Ngoáy mũi có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, tạo "đường tắt" cho vi khuẩn xâm nhập

Chia sẻ Facebook
05/11/2022 20:28:22

Để giảm ngứa mũi, làm sạch khoang mũi, hoặc có thể chỉ vì buồn chán, ngoáy mũi đã trở thành một hành động vô thức của nhiều người. Tuy nhiên, ít ai biết rằng nó có thể để lại nhiều hậu quả khôn lường.


Hành động tưởng chừng như đơn giản này có thể phải trả giá rất đắt. Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Scientific Reports cho thấy ngoáy mũi thường xuyên có thể làm tăng khả năng mắc bệnh Alzheimer.

Ngoáy mũi có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ


Các nhà nghiên cứu tại Đại học Griffith ở Úc đã xác nhận rằng vi khuẩn có thể xâm nhập vào não trực tiếp qua mũi và tạo ra các dấu hiệu có thể dẫn đến bệnh Alzheimer. Họ đã quan sát thấy vi khuẩn Chlamydia pneumoniae, một loại vi khuẩn có liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp bao gồm cả viêm phổi, sử dụng dây thần kinh khứu giác như một "con đường xâm nhập để tấn công hệ thống thần kinh trung ương của con người".

Sau khi cấy vào niêm mạc mũi của chuột Chlamydia pneumoniae, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng vi khuẩn này có thể lây nhiễm vào dây thần kinh khứu giác, dây thần kinh sinh ba và não trong vòng 72 giờ. Sau 7 đến 28 ngày sau khi cấy, nó có thể gây ra sự tích tụ beta amyloid trong não, cũng là một dấu hiệu của bệnh Alzheimer.

(Ảnh minh họa: Sohu)

Giáo sư James St. John, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết các dây thần kinh khứu giác trong khoang mũi khi tiếp xúc với không khí sẽ tạo "đường tắt" để mầm bệnh vượt qua hàng rào máu não và xâm nhập trực tiếp vào não.

Những thói quen xấu như ngoáy mũi, nhổ lông mũi dễ làm hỏng chức năng bảo vệ của lông mũi, làm tổn thương niêm mạc mũi, tạo cơ hội thuận lợi cho các loại vi khuẩn xâm nhập lên não.

Chen Liming, Phó trưởng Khoa Thần kinh của Bệnh viện Đa khoa Đại học Thâm Quyến (Trung Quốc), giải thích rằng mặc dù các thí nghiệm trên được thực hiện trên chuột, nhưng con người có các dây thần kinh giống chúng và có thể bị lây nhiễm bởi cùng một loại vi khuẩn. Dù vậy vẫn cần nghiên cứu thêm trong tương lai.

Ngoáy mũi tạo "đường tắt" cho vi khuẩn xâm nhập

Một cuộc khảo sát cho thấy 91% người lớn thừa nhận thường xuyên ngoáy mũi. Ngoài việc có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ trong tương lai, ngoáy mũi thường xuyên còn có những nguy cơ này.


Ô nhiễm khoang mũi

Có vô số vi khuẩn và mầm bệnh ẩn trong móng tay, dù có rửa tay thường xuyên cũng không thể đảm bảo rằng ngón tay của chúng ta luôn sạch sẽ.

Việc ngoáy mũi thường xuyên dễ làm tổn thương niêm mạc mũi, nhất là ở trẻ em có niêm mạc mũi mỏng manh. Nếu bạn ngoáy mũi thường xuyên, kích thích viêm lặp đi lặp lại có thể gây ra các bệnh như viêm tiền đình mũi.


Tổn thương đường hô hấp

Do tiền đình mũi bị tổn thương sẽ rụng nhiều lông mũi, giảm khả năng lọc bụi và mầm bệnh, làm suy yếu hàng rào vật lý đầu tiên của khoang mũi, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp.

(Ảnh minh họa: QQ)


Gây viêm phổi

Nếu mầm bệnh xâm nhập vào khoang mũi thông qua động tác ngoáy mũi và "luồn lách" qua được "hàng rào" lông mũi thì có thể gây viêm phổi, nhất là gặp phải vi khuẩn Streptococcus pneumoniae chuyên sống ở phổi.


Nhiễm trùng não

Khoang mũi là một phần quan trọng của "tam giác nguy hiểm" của khuôn mặt, và một số tĩnh mạch thông với xoang hang nội sọ.

Một khi niêm mạc mũi bị tổn thương và kèm theo nhiễm trùng do vi khuẩn, nhiễm trùng sẽ lây lan ngược trở lại xoang hang, có thể gây nhiễm trùng nội sọ, biểu hiện như đau đầu, cứng cổ, buồn nôn, nôn, lú lẫn và các triệu chứng khác.

Cách vệ sinh mũi đúng cách

Lông mũi có tác dụng lọc, lớp màng nhầy trên bề mặt niêm mạc mũi cũng sẽ hút các dị vật, vệ sinh khoang mũi là tốt nhưng bạn không nên nhổ (lông mũi) hoặc ngoáy mũi.


Khi rửa mặt, dùng nước rửa tiền đình mũi (phần ngoài có thể dùng tay chạm tới của lỗ mũi), cẩn thận kẻo bị sặc. Nó có thể ngăn ngừa mũi khô, ngứa và bảo vệ mũi.

Có thể rửa khoang mũi bằng cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý, nhưng không cần vệ sinh hàng ngày.

(Ảnh minh họa: Business Today)

Nếu có nước mũi nên nhúng tăm bông mềm vào nước hoặc nước muối nhạt, sau đó thăm dò nhẹ nhàng vào hốc mũi và lăn để lấy ra.

Không xì cả hai lỗ mũi cùng một lúc. Có một ống Eustachian nối giữa tai và mũi, khi xì mũi mạnh, áp suất trong khoang mũi tăng đột ngột, khiến chất tiết có vi khuẩn và vi rút bị ép vào khoang tai giữa dọc theo ống Eustachian, dễ gây viêm tai giữa.

Thay vào đó, hãy dùng ngón tay ấn vào một bên lỗ mũi và dùng một lực nhỏ, xì mũi bên kia.


Nếu có gỉ mũi, bạn có thể rửa khoang mũi bằng nước muối thông thường để làm mềm, sau đó dùng tăm bông để làm sạch, bạn cũng có thể bôi các loại thuốc nhờn như thuốc mỡ erythromycin để làm ẩm và sau đó lau sạch.


Nguồn: Scientific Reports, The New York Times

Chia sẻ Facebook