'Ngộp thở' trong chính nhà mình, nữ TS Việt ở Mỹ tìm ra lối sống giúp thành công vượt bậc
Là một tiến sĩ tại Mỹ và nổi tiếng trên mạng xã hội, Nguyễn Phương Chi đã có những chia sẻ về bí quyết thành công mà cô tin rằng ai cũng có thể áp dụng. Đó là lối sống tối giản.
Nữ tiến sĩ từng "ngộp thở" vì đồ đạc
Sinh ra ở Hà Nội và hiện sinh sống tại Mỹ, Nguyễn Phương Chi (33 tuổi, thường gọi là Chi Nguyễn) trở thành tiến sĩ giáo dục học tại ĐH Bang Pennsylvania (Mỹ) từ năm 2020. Cô hiện là giảng viên và nhà nghiên cứu về giáo dục tại một trường đại học công lớn ở Mỹ, với vị trí Phó giáo sư dự khuyết.
Tuy đã thành đạt về học vấn từ rất sớm nhưng Tiến sĩ Nguyễn Phương Chi chỉ thực sự trở thành một người truyền cảm hứng cho giới trẻ và cộng đồng bắt đầu viết blog từ năm 2016, và hiện nay đã là một blogger, nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp, nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội.
Cụ thể, Chi Nguyễn hiện sở hữu blog khá nổi tiếng với giới trẻ là The Present Writer, một kênh Youtube và trang Facebook cùng tên (đều đã tăng đến khoảng 500k lượt theo dõi), và một kênh Podcast tiếng Việt thường ở top đầu về xu hướng trên Spotify.
Mới đây nhất, Chi Nguyễn đã cho tái bản lần 2 cuốn sách tâm huyết và chắt lọc kinh nghiệm thành công của cô, mang tên "Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản" (xuất bản lần đầu năm 2018).
Chia sẻ về về chủ nghĩa tối giản và chứng minh nó hữu ích như thế nào với sự thành công trong cả công việc và cuộc sống, Chi Nguyễn luôn không quên nhắc tới trải nghiệm của chính bản thân mình hồi năm 2015, khi cô chuyển nhà. Đó là thời điểm Chi bàng hoàng nhận ra cuộc sống của mình cần phải thay đổi.
"Mùa hè năm 2015, tôi cảm thấy căng thẳng và áp lực vô cùng với việc chuyển nhà. Tôi cảm thấy ngợp với hàng chồng đồ đạc phải gói ghém.
Tình trạng của tôi xấu đến mức, mặc dù đã thuê dịch vụ chuyển nhà và nhờ một người bạn thân của tôi đến chuyển giúp, nhưng tôi vẫn không thể tưởng tượng tại sao chỉ có 1 người (là tôi) ở cùng 1 con mèo mà đồ đạc chứa đến 2 thùng gỗ cao gấp đôi người và rộng bằng hai sải tay. Đó là chưa kể quần áo chứa trong 4 vali to đẩy bên ngoài.
Tôi thấy xấu hổ khi nhìn lại mấy tấm hình chụp lúc chuyển nhà hôm đó và hình ảnh cả tháng sau tôi vẫn loay hoay với hàng núi đồ đạc ở nhà mới. Nhưng đây là một trải nghiệm vô cùng quan trọng đối với tôi, bởi vì nó khiến tôi nhận ra mình đã sống "nặng nề" như thế nào chỉ vì những đồ vật vô tri vô giác. Và quan trọng hơn, nó đưa tôi đến với Chủ nghĩa tối giản", Chi Nguyễn chia sẻ trong cuốn sách đầu tay về lối sống tối giản - cuốn sách đầu tiên của người Việt về chủ đề này.
Vậy chủ nghĩa tối giản là gì mà có "phép màu" đến vậy? Dưới đây chúng ta cùng giải đáp 2 câu hỏi chính:
- Chủ nghĩa tối giản là gì? Sự khác nhau giữa lối sống tối giản của Nhật Bản và 3 nước Bắc Âu.
- Lối sống tối giản mang sắc thái riêng mà Tiến sĩ Nguyễn Phương Chi theo đuổi là gì?
Hiểu biết cơ bản về chủ nghĩa tối giản
Dù cùng một khái niệm minimalism – chủ nghĩa tối giản, nhưng ở mỗi nền văn hoá khác nhau thì lại có cách hiểu và cách áp dụng riêng. Thực tế, hiện nay có 2 xu hướng chủ đạo được những người theo đuổi chủ nghĩa tối giản thường nhắc tới, đó là tối giản kiểu Nhật Bản và tối giản theo kiểu Bắc Âu.
Trong cuốn sách "Lối sống tối giản của người Nhật", chủ yếu nhắc tới thói quen và ảnh hưởng của việc tích quá nhiều đồ đạc ở trong nhà. Từ đó, tác giả Sasaki Fumio đề ra những giải pháp để có thể có được lối sống tối giản một cách hợp lý và mang lại niềm vui.
Vậy, người Nhật đã sống tối giản như thế nào? Duy trì thói quen cắt giảm các vật dụng xuống còn mức tối thiểu là lối sống theo chủ nghĩa tối giản của người Nhật, hay còn gọi là Danshari. Với quan niệm của người Nhật, khi xung quanh có ít đồ đạc thì họ sẽ có thêm thời gian để tâm tới an vui và cảm thấy mới lạ mỗi ngày. Người sống tối giản chỉ sở hữu những vật dụng, đồ đạc cần thiết cho cuộc sống của họ và không có đồ dư thừa.
Theo Sasaki Fumio, tác giả của "Lối sống tối giản của người Nhật" chia sẻ: "Giảm bớt đồ đạc quá tải trong nhà chính là một lần giúp suy nghĩ về hạnh phúc".
Bất cứ ai khi sinh ra đều là người sống tối giản, bởi chẳng có ai ngay từ khi sinh ra đã có sẵn tài sản hay đồ đạc gì trong tay. Giá trị của bản thân chúng ta không đo bằng những đồ dùng sở hữu. Bởi chúng chỉ mang lại cho chúng ta cảm giác hạnh phúc nhất thời mà thôi. Theo Sasaki Fumio, khi nhận thức được điều này thì tức là bạn đã bắt đầu để trở thành một người sống tối giản.
Một minh chứng khác cho lối sống theo chủ nghĩa tối giản còn có "Nghệ thuật bài trí của người Nhật: Phép màu thay đổi cuộc sống" của Marie Kondo. Đây là cuốn sách nổi tiếng đã được xuất bản sang 33 thứ tiếng, bán được 1,5 triệu bản tiếng Nhật và tới hơn 2 triệu bản tiếng Anh. Cuốn sách này liên tục đứng đầu trong các bảng xếp hạng của Amazon, New York Times… Ngoài ra, tác giả Marie Kondo còn xuất hiện trong loạt phim tài liệu gây bất ngờ trên Netflic với tựa đề là "Dọn nhà cùng Marie Kondo".
Bằng cách đưa những câu chuyện của bản thân và các học viên của mình để minh hoạ cho từng bước trong các phương pháp "dọn dẹp", Marie Kondo giúp bạn đọc có thể dễ dàng rút ra kinh nghiệm, đồng thời lựa chọn được cách tốt nhất cho bản thân mình.
Dọn dẹp nhà cửa không chỉ mang lại một căn nhà gọn gàng, ngăn nắp, mà thói quen này còn có tác động tới cả cuộc sống và tương lai của bạn. Theo tác giả Marie Kondo: "Dọn dẹp đồ đạc cũng có nghĩa là dọn dẹp quá khứ. Nó giống như thể bạn đang tái lập lại cuộc sống và thanh lý những tồn đọng để có thể tiếp tục tiến về phía trước". Từ đó, bạn có thể cảm thấy tự tin, có năng lượng và động lực để tạo ra được cuộc sống mà bạn mong muốn.
Phong cách sống của người Bắc Âu: Tối giản để hạnh phúc hơn. Đây là điểm chung của những phong cách sống của người Bắc Âu: Lagom, Hygge và Sisu . Đây là ba phong cách sống nổi bật và có tốc độ lan truyền lớn nhờ vào tính thực tế và khả năng đem lại tác dụng tích cực.
"Tối giản để hạnh phúc hơn"
Lối sống tối giản của người Bắc Âu
Thứ nhất , Lagom (vừa đủ) là đẳng cấp sống của người Thuỵ Điển. Cốt lõi trong phong cách sống Lagom là "Không quá ít, không quá nhiều, chỉ vừa đủ". Tuy nhiên, biết thế nào là đủ thì điều này còn phụ thuộc vào giới hạn của mỗi người. Trong xã hội bộn bề lo toan như hiện nay thì Lagom được coi là giải pháp để giúp con người có thể thoát ra khỏi những cân đo đong đêm một cách thái quá. Tinh thần của Lagom được thể hiện trong mọi mặt của cuộc sống đối với người Thuỵ Điển, chẳng hạn trong ăn, mặc, ở, vui chơi…
Thứ hai , Hygge – hạnh phúc từ những điều nhỏ bé – là nghệ thuật sống của người Đan Mạch. Hygge diễn tả cảm giác ấm cúng, thoải mái. Trong bối cảnh cuộc sống có nhiều áp lực, phức tạp, Hygge được coi là "chìa khoá" giúp bất cứ ai đang rơi vào tình trạng mông lung có thể tìm ra hạnh phúc cho chính mình. Nói một cách khác, Hygge chính là cách mỗi người cảm nhận thật sâu về những niềm hạnh phúc nhỏ bé ở trong cuộc sống.
Thứ ba , Sisu – vượt qua tất cả - là nghệ thuật sống của người Phần Lan. Sisu là thuật ngữ cho thấy lòng can đảm, tinh thần bền bỉ, tính kiên trì và sự dẻo dai. Đây là những phẩm chất giúp định hình nên nghệ thuật sống "vượt qua tất cả" của người Phần Lan. Tinh thần của Sisu được thể hiện trong mọi mặt của cuộc sống đối với người Phần Lan, chẳng hạn như chuẩn bị thật kỹ để đương đầu với những khó khăn, thừa nhận những điểm yếu của bản thân, tận hưởng mùa hè ở vùng hẻo lánh…
Chủ nghĩa tối giản theo phong cách Chi Nguyễn
KonMari chính là phương pháp đã thay đổi quan niệm sống và tạo nguồn cảm hứng cho Chi Nguyễn thực hành và trải nghiệm lối sống tối giản.
Khác với các cuốn sách trên về chủ nghĩa tối giản, Chi Nguyễn không đưa người đọc vào một công thức cụ thể nào để đánh giá về tối giản, hay thế nào là hạnh phúc. Thay vào đó, thông qua "Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản", Chi Nguyễn chia sẻ về những khái niệm mở và truyền cảm hứng để người đọc có thể thay đổi tư duy và sau đó tự quyết định và tìm ra lối sống phù hợp với mình - trên cơ sở là tư duy tối giản.
Do đó, nếu như người đọc mong đợi về một cẩm nang hướng dẫn cách bài trí đồ đạc ra sao, nên giữ cái gì và bỏ cái gì, thì có lẽ cuốn sách này sẽ không đáp ứng được. Bởi vì cách tiếp cận của tác giả là mang đến cho người đọc một tư duy mở để họ thay đổi cuộc sống của mình một cách toàn diện.
"Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản" là trải nghiệm rất riêng của chính Chi Nguyễn sau nhiều năm theo đuổi lối sống tối giản.
Theo Chi Nguyễn, chủ nghĩa tối giản bị hiểu lầm rất nhiều. Bởi không ít người cho rằng lối sống tối giản chỉ dành cho những người giàu có, hoặc những người trẻ chưa có gia đình, tối giản là lãng phí hay keo kiệt, tối giản chỉ hợp với "tây"… Thậm chí, nhiều người cho rằng sống theo chủ nghĩa tối giản là chỉ cần vài bộ quần áo, không giữ lại đồ đạc thừa…
Tối giản như vậy, theo Chi Nguyễn, là thái quá và đây cũng được coi là mặt trái của chủ nghĩa tối giản.
"Nếu bạn bị "ám ảnh" bởi đồ đạc, cả việc mua thêm đồ mới hay việc bỏ bớt đồ cũ, thì có nghĩa là bạn vẫn bị đồ đạc chi phối. Điều này đi ngược lại hoàn toàn tư duy tối giản"
Với Chi Nguyễn, sống theo chủ nghĩa tối giản là đơn giản hoá cuộc sống và bỏ đi những thứ không cần thiết để đón chào những điều có ý nghĩa hơn. Đó có thể là vật dụng, đồ đạc hàng ngày, những suy nghĩ tiêu cực, thói quen mua sắm dư thừa, những mối quan hệ không tốt… Đặc biệt, tận dụng tu duy của chủ nghĩa tối giản, đó là hiện đại, đơn giản hoá cuộc sống và toàn diện.
Tác giả Chi Nguyễn cho biết: "Điểm khác biệt trong chủ nghĩa tối giản của tôi là tối giản một cách toàn diện . Tôi gọi đó là Holistic Minimalism".
Theo đó, tối giản một cách toàn diện khuyến khích những người theo chủ nghĩa tối giản ứng dụng tư duy tối giản vào tất cả các mặt của cuộc sống, hướng tới một lối sống tích cực, lành mạnh, cân bằng, thay vì thái quá, hà khắc, phi thực tế.
Điểm cốt lõi của holistic minimalism chính là xoay quanh câu hỏi: Làm sao để ta sống hiệu năng, tích cực hơn, bỏ bớt đi những thứ thừa thãi, không còn ý nghĩa để dọn chỗ cho những điều cần thiết, ý nghĩa hơn và đón thêm cơ hội mới?
Chi Nguyễn chia sẻ: "Holistic minimalism là một phong cách "ăn, ngủ, thở" cùng chủ nghĩa tối giản và cũng là cam kết theo đuổi lối sống này một cách lâu dài, bền vững trên mọi "mặt trận" của cuộc sống".
80/20 - Quy tắc giúp làm chủ cuộc sống
Theo đuổi lối sống theo chủ nghĩa tối giản, nhưng làm thế nào có thể thực hiện được? Làm thế nào để tối giản từ các sản phẩm vật chất như quần áo, đồ đạc, cho đến các giá trị phi vật chất như năng suất làm việc, sự tập trung và quan hệ xã hội?
Chi Nguyễn tâm sự: "Tôi cũng từng rất đau đầu về vấn đề này cho đến khi biết được Quy luật 80/20 (hay còn gọi là Quy tắc Pareto) – một quy tắc vàng để đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống".
Nhờ việc sử dụng quy tắc 80/20 để đưa ra quyết định về công việc cần ưu tiên khi lập kế hoạch cho ngày/tuần/tháng tới, nên Chi Nguyễn có thể tập trung được vào những công việc quan trọng nhất. Đồng thời cô cũng nới dần được những công việc thứ yếu và không mang lại nhiều thành quả.
Quy luật 80/20 cũng được Chi Nguyễn sử dụng khi bắt đầu tối giản hoá đồ đạc. Cô nhận ra rằng bản thân chỉ sử dụng thường xuyên khoảng 20% trong số 80% quần áo của mình. Điều này được chứng minh qua ảnh chụp hàng ngày, nhu cầu giặt là hàng tuần…
"Khi bắt đầu con đường đến với Chủ nghĩa tối giản, tôi đã mạnh tay bỏ đi 80% đồ đạc của mình (80% quần áo, 80% đồ gia dụng, 80% giày dép, 80% giấy tờ…). Đó thực sự là một cuộc cách mạng trong phong cách sống!", Chi Nguyễn chia sẻ.
Tương tự, trong quan hệ xã hội, Chi Nguyễn cũng nhận ra rằng: "Chỉ 20% những người tôi quen mang lại tới 80% hạnh phúc của tôi khi tiếp xúc với họ. Số còn lại phần nhiều là những mối quan hệ xã giao, bạn trên mạng xã hội, hoặc những người có liên lạc nhưng không thực sự quan tâm đến tôi".
Ứng dụng quy tắc 80/20 cho quan hệ xã hội, Chi Nguyễn bắt đầu tối giản hóa cuộc sống, dần thanh lọc những mối quan hệ không cần thiết, bớt thời gian đi chiều lòng những người không thực sự tốt với mình. Thay vào đó, cô tập trung phần lớn thời gian rảnh của mình để có thể xây dựng và tiếp nối những mối quan hệ tích cực.
"Nếu bạn cảm thấy cuộc sống của mình bị kiểm soát bởi những mối quan hệ không đâu, bị bao vây bởi những luồng tư duy tiêu cực, và bị áp đảo bởi suy nghĩ phải chiều lòng tất cả mọi người, đây là cơ hội để bạn thay đổi", Chi Nguyễn chia sẻ sau một thời gian dài ứng dụng quy tắc 80/20.
Khi bắt đầu con đường đến với chủ nghĩa tối giản, tôi đã mạnh tay bỏ đi 80% đồ đạc của mình.
Chi Nguyễn
Những trải nghiệm "ngộp thở" trong đống đồ đạc gắn liền với tuổi thơ từ cái áo lông từ hồi tiểu học cho đến hàng chồng đồ đạc từ giày dép, ba-lô đi học, sách vở... vào mùa hè năm 2013 khi Chi Nguyễn chuẩn bị sang Mỹ du học.
Thế nhưng, 2 năm sau, ở Mỹ, dù đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu về các phương pháp sắp xếp đồ đạc khoa học, thậm chí theo học khóa học online chuyên sâu, nhưng Chi Nguyễn vẫn rơi vào tình trạng ngộp thở trong đống đồ đạc của mình vào mùa hè năm 2015, thời điểm cô chuyển nhà.
"Tôi cảm thấy thực sự thất vọng về bản thân, bất lực không hiểu tại sao mình vẫn có nhiều đồ đến vậy", Chi nhớ lại về lần chuyển nhà khiến cô stress.
Tuy nhiên, nhờ việc dành khoảng 3 tháng "nghiêm túc" để nghiên cứu và nhìn lại bản thân, Chi Nguyễn nhận ra 3 điều quan trọng. Thứ nhất, sắp xếp đồ đạc gọn gàng không đồng nghĩa với việc có ít đồ đạc. Thứ hai, chỉ nên mua những cái mình cần, không phải cái mình muốn. Thứ ba, không có lý do gì phải "tiếc của" khi bỏ đi những đồ mình không dùng, bởi vẫn có thể bán đi, quyên góp từ thiện, hoặc tặng lại cho những người cần hơn mình.
Cùng khoảng thời gian này, Chi Nguyễn tâm sự, cô đọc được cuốn sách "Nghệ thuật bài trí của người Nhật: Phép màu thay đổi cuộc sống" của tác giả Marie Kondo khiến cô thay đổi và bắt đầu tìm hiểu thêm về phong cách đơn giản hóa cuộc sống và phát hiện ra chủ nghĩa tối giản.
"Đây là một cuốn sách rất hay, hay đến mức tôi đọc ngấu nghiến xong hết trong chỉ một buổi chiều", Chi Nguyễn chia sẻ về cuốn sách của tác giả người Nhật, Marie Kondo.
Ở thời điểm đó, chưa có nhiều tài liệu đề cập đến chủ đề này ở Việt Nam. Trong khi đó, chủ nghĩa tối giản đã được biết tới và tạo làn sóng mạnh mẽ ở Mỹ, Nhật và nhiều nước châu Âu.
Sau 5 năm sống theo một hướng mới – chủ nghĩa tối giản, Chi Nguyễn chia sẻ: "Chủ nghĩa tối giản là một trong những điều tuyệt vời nhất đã đến với cuộc đời tôi. Dấu ấn của phong cách sống này đối với tôi trong thời gian qua là vô cùng đậm nét".
"Mọi người thường hỏi: "Làm sao Chi có thể làm được nhiều việc cùng lúc như vậy?" Câu trả lời của tôi luôn là: " Chủ nghĩa tối giản ". Ngày trước tôi rất ngại từ chối, ngại nói "không" với người khác; nhưng giờ tôi nói "không" rất nhiều và cảm thấy tự do, thoải mái hơn khi nói "có" với những điều mình muốn làm", Chi Nguyễn kể.
"Nếu bỏ đi khoảng thời gian hàng ngày tôi vùi đầu vào các trang mua sắm, loạn lên để tìm một món đồ mặc mỗi sáng, lo lắng vì những việc không thể kiểm soát được trong tương lai, trì hoãn làm những gì mình đáng ra phải làm, bỗng nhiên tôi thấy dôi ra rất nhiều thời gian", Chi Nguyễn chia sẻ trong "Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản".
Mỗi người có một cách khác nhau để theo đuổi chủ nghĩa tối giản và sau khi có thời gian chiêm nghiệm và thực hành, bạn sẽ biết bản thân cần buông bỏ và giữ lại những gì. Đương nhiên đó không chỉ dừng lại ở đồ đạc!
"Chủ nghĩa tối giản không hoàn hảo. Tôi không hoàn hảo. Bạn không hoàn hảo. Nhưng cuộc sống cũng không hoàn hảo.
"Tại sao ta phải ép mình theo một quy chuẩn nào đó hạn hẹp và thái quá? Suy cho cùng, được sống theo những gì mình thích, được làm những gì mình muốn làm là đích thực hạnh phúc — tối giản hay tối đa chỉ là phương tiện và cầu nối đưa bạn đến cuộc sống mà bạn hằng mơ ước mà thôi", Chi Nguyễn chia sẻ.
"Suy cho cùng, được sống theo những gì mình thích, được làm những gì mình muốn làm là đích thực hạnh phúc".
Chi Nguyễn
Hằng Nga 5 tìm thấy nhiên liệu cực quý trên Mặt Trăng, chuyên gia: 1 tấn giá 3 tỷ đô