Ngoài hoàn thiện chế tài còn cần người dám làm, dám chịu trách nhiệm
Ngành y tế đặt ra mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững… Để đạt được điều này, ngoài hoàn thiện chế tài, còn cần cả tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Tại buổi làm việc mới đây với Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết năm 2023, Bộ đặt mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, tập trung kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh;
Bên cạnh đó, tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực điều trị ở tất cả các tuyến; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.
Để đạt được mục tiêu này cần nhiều yếu tố và sự đồng bộ xuyên suốt từ trung ương tới địa phương. Sau hơn hai năm đại dịch hoành hành, nhiều lỗ hổng, thiếu sót về chế tài và cả con người trong ngành y đã lộ ra rõ rệt. Trong khi đó, thực tế đời sống đã xảy ra chuyện người dân bị thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế - điều này đe dọa trực tiếp tới tính mạng con người.
Năm ngoái, một tình huống hy hữu đã xảy ra khi Bộ Y tế xin trả lại 800 tỷ đầu tư công sử dụng chưa hết. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý vì “anh em ngành y đang rất khổ, nhiều việc, cần được đầu tư”.
Trong bối cảnh đó, tất cả các bệnh viện được thí điểm đều đồng loạt xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện và ước tính gần một vạn cán bộ y tế xin nghỉ việc.
Xét yếu tố khách quan, đầu năm nay, Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại phiên họp toàn thể kỳ họp bất thường lần thứ 2 diễn ra vào chiều 9/1 với 386/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Khung chế tài được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn là tiền đề quan trọng để ngành y thực hiện các mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững. Nhưng về chủ quan, không thể không nhắc tới thái độ, tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Hai năm qua, nhiều cán bộ ngành y tế xin nghỉ việc. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có lẽ ngoài áp lực công việc, còn có cả lý do không muốn chịu trách nhiệm.
Hiện nay, các công việc liên quan tới việc ban hành các thông tư, nghị định, các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành Luật đang được khẩn trương thực hiện. Ngoài ra, những xung đột, vướng mắc về chế tài trong lĩnh vực y tế (nhất là Luật Đấu thầu; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Giá; Luật Khám bệnh, chữa bệnh và những nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành…) cũng đang được tích cực điều chỉnh theo hướng hoàn thiện.
Chế tài là vậy, còn thái độ dám làm, dám chịu trách nhiệm là câu chuyện của ý chí – điều nằm ngoài các điều chỉnh của chế tài. Bởi dù các chế tài có hoàn thiện tới đâu, mà con người không dám làm, không thực hiện thì mục tiêu chung – dù nhỏ, cũng không thể hoàn thành.