"Ngư ông đắc lợi": Giá lương thực tăng vọt, gia tộc làm nông "nuôi cả thế giới" lại "sản sinh" thêm tỷ phú

Chia sẻ Facebook
13/04/2022 11:02:41

Danh sách những người giàu nhất thế giới vừa kết nạp thêm ba thành viên nữa thuộc gia tộc Cargill.

Giàu càng thêm giàu

Giá lương thực tăng và thị trường hàng hóa toàn cầu hỗn loạn đang góp phần làm giàu cho khối tài sản của gia đình tỷ phú đứng sau công ty có cấu trúc chặt chẽ nhất nước Mỹ. Ba thành viên nữa của gia tộc Cargill là anh chị em James Cargill, Austen Cargill và Marianne Liebmann mới đây vừa gia nhập hàng ngũ 500 người giàu nhất thế giới, nâng tổng số thành viên của gia tộc góp mặt trong danh sách này lên năm người.

Theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, giá trị tài sản của mỗi người lên tới 5,3 tỷ USD, con số này đã tăng 20% ​​trong năm nay. Trước đó, các thành viên trong gia tộc cũng lọt vào Top 500 này bao gồm Pauline Keinath, cháu gái của người sáng lập William Wallace Cargill và bà Gwendolyn Sontheim Meyer với khối tài sản mỗi người trị giá 7,8 tỷ USD. Tài sản của tất cả những người này "tiền đẻ thêm tiền" chủ yếu là nhờ số cổ phần họ nắm giữ trong công ty chế biến thực phẩm có trụ sở tại Minnesota.

Kể từ khi công ty được thành lập vào năm 1865 với một kho ngũ cốc duy nhất ở Conover, Iowa, hơn 20 thành viên của gia tộc Cargill và MacMillan nắm quyền kiểm soát 87% cổ phần của đế chế nông nghiệp này. Vào tháng 9 năm ngoái, Cargills xếp hạng thứ 11 trong danh sách các gia tộc giàu có nhất thế giới của Bloomberg với tổng tài sản trị giá 51 tỷ USD vào thời điểm đó.

Cargill đứng đầu trong danh sách các doanh nghiệp tư nhân lớn nước nước Mỹ, theo Forbes.

Thời gian vừa qua, việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã khiến các thị trường hàng hóa và thực phẩm toàn cầu phải đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Thêm vào đó là sản lượng thấp do hạn hán và các điều kiện thời tiết khác gây ra. Chỉ số giá lương thực thế giới của Liên hợp quốc trong tháng 3 đã đạt mức cao kỷ lục, và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Các công ty thực phẩm lớn đã được hưởng lợi từ sự thiếu hụt và biến động này. Vào tháng 3, công ty nông nghiệp Louis Dreyfus Co. cho biết rằng lợi nhuận của họ đã tăng 82% trong năm ngoái do biến động giá ngũ cốc và tỷ suất lợi nhuận cao của các loại hạt có dầu. Định giá của một số công ty thực phẩm lớn nhất tăng nhanh, trong đó Archer-Daniels-Midland có trụ sở tại Illinois đã tăng hơn 25% kể từ khi căng thẳng Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2.

Cargill thường xuyên phải đối mặt với áp lực phải niêm yết, nhưng họ đã từ chối. Lý do là làm như vậy sẽ khiến cấu trúc của gia tộc bị "loãng" và giảm giá trị cổ phần hàng năm của công ty. Các thành viên trong gia tộc thu về ước tính 17% lợi nhuận ròng mỗi năm dưới dạng cổ tức, mặc dù không phải tỷ lệ nắm giữ cổ phần của họ đều bằng nhau. Hiện tại, đại gia đình Cargill-MacMillan đã tới đời thứ bảy, bao gồm khoảng 125 người.

Gregory Broussard, trưởng bộ phận giao dịch tài chính toàn cầu tại đơn vị quản lý rủi ro của Cargill, cho biết việc các doanh nghiệp trên thế giới tiếp tục rời khỏi Nga có khả năng vẫn tiếp diễn. Điều này sẽ buộc các thị trường phải tìm kiếm nguồn cung mới của mọi thứ, từ ngũ cốc đến phân bón và nhiên liệu.

"Chúng tôi sẽ thoát khỏi cuộc chiến này bằng việc tăng cường cung cấp nguồn lương thực thực phẩm, mạnh mẽ hơn so với những gì chúng tôi đã từng làm trước đó", ông Broussard nói. "Khi các biện pháp trừng phạt được đưa ra, chúng sẽ không tiêu tan trong một sớm một chiều".

Gia thế "khủng"

Cargill hiện là công ty tư nhân lớn nhất tại Mỹ với 75 doanh nghiệp nhỏ cùng 143.000 nhân viên làm việc tại khắp 76 quốc gia trên thế giới. Vào tháng 8, Cargill đã báo cáo khoản lợi nhuận lớn nhất trong lịch sử của mình, với doanh thu lên đến 134,4 tỷ USD.

Người đặt nền móng cho đế chế nông nghiệp này là William Wallace Cargill. Ông là con trai của một người Scotland nhập cư tới New York, Mỹ. Có thể nói ông đã viết nên lịch sử khi chỉ khởi nghiệp từ một kho ngũ cốc nhỏ, không lên sàn chứng khoán và chỉ truyền lại cho người trong nhà.

William Wallace Cargill (1844-1909)

Gia tộc Cargill-MacMillan đã thống lĩnh không chỉ thị trường nông sản, thực phẩm, mà còn cả tài chính, công nghiệp và dịch vụ. Những hậu duệ của ông cũng quyết tâm duy trì Cargill với tư cách là một tập đoàn gia đình. Theo danh sách tỷ phú của Forbes, gia tộc Cargill hiện có tới 14 tỷ phú, con số này nhiều hơn bất kỳ gia tộc nào trên thế giới. Để dễ hình dung, nếu Cargill là một quốc gia thì số lượng tỷ phú sẽ ngang bằng với Thụy Điển hoặc Israel.


Tham khảo Bloomberg


Theo Linh Chi

Trí Thức Trẻ

Chia sẻ Facebook