Ngư dân Iceland đánh bắt cá voi vây khổng lồ
Công ty đánh bắt cá voi cuối cùng của Iceland bắt đầu lại hoạt động giết mổ cá voi vây sau 4 năm tạm dừng
Hai con tàu vận hành bởi công ty Hvalur hf rời cảng ở Reykjavík vào cuối tháng 6 để bắt đầu mùa săn cá voi. Hàng chục con cá voi vây, loài cá voi lớn thứ hai trên Trái đất sau cá voi xanh, bị giết mổ để lấy thịt và các bộ phận khác.
Trong loạt ảnh chụp ở trạm đánh bắt tại làng Midsandur gần thủ đô Iceland hôm 3/8, công nhân của Hvalur hf kéo xác một số con cá voi vào bờ, rửa và mổ xẻ bằng những dụng cụ lớn. Dù công ty đã săn một con cá voi Minke vào năm 2021, Iceland không chính thức cấp phép cho hoạt động đánh bắt cá voi thương mại trong 4 năm qua. Tuy nhiên, thời gian tạm ngừng này kết thúc hồi tháng 6/2022, cho phép Hvalur hf ra khơi trở lại. Giấy phép của công ty sẽ hết hạn vào năm sau và Bộ Ngư nghiệp Iceland thông báo họ sẽ dừng hoạt động đánh bắt cá voi ở nước này.
Việc đánh bắt cá voi bị hạn chế theo định mức do Viện Hải dương và Nghiên cứu nước ngọt Iceland cấp. Trong mùa săn bắt năm nay, Hvalur hf được phép săn 161 con cá voi vây và 217 con cá voi Minke. Theo Iceland Review, định mức được cấp dựa trên đánh giá của Ủy ban động vật biển có vú Bắc Đại Tây Dương và Ủy ban Cá voi Quốc tế. Công ty phải có sổ ghi chép mọi lần đánh bắt.
Dù số lượng cá voi vây ở vùng biển Iceland đang tăng lên đều đặn từ năm 1987, việc đánh bắt loài vật này vẫn bị chỉ trích. Số lượng trên toàn cầu của chúng vào khoảng 50.000 - 90.000, theo Hiệp hội Động vật hoang dã Thế giới. Cá voi vây nằm trong danh mục "bị đe dọa". Những sản phẩm chính từ cá voi vây mà Hvalur hf đánh bắt bao gồm thịt và xương được xuất khẩu sang Nhật Bản.
Cùng với Na Uy và Nhật Bản, Iceland là một trong vài nước vẫn săn cá voi thương mại. Các chuyên gia bảo tồn hy vọng ngành công nghiệp đánh bắt cá voi của Iceland sẽ đóng cửa vào năm 2024 khi giấy phép của Hvalur hf hết hạn. Nhu cầu thịt cá voi từ Iceland đang giảm dần từ khi Nhật Bản rút khỏi Ủy ban Cá voi Quốc tế và khôi phục ngành công nghiệp đánh bắt cá voi thương mại ở nước này từ năm 2019.