Ngoại trưởng Mỹ: Quan hệ giữa Mỹ và Philippines rất ‘keo sơn’
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, liệu Philippines có cảm thấy an tâm hơn sau lời đảm bảo từ Ngoại trưởng Mỹ?
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh,
Ông Blinken gặp gỡ người đồng cấp Philippines Enrique Manalo ở Manila trong bối cảnh leo thang giữa Philippines và Trung Quốc
19 tháng 3 2024
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đảm bảo với Philippines về sự hỗ trợ của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Manila hôm nay (19/3), ông Blinken tái khẳng định cam kết an ninh “sắt đá” của Mỹ với Philippines.
Gần đây, những bất đồng trong yêu sách trên Biển Đông đã khiến căng thẳng gia tăng giữa Manila và Bắc Kinh.
“Những vùng biển này đóng vai trò quan trọng trong an ninh và kinh tế Philippines,” ông Blinken đánh giá.
“Chúng cũng rất quan trọng đối với lợi ích của các quốc gia khác trong khu vực, cũng như của Mỹ và thế giới,” ông Blinken phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo.
“Đó là lý do tại sao Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với Philippines, đảm bảo việc duy trì, tuân thủ các cam kết và hiệp định quốc phòng song phương.”
Theo một quan chức cấp cao khác của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Blinken cũng sẽ thảo luận vấn đề thương mại với các quan chức Philippines.
Chuyến thăm cũng được coi là sự ủng hộ từ Mỹ dành cho Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.
Trái ngược với người tiền nhiệm thân Trung Quốc Rodrigo Duterte, ông Marcos Jr nghiêng nhiều hơn về phía Mỹ.
Vào thứ Ba (19/3), Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với ông Marcos và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào tháng sau.
Năm ngoái, Philippines trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, thực trạng bất bình đẳng sâu sắc tại một đất nước vốn đã thất bại trong việc xóa bỏ chủ nghĩa thân hữu trong chính phủ đã càng khiến cho nền chính trị trở nên rối loạn.
Philippines vẫn giữ vai trò là một mắt xích chiến lược quan trọng của Mỹ, đặc biệt do vị trí địa lý nằm trong một khu vực có nhiều biến chuyển, nơi Trung Quốc đang trỗi dậy trở thành đối thủ cạnh tranh về sức mạnh và ảnh hưởng với Mỹ.
Biển Đông: Philippines cáo buộc Trung Quốc ‘có hành vi nguy hiểm’, gây va chạm giữa hai tàu 5 tháng 3 năm 2024 Tổng thống Philippines: Hải quân Trung Quốc ‘gây lo ngại’ tại Biển Đông 28 tháng 2 năm 2024 Biển Đông: tàu Trung Quốc ‘vờn’ tàu Philippines 12 tháng 2 năm 2024
Vùng biển thuộc Vịnh Manila kéo dài tới Biển Đông, nơi Philippines, cùng nhiều quốc gia châu Á khác, thường xuyên xảy ra tranh chấp với Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền, các tuyến giao thương và các khu vực hàng hải.
Dù các tranh chấp này đã tồn tại từ lâu, số vụ chạm trán giữa tuần duyên của Philippines và Trung Quốc đã gia tăng đáng kể trong vài tháng trở lại đây, làm dấy lên nhiều lo ngại về một cuộc xung đột.
Các vụ va chạm giữa tàu của hai quốc gia cũng được truyền thông đưa tin.
Đầu tháng này, tàu Trung Quốc đã phun vòi rồng vào các tàu của Philippines.
“Mối quan ngại lớn nhất là việc Trung Quốc có các hành động vi phạm luật pháp quốc tế và gây bất ổn trên Biển Đông,” vị quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Vị này cho biết thêm rằng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng sẽ tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.
Mỹ coi các hoạt động trên biển của Trung Quốc là một phần trong chiến dịch quấy rối các quốc gia láng giềng.
Washington từ lâu đã có một hiệp ước quốc phòng với Philippines và từng tuyên bố bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào tàu Philippines "sẽ kích hoạt các cam kết quốc phòng song phương với Mỹ".
Năm 2014, Washington cũng đã ký kết một thỏa thuận quốc phòng với Manila nhằm tài trợ Philippines trong việc phát triển căn cứ quân sự và cho phép Mỹ triển khai binh lính tại đây theo hình thức luân phiên.
Sau một thỏa thuận vào năm 2023, Mỹ được phép tiếp cận thêm bốn căn cứ quân sự khác, cho thấy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai quốc gia.
Trung Quốc đã lên tiếng phản đối những thỏa thuận nói trên, do sự gần kề của những căn cứ này với Đài Loan – hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai, còn Mỹ lại cam kết bảo vệ quân sự.
Bắc Kinh cũng tuyên bố các quyền lịch sử lên phần lớn Biển Đông và cho rằng Philippines đã phớt lờ các đề xuất “quản lý” tranh chấp.
Chuyến đi của ông Blinken đến Manila cũng được coi là một sự ủng hộ hơn nữa dành cho ông Marcos Jr, con trai của nhà lãnh đạo độc tài bị lật đổ Ferdinand Marcos.
Ông Ferdinand Marcos là một đồng minh của Mỹ và từng cai trị Philippines hơn 20 năm (1965 – 1986).
Triều đại này được nhớ đến bởi sự cai trị độc tài kéo dài nhiều năm trời, cùng với việc bắt bớ và tra tấn người bất đồng chính kiến, cũng như nạn tham nhũng tràn lan gây thiệt hại tới khoảng 10 tỷ đô la.
Tuy nhiên, ông Marcos Jr, trúng cử vào năm 2022 nhờ vào chiến dịch tẩy trắng quá khứ đen tối của gia đình, đã khẳng định được vị trí đối tác quan trọng với Washington.
Ông từng được mời đến Nhà Trắng vào năm ngoái trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài bốn ngày, mà nhiều người coi là phần thưởng cho việc nghiêng về phe Washington.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr được Tổng thống Mỹ Joe Biden đón tiếp tại Phòng Bầu dục, tháng 5 năm 2023
Người tiền nhiệm Duterte, nhà lãnh đạo độc tài khét tiếng với chiến dịch chống ma túy tàn bạo, đã lựa chọn xây dựng quan hệ với Bắc Kinh.
Người ta cho rằng việc Duterte làm thân với Trung Quốc là do thấy rằng Trung Quốc quá mạnh, không thể chống lại được.
Chuyến thăm Manila của ông Blinken diễn ra sau chuyến đi tới Hàn Quốc, nơi ông cảnh báo về chủ nghĩa chuyên quyền gia tăng và "sự thụt lùi dân chủ" ở một số quốc gia.
Chuyến đi lần này là một hoạt động ngoại giao hiếm hoi bên ngoài Trung Đông của ông Blinken trong những tháng gần đây.
Cuộc chiến ở Gaza và khủng hoảng ở khu vực Trung Đông ngốn phần lớn thời gian của ông Blinken, nhưng vẫn có rất ít dấu hiệu cho thấy sự đột phá trong các đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có đang lợi dụng sự phân tâm của Mỹ do các cuộc khủng hoảng khác liên quan đến chính sách đối ngoại hay không, vị quan chức cấp cao cho biết Mỹ sẽ “dứt khoát ngăn chặn” khả năng này.