Ngỡ ngàng khi chung cư không sổ đỏ cũng tăng giá mạnh
Trong thời gian qua, những căn hộ chung cư đã đưa vào sử dụng dù chưa được cấp sổ hồng nhưng nhiều căn hộ đã tăng giá mạnh.
Ngỡ ngàng với mức lãi bán chung cư cũ
Trong những năm qua, nguồn cung nhà ở liên tục trở nên khan hiếm trong những năm gần đây. Thực trạng này đã khiến giá căn hộ liên tục tăng cao không chỉ ở phân khúc sơ cấp, ngay cả chung cư cũ, cá biệt cả căn hộ không sổ đỏ cũng tăng giá mạnh.
Đã chuyển về nơi ở mới được hơn 1 tháng nay, nhưng anh Nguyễn Văn Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi bán căn hộ chung cư cũ ở quận Thanh Xuân với giá ngoài sức tưởng tượng.
“Năm 2020, tôi mua căn chung cư rộng 72m2, với mức giá 33 triệu đồng/m2, tương đương 2,4 tỷ đồng. Sau này, vì tiện vợ chồng đi làm nên tôi mua về Cầu Giấy và bán căn nhà này đi. Tháng 7 vừa rồi, căn hộ vẫn chưa được cấp sổ đỏ nhưng tôi bán được với mức giá 2,8 tỷ đồng, tức lãi 400 triệu đồng so với lúc mua. Tôi cũng bất ngờ”, anh Thành nói.
Tương tự, anh Ngô Hà (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, năm 2016 anh mua một căn hộ 65m2 tại chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) với giá gần 1 tỷ đồng, tương đương hơn 15 triệu đồng/m2. Tháng 7 vừa qua, anh bán căn hộ này với giá 1,5 tỷ đồng, tức chênh 500 triệu đồng so với thời điểm xuống tiền.
Cũng theo anh Hà, khu chung cư HH Linh Đàm đã bàn giao cho cư dân về ở từ năm 2016, nhưng do công trình có nhiều vi phạm không được chủ đầu tư khắc phục, dẫn tới tình trạng treo sổ đỏ các căn hộ suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, về giao dịch mua bán căn hộ tại đây vẫn diễn ra bình thường và nhiều ngân hàng cũng cho vay mua.
"Lúc đầu tôi có lo ngại việc căn hộ của mình không có sổ đỏ chắc sẽ khó bán, nhưng rất may, từ khi rao bán tới lúc chốt xong giao dịch chỉ mất khoảng 2 tuần. Điều mừng hơn là căn hộ của tôi vẫn có lãi hơn 500 triệu đồng dù đã ở và sử dụng 5 năm", anh Hà chia sẻ.
Hiện nay, mức giá rao bán chung ở chung cư HH Linh Đàm đang dao động 19-21 triệu đồng/m2. Một số căn hộ có vị trí đẹp có giá cao hơn khoảng 22-23 triệu đồng/m2. Mức giá này thấp hơn nhiều so với các căn hộ chung cư khác khu vực và ngay cả các tòa nhà ở xã hội.
Đơn cử, một căn hộ nhà ở xã hội tại tòa Nam Rice City Linh Đàm có diện tích 54m2 đang được rao bán với giá 1,7 tỷ đồng, tương đương 31,5 triệu đồng/m2. Một dự án chung cư đang triển khai ở khu Tây Nam Linh Đàm vừa mở bán đợt đầu căn hộ với giá 45 triệu đồng/m2.
Theo anh Vũ Tùng, một môi giới có nhiều năm bán bất động sản ở Hà Nội, hiện nay, nhiều căn hộ chung cư tại Hà Nội dù đã có tuổi đời từ 5 - 7 năm vẫn tăng giá khoảng 30 - 40%, thậm chí, giá nhà vẫn đang có xu hướng tăng tiếp tục. Nguyên nhân là dự án ở trung tâm gần như đã hết, nếu có thì giá cũng cao ngất ngưởng, đến giá chung cư xa trung tâm cũng vượt 40 triệu đồng/m2.
"Căn hộ chung cư mới đang ở mức cao, do đó, nhiều người sẽ chọn giải pháp hợp lý là mua chung cư cũ. Ngoài căn hộ cũ đã có sổ đỏ, người mua sẵn sàng mua cả căn hộ chưa sổ đỏ tại các chung cư cũ đã sống ổn định", anh Tùng nói.
Giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng
Theo khảo sát, tại các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy… mặt bằng giá căn hộ chung cư tại khu vực này liên tục tăng. Các dự án được chào bán dao động từ 40 - 65 triệu đồng/m2.
Về tình hình thị trường căn hộ tại Hà Nội nửa cuối năm nay, các chuyên gia nhận định, giá bán vẫn duy trì xu hướng tăng, các dự án căn hộ mới tăng 9 - 15% so với quý trước. Bởi, trong quý II năm nay, giá bán căn hộ bình quân tại Hà Nội là 49 triệu/m2, tăng 10% so với quý I.
Tiêu điểm thị trường bất động sản Hà Nội quý II của CBRE vừa công bố cho thấy, giá bán căn hộ sơ cấp trung bình tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phân khúc cao cấp chiếm tỷ trọng lớn. Cụ thể, các dự án cao cấp, hạng sang mở bán ở khu vực Tây Hồ, Đống Đa cũng góp phần nâng mặt bằng giá bán sơ cấp trong quý II.
Đối với thị trường căn hộ thứ cấp, xu hướng tăng giá được ghi nhận ở nhiều khu vực. Giá bán thứ cấp trung bình toàn thị trường cao hơn 9% so với cùng kỳ năm trước. Các dự án căn hộ cao cấp xa trung tâm cũng ghi nhận mức giá từ 45 - 65 triệu/m2.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA), một số dấu hiệu đáng lo ngại của thị trường bất động sản hiện nay là tình trạng lệch pha cung cầu, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, nhà dành cho công nhân, người lao động. Chính tình trạng lệch pha về cung cầu và lệch pha về cung ứng thị trường dẫn đến giá nhà tăng liên tục trong 5 năm vừa qua, tính từ năm 2017.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, căn hộ bình dân ngày càng hạn hẹp do giá trị đất ngày càng tăng cao, do đó, các chủ đầu tư buộc phải tăng giá trị căn hộ. Cùng đó, giá nguyên vật liệu xây dựng cũng đang tăng mạnh. Những yếu tố trên cộng với kỳ vọng về lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ làm cho giá trị của căn hộ tăng lên.
Về giải pháp, ông Đính cho rằng, để tăng cung cho phân khúc nhà ở giá thấp cần phải có sự "hợp lực" từ hai phía. Cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nhanh gọn về thủ tục hành chính. Việc tinh gọn quy trình sẽ giúp tiến độ nhanh và thuận lợi hơn để các dự án sớm được triển.
Theo Tuấn Minh