chia sẻ thuốc này với các bệnh nhân khác, nhất là với phụ nữ đang mang thai. Trẻ em dưới 18 tuổi không được sử dụng. Ngay cả F0 khi chưa có triệu chứng, triệu chứng nhẹ, không nên sử dụng Molnupiravir hay bất cứ thuốc kháng viêm nào để dự phòng.
Các loại thuốc này thải rất mạnh qua gan, thận, nếu lạm dụng thuốc sẽ gây ảnh hưởng lớn, nguy cơ hư gan, thận rất cao”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Chính vì sự nguy hiểm của việc bỏ ngang hay lạm dụng thuốc kháng virus Molnupiravir, bác sĩ Hùng lưu ý người nhà bệnh nhân nên cùng giám sát, nhắc nhở nếu F0 phải uống thuốc kháng virus.
“Ngay tại khoa Truyền nhiễm của bệnh viện, bệnh nhân Covid-19 nội trú, chúng tôi cũng rất cân nhắc khi chỉ định Molnupiravir.
Trường hợp F0 phải uống thuốc này, nhân viên bệnh viện cũng phát thuốc theo từng cữ, không cấp 1 lượt theo liệu trình. Bệnh nhân ký nhận và uống ngay trước sự giám sát của nhân viên y tế để tránh trường hợp người bệnh “để dành” hay quên uống".
Bác sĩ Võ Thanh Hùng cũng khẳng định, thuốc là để điều trị, không phải phòng ngừa, cũng không phải uống để ... yên tâm.
Đặc biệt với người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 (F1), việc uống đánh chặn bằng kháng virus không những lãng phí tiền bạc mà nghiêm trọng hơn, là nguy cơ tổn thương gan, thận,…
Thực tế đã ghi nhận, nhiều F0 vì dùng kháng viêm trong 7 ngày đầu, khiến hệ miễn dịch bị suy giảm, virus bùng phát, trở nặng. Hoặc F0 bị xuất huyết, loét dạ dày sau khi uống kháng viêm.
Và mối đe dọa từ kháng thuốc, khiến bệnh nhân dù có thể thoát Covid-19, nhưng đối mặt với nhiễm trùng nghiêm trọng mà kháng sinh hiện có hoàn toàn vô hiệu.
Linh An