Ngụ ngôn đạo đức trong bức “Thần chết và kẻ bủn xỉn”
“Death and the Miser” (Tạm dịch: Thần chết và kẻ bủn xỉn) là một câu chuyện ngụ ngôn được kể trên tranh vẽ, miêu tả lại cuộc đời của một kẻ bủn xỉn cho đến tận lúc gần đất xa trời. Đây là tác phẩm của Hieronymus Bosch (1450 – 1516), một họa sĩ người Hà Lan là đại diện của Bắc phái trong thời kỳ tiền Phục Hưng.
Phong cách vẽ tranh bi quan, châm biếm của Bosch có ảnh hưởng lớn tới nền hội họa Bắc phái vào thế kỷ 16. Những bức tranh của ông luôn rất khó hiểu, và thường phơi bày những dục vọng hay nỗi sợ hãi sâu kín nhất của con người, cũng từ đó cảnh tỉnh con người trước sự trượt dốc về đạo đức. Trong kỳ này, chúng ta sẽ tìm hiểu bức “Thần chết và kẻ bủn xỉn”, một tác phẩm gần gũi và dễ lý giải của Bosch.
Bức “Thần chết và kẻ bủn xỉn” là tác phẩm nằm trong chùm tranh 3 bức (triptych) không hoàn chỉnh của Bosch. Bức tranh nằm phía bên trái là tổ hợp của hai tác phẩm “The Ship of Fools” (Tạm dịch: Con thuyền của những kẻ ngu ngốc) và “Allegory of Gluttony and Lust” (Tạm dịch: Dụ ngôn về thói phàm ăn và dục vọng). Phía bên phải chùm tranh, ngoài bức “Thần chết và kẻ bủn xỉn” còn có bức “The Wayfarer” (Tạm dịch: Người khách bộ hành). Bức tranh ở giữa chùm tranh hiện đang bị thất lạc.
Nói riêng về bức “Thần chết và kẻ bủn xỉn”, có lẽ ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong tâm người xem là: Ai rồi cũng sẽ phải chết. Người đàn ông yếu ớt nằm trên giường (kẻ bủn xỉn), khăng khăng nắm giữ lấy sự xuẩn ngốc của mình, kể cả khi đã cận kề với cái chết. Trong khi đó, Thần chết đã xuất hiện, đang bước vào phòng ngủ. Một Thiên thần đang tìm cách thu hút sự chú ý của ông vào cây thánh giá trên cửa sổ, nhưng tay kẻ bủn xỉn vẫn cố vươn ra để nắm lấy túi vàng mà con quỷ mang tới.
Ở chân giường, Bosch miêu tả kẻ bủn xỉn khi ông ta vẫn còn tương đối khỏe, mặc dù tay đã chống gậy. Ở thời điểm sức vóc không còn, ông ta vẫn có vẻ rất thỏa mãn khi cho thêm một đồng vàng khác vào nơi cất giấu tài sản của mình. Ma quỷ lẩn trốn khắp nơi trong và ngoài chiếc hòm đựng tiền, ý chỉ rằng tài sản mà kẻ bủn xỉn tích cóp được không phải là từ sự sòng phẳng chân chính.
Nhìn xuống phía dưới nữa, chúng ta có thể thấy được cuộc đời trai trẻ của kẻ bủn xỉn. Bộ áo giáp, thanh kiếm và chiếc khiên có thể là biểu tượng cho quyền lực. Chúng cũng có thể là thứ mà cả đời ông ta đã khoác lên mình, giúp ông ta đạt được tiền bạc và địa vị. Tuy nhiên đến cuối đời, kẻ bủn xỉn lại phải trần truồng ngồi trên giường đối mặt với Thần chết. Bên trên bục là quần áo và vải vóc đẹp, mang hàm nghĩa của cuộc sống vinh hoa phú quý. Quyền lực, tiền bạc, danh vọng đều được xem là những điều phù hoa , sớm nở tối tàn, sinh ra chẳng mang tới, chết đi cũng chẳng thể đem theo.
Thần chết đã ghé đầu vào qua cánh cửa. Hãy để ý đến sự ngạc nhiên của kẻ bủn xỉn – Thần chết đến thật bất ngờ. Trận chiến cuối cùng của kẻ bủn xỉn sắp diễn ra mà ông ta lại đang trần truồng, không áo giáp, không vũ khí. Ma quỷ đang chế nhạo ông, một con đưa vàng dụ dỗ ông, con còn lại thò đầu xuống với vẻ mong ngóng và thích thú.
Tuy nhiên, câu chuyện được kể trong bức tranh vẫn chưa hề ngã ngũ. Vị Thiên thần với vẻ mặt lo lắng vô cùng đang hướng kẻ bủn xỉn tới cây thánh giá. Chúa trời vẫn chưa bỏ rơi ông, bởi vì một tia sáng mờ ảo, một tia hy vọng duy nhất đang chiếu rọi từ cửa sổ về phía kẻ bủn xỉn, hứa hẹn cứu rỗi ông ta, nếu ông ta có thể buông bỏ bọc tiền và nắm lấy cơ hội mà Chúa trời ban tặng.
Sự lựa chọn của kẻ bủn xỉn cũng chính là điều mà Bosch muốn gieo vào lòng người xem: Khi tất cả sắp sửa chỉ còn là hư vô, khi cận kề với cái chết, liệu con người ta có thể buông bỏ được những tâm địa xấu xa vốn đeo bám họ suốt cả một đời?
Sự lựa chọn đó quả là khó khăn, và thậm chí nó còn khó khăn hơn với những người xem tranh, nhất là với những người mà cái chết tưởng chừng còn quá xa xôi đối với họ.
Quang Minh
Mời xem video :