''Ngôi nhà cuối cùng'' của hàng chục nghìn sinh linh bé bỏng xấu số
Hàng chục nghìn thai nhi được gom về chôn cất ở nghĩa trang giáo xứ An Bài. Cứ vài tháng, số sinh linh được đưa về an táng lại tăng lên nhiều.
Lễ an táng hơn 500 thai nhi
Nghĩa trang giáo xứ An Bài , huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định , lúc 1 giờ chiều một ngày đầu tháng 4, trời nắng hiu hắt. Chiếc xe cấp cứu chở hơn 500 thai nhi xấu số từ Hà Nội về dừng ở đầu ngõ, cách nghĩa trang khoảng 400m. Vì đường hẹp nên các tình nguyện viên phải chuyển thai nhi sang xe cải tiến đưa vào.
Người dân xóm Tiến Cát và thị trấn Cồn bịt khẩu trang, đội mũ đứng chờ sẵn. Thấy xe đến, họ vội chạy ra giúp các tình nguyện viên mang 3 thùng xốp, 2 bao quần áo và 200 bông cúc trắng, đặt lên sảnh nhà chờ (còn gọi là nhà Tiếp linh hoặc Nhà nguyện).
Xe cứu thương chở hơn 500 thai nhi về nghĩa trang chôn cất.
Trong 3 thùng xốp là các túi đá gel lạnh và hơn 500 thai nhi từ vài tuần đến 8 tháng tuổi.
Tình nguyện viên xếp các bọc trắng chứa thai nhi vào 18 chiếc tiểu, đặt ngay ngắn trước Nhà nguyện. Những bé lớn được xếp trong tiểu to, bé nhỏ hơn nằm ghép 2 em một tiểu. Còn những bé nhỏ xíu được bọc trong những tấm vải riêng, đặt cùng một nơi cho đến khi đầy. Mỗi chiếc tiểu được xếp vài bộ quần áo, mũ, bao tay, phủ tấm khăn mỏng rồi đặt lên một bông cúc trắng.
Thầy phó tế ở Giáo xứ An Bài lúc này đến cử hành nghi thức an táng thai nhi, cầu nguyện cho các sinh linh bé bỏng, đồng thời cầu nguyện cho cha mẹ các bé sớm thoát khỏi lỗi lầm. Các giáo dân cũng có mặt cùng cầu nguyện.
Thầy phó tế làm nghi thức an táng thai nhi
18 chiếc tiểu chứa thai nhi được chôn ở ngôi mộ tập thể sâu hơn 1 mét. Cạnh đó, có 14 ngôi mộ để trống, sẽ là nơi chôn các sinh linh xấu số. Nghĩa trang Giáo xứ An Bài là nơi yên nghỉ của hàng chục nghìn bé bị cha mẹ phá bỏ hoặc chết yểu.
Bé N.H.A. là một trong số ít bé được đặt tên. Đây là bé gái sơ sinh bị mẹ ném từ chung cư Linh Đàm (Hà Nội) xuống vào tháng 10/2018. Đội tình nguyện CLB Sẻ chia sự sống đưa bé về đây.
Phần mộ của H.A.
Ngoài H.A., hàng chục nghìn thai nhi chưa kịp chào đời được đưa về nghĩa trang này. Các bé được gom chủ yếu từ các phòng phá thai chui và một số bệnh viện, bãi rác ở Hà Nội.
Anh Lê Trung (Trưởng CLB Sẻ chia sự sống ở Hà Nội) cho biết, trong vòng 3 tháng (từ tháng 2/2022 đến nay), CLB tiếp nhận hơn 500 thai nhi, trung bình mỗi ngày 5 - 6 bé bị nạo phá. Con số này chỉ bằng 1/3 thời điểm trước dịch. “Trước đó, các tình nguyện viên có thể gom gần 1.500 bé trong 3 tháng”, anh nói.
Người làm cha mẹ phải tự kiểm điểm
Biết hoạt động của CLB Sẻ chia sự sống, một số cha mẹ liên hệ anh Trung nhờ chôn cất. Có người kẹp theo mấy đồng tiền lẻ, hoặc gửi vào tài khoản của anh vài trăm nghìn “phí dịch vụ” để “yên tâm và thanh thản” hơn, nhưng đều bị trả lại.
Số tiền lẻ TNV nhặt được trong các bọc chứa thai nhi treo trên gốc cây.
“Tôi và tình nguyện viên tuyệt đối không nhận, kể cả một đồng.
Chúng tôi làm phúc giúp các bé, còn người làm cha mẹ phải tự kiểm điểm và suy nghĩ về hành động, trách nhiệm của mình với con. Nếu chúng tôi nhận những đồng tiền đó, họ sẽ coi như xong chuyện và quên ngay lập tức.
Những năm qua, chưa có người cha người mẹ nào đến nghĩa trang thăm con. Những ngày giỗ, Tết, họ cũng không nhắn gửi CLB nhờ thắp nén hương. Dường như họ đã quên những đứa trẻ này”, anh Trung bày tỏ.
Dù không nhận được sự quan tâm của cha mẹ ruột nhưng các thai nhi được người dân địa phương thường xuyên trông nom, quét dọn và thắp hương dịp lễ, Tết.
Bà Nguyễn Thị Hiên (65 tuổi, ở xóm Tây Cát, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu) luôn sẵn sàng hỗ trợ chôn cất thai nhi. "Các cháu đã thiệt thòi không có cơ hội được sinh ra nên chúng tôi thường ra thắp hương. Lần nào biết có thai nhi được đưa về, tôi bận mấy cũng phải ra", bà Hiên nói chắc nịch.
Bà Hiên cùng các giáo dân phụ giúp TNV đặt 18 chiếc tiểu xuống để chôn cất.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Toanh (chánh xứ An Bài) cho biết, nghĩa trang này trước đây chỉ chôn cất thai nhi nhặt được ở khu vực xung quanh. Khi các bạn trẻ lập hội nhóm chôn cất thiện nguyện thì mới đưa thai nhi từ nơi khác về.
Đến nay, số thai nhi được yên nghỉ tại đây lên đến hàng chục nghìn, không đếm xuể.
"Từ khi nghĩa trang được xây, tôi chưa thấy cha mẹ nào đến tìm con. Các ngôi mộ này đang bị lấp đầy khiến chúng tôi cảm thấy hoang mang, phần lo thiếu quỹ đất, phần vì nghi ngại về hành vi của những người bỏ con.
... Việc chôn cất thai nhi chỉ là giải quyết hậu quả, vấn đề chính mỗi người phải tự ý thức sống lành mạnh để không có thai nhi nào bị bỏ", chánh xứ An Bài chia sẻ.
TNV và giáo dân ra nghĩa trang thai nhi để thắp hương, quét dọn.
Nhiều em không được giáo dục tốt về sinh lý
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm tư vấn tâm lý Tuổi trẻ Hạnh phúc) nhận định, việc phá bỏ thai nhi diễn ra rất nhiều. Thậm chí, nhiều ca phá thai chui, không có con số thống kê chính xác.
Với trường hợp mang thai ngoài ý muốn, đó có thể do lầm lỡ tuổi trẻ, sự thiếu hiểu biết về quan hệ nam nữ. Một số người không có khả năng nuôi con, hoặc bị áp lực từ gia đình, xã hội.
Những thai nhi bị phá bỏ được bọc trong vải trắng trước khi cho vào tiểu.
“Sau khi phá thai, hầu hết cha mẹ đều không muốn nhắc đến vì sợ điều tiếng. Một số bạn trẻ giấu kín vì không muốn nhớ đến tội ác mình gây ra. Đó là lý do họ không đến nghĩa trang thăm con”, chuyên gia Túy phân tích và cho rằng, cái gốc của vấn đề là họ không được giáo dục tốt về sinh lý và biện pháp tránh thai.
Chuyên gia tâm lý Phan Thúy (Giám đốc Học viện Happy Skill) cho biết, bà nhiều lần gặp cảnh cha mẹ ép con phá thai. Các bạn trẻ chưa đủ tuổi khi mang thai sợ nhất là bố mẹ, hàng xóm biết. Các em sẽ giấu giếm, bỏ nhà đi hoặc phá thai chui, thậm chí muốn tự tử. Cha mẹ khi nghe tin con có thai thường rất sốc và sợ mất mặt.
Lúc này, cha mẹ là người có tầm ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đến những quyết định và tương lai của con.
“Trường hợp con lỡ có thai, cha mẹ nên chia sẻ, hướng dẫn con đi khám. Nếu con đủ sức khỏe và tâm lý, phụ huynh nên giúp con trang bị kiến thức để có thai kỳ khỏe mạnh và hướng dẫn cách chăm sóc em bé sau sinh", bà Thúy nói và cho rằng, cha mẹ nên dạy những kỹ năng, chia sẻ vấn đề giới tính với con từ khi con nhỏ, không phải để đến khi học cấp 2, cấp 3 mới quan tâm.
"Tôi phải thuyết phục các bà mẹ bỏ ý định phá thai"
Nhiều năm qua, anh Lê Trung (Trưởng CLB Sẻ chia sự sống ở Hà Nội) và các tình nguyện viên CLB duy trì hoạt động thu gom thai nhi. “Mục đích của tôi không chỉ dừng ở việc gom xác những bé bị nạo phá, bởi đó chỉ là vấn đề trên “ngọn”. Muốn giải quyết tận gốc, tôi phải thuyết phục các bà mẹ bỏ ý định phá thai để nuôi đứa trẻ trưởng thành”, anh Trung chia sẻ.
Anh Trung lập một nhóm trên Facebook, công khai số điện thoại cá nhân để trợ giúp kịp thời bà bầu gặp khó khăn. Bất kể ngày đêm, anh đều nghe cuộc gọi từ số lạ, vì đằng sau đầu dây có thể là những phụ nữ có ý định tìm đến cái chết.
“Họ đều đang mang thai, bị người yêu ruồng rẫy, gia đình bắt phá, hoặc áp lực về kinh tế. Có nhiều người gọi tâm sự trước khi làm điều dại dột. Nếu không kịp đưa giải pháp, có thể họ sẽ chạm đến ranh giới của sự sống và cái chết”, anh Trung kể.
Nếu ai không có chỗ ở, anh giúp họ thuê nhà. Mỗi tháng, anh gửi cho họ số tiền đủ sinh hoạt và giới thiệu việc làm. Đổi lại, họ phải học một nghề nào đó kiếm tiền nuôi con, như làm bánh, nail, cắt tóc, gội đầu...
Một mái ấm ở Nam Định, nơi các cô gái trót mang bầu và em bé bị bỏ rơi về tá túc.
Cách đây 3 năm, một cô gái họ Giàng liên hệ anh Trung nhờ giúp đỡ. Cô gái này là người dân tộc H’Mông, một mình tới Hà Nội làm thuê. Năm 17 tuổi, cô mang thai với một thanh niên nhưng cả hai đều không đủ điều kiện nuôi con. Lúc khốn cùng nhất, cô định phá thai.
Sau khi được anh Trung giúp đỡ, sinh con an toàn, cô gái may mắn gặp được người đàn ông cùng chăm con. Hiện, con gái cô 3 tuổi, hai mẹ con có cuộc sống ổn định.
Trước đó, một cô gái mang thai ở tuổi 16, đang có ý định tự tử, phá thai cũng được anh giúp. “Khó khăn lắm mới thuyết phục được cô này về mái ấm ở Nam Định sinh con. Nhưng sau khi sinh, cô ấy để lại con rồi bỏ đi”, anh Trung nói và cho biết, có hơn 100 bé được CLB hỗ trợ như vậy.
Mái ấm tình thương này đang chăm sóc hơn 10 bé gái, bé lớn nhất đang học lớp 8.
Ranh giới 22 tuần tuổi
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Đức Hùng (Công Ty Luật TNHH TGS) cho biết, pháp luật hiện hành chỉ cấm phá thai trên 22 tuần tuổi (5 tháng rưỡi) và cấm phá thai với lý do lựa chọn giới tính. Nếu vi phạm, người thực hiện hành vi có thể chỉ bị phạt hành chính với số tiền từ 3 triệu, cao nhất là 20 triệu đồng.
Đối với các hành vi phá thai còn lại chưa có văn bản pháp luật hay một chế tài, quy định cụ thể nào cấm và xử lý.
"Chế tài nhẹ sẽ không công bằng với những đứa trẻ bị phá bỏ"
"Chế tài này chưa thật sự đầy đủ và mang tính chất răn đe, đặc biệt là không công bằng với những đứa trẻ bị phá bỏ. Rõ ràng quyền được sống của các em đã bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng.
Cậu bé tự kỷ 16 tuổi học hết cấp 1, nhận tháng 'lương' đầu và những giọt nước mắt của mẹ
Phá thai là hành vi tàn nhẫn. Nếu chỉ có chế tài xử phạt hành chính như hiện nay là chưa đủ. Thiết nghĩ, nếu người làm thủ thuật y khoa biết rõ không được phá thai trên 22 tuần tuổi mà vẫn cố tình làm thì có thể tính đến việc xem xét tội Giết người", luật sư Hùng nói.
Về ranh giới 22 tuần tuổi, luật sư cho rằng pháp luật dựa một phần vào y học để quy định. Em bé tuổi này đã có hình dáng của một đứa trẻ sơ sinh thu nhỏ, đã hoàn thiện hầu hết cơ quan, bộ phận cần thiết và đang phát triển nhanh chóng để chuẩn bị chào đời. Tuy nhiên, bào thai vẫn chưa thể tồn tại một cách độc lập, chỉ ở dạng "con người tiềm năng".
Trong giai đoạn này, việc nạo phá thai sẽ gây ra những tác động về mặt tâm lý, mặc cảm về hành động tước bỏ sự sống của một sinh linh và nguy cơ xấu đối với sức khỏe của người mẹ. Vì vậy, các nhà làm luật đã lấy ranh giới 22 tuần tuổi để quy định mức xử phạt.
"22 tuần tuổi là ranh giới luật định. Tuy nhiên, nếu có những người cha mẹ vô cảm và những phòng khám chui sẵn sàng phá thai to thì sẽ không có ranh giới nào có thể ngăn cản nạn bức tử thai nhi. Như vậy, chính cha mẹ mới là người quyết định ranh giới ấy", luật sư Hùng nói.
Theo Phương Anh
PHÁP LUẬT & BẠN ĐỌC