Ngoáy mũi có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

Chia sẻ Facebook
04/11/2022 15:27:57

Nghiên cứu mới đây chỉ ra, ngoáy mũi nhiều có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập đến các dây thần kinh khứu giác và vào não, làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer.


Trong nghiên cứu được công bố bởi trường Đại học Griffith (Úc) đăng tải trên tạp chí Scientific Reports , các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên chuột. Họ nhận thấy ngoáy mũi có thể làm hỏng khoang mũi, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào não thông qua các dây thần kinh khứu giác. Dây thần kinh khứu giác dẫn trực tiếp từ khoang mũi lên não nên theo đường này, vi khuẩn có thể vượt qua hàng rào máu não.

Giáo sư James St John, Trưởng Trung tâm Nghiên cứu Tế bào gốc và Sinh học Thần kinh Clem Jones, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi là người đầu tiên chứng minh rằng Chlamydia pneumoniae có thể đi thẳng lên mũi và vào não ở đâu. Nó có thể gây ra các bệnh lý giống như bệnh Alzheimer. Chúng tôi đã thấy điều này xảy ra trên chuột và bằng chứng cho thấy cũng có khả năng này đối với con người”.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng Chlamydia pneumoniae (một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi) sử dụng dây thần kinh kéo dài giữa khoang mũi và não làm đường dẫn trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương. Các tế bào trong não phản ứng lại sự xâm nhập của vi khuẩn bằng cách tích tụ protein amyloid beta. Protein này tích tụ thành mảng là dấu hiệu hình thành bệnh Alzheimer.

Theo các nhà nghiên cứu, không chỉ có vi khuẩn C.pneumoniae mà còn nhiều vi sinh vật khác, chẳng hạn như virus Herpes simplex cũng có thể góp phần vào sự khởi phát của bệnh Alzheimer.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn cần chứng minh thêm rằng con đường thông qua dây thần kinh khứu giác trong mũi và vào não này tồn tại ở người và có thể sẽ là nơi các virus và vi khuẩn sử dụng bất chính.


Nói chung, theo các chuyên gia, mọi người nên hạn chế ngoáy mũi và nhổ những sợi lông trong mũi. Nếu thường xuyên ngoáy mũi, nhổ lông mũi sẽ dẫn đến các mối nguy sức khỏe như đưa virus, vi khuẩn, các chất gây ô nhiễm vào mũi, lây lan vi khuẩn từ mũi lên các bề mặt trong môi trường, làm hỏng các mô và cấu trúc bên trong mũi... Bên cạnh đó là nguy cơ các loại vi khuẩn có thể xâm nhập vào não.

Để giảm nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer giai đoạn muộn, các nhà nghiên cứu kiến nghị nên kiểm tra khứu giác cho những người từ 60 tuổi trở lên. Điều này có thể giúp chẩn đoán sớm sự phát triển của bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ.


Minh Hoa (t/h)

Chia sẻ Facebook