Ngộ độc thực phẩm gia tăng: Hồi chuông cảnh báo với trường học, bếp ăn tập thể

Chia sẻ Facebook
29/11/2022 14:40:13

Những vụ ngộ độc đau lòng vừa qua là bài học để các cơ sở giáo dục nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.

522 người bị ngộ độc, 11 người tử vong trong 8 tháng đầu 2022

Chiều 25/11, tại một trường tiểu học ở Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, sau bữa ăn và uống sữa do bếp ăn của trường tổ chức đã có 14 học sinh nôn ói, đau bụng và đã được đưa các em đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Trước đó, sự việc ngộ độc thực phẩm tập thể rất nghiêm trọng xảy ra tại Nha Trang khiến cho hơn 660 học sinh và giáo viên phải nhập viện, trong đó, 1 học sinh đã tử vong.


Trong 8 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm với 522 người bị ngộ độc, trong đó có 11 người tử vong. Số vụ ngộ độc thực phẩm gần đây có vẻ tăng lên đang làm cho nhiều người lo lắng, nhất là những phụ huynh có con đi học bán trú. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo để các cơ sở giáo dục nói riêng và những nơi có bếp ăn tập thể nói chung phải chú ý hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm.

Nhiều học sinh có dấu hiệu bị ngộ độc được các bác sĩ theo dõi tại bệnh viện. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Sau vụ việc đau lòng, đáng tiếc xảy ra ở Nha Trang, không chỉ các phụ huynh học sinh lo lắng cho sức khỏe và sự an toàn của con em mình mà sự việc vừa qua cũng là bài học để các cơ sở giáo dục trong cả nước nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.

Trước sự việc, các cơ quan chức năng liên quan cũng đã tăng cường công tác kiểm tra để nhắc nhở, chấn chỉnh. Tại Hà Nội, nơi có đến gần 4.500 bếp ăn tập thể trường học, thành phố đã triển khai quyết liệt kiểm soát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học. Trong đó, tăng cường sự tham gia quản lý, kiểm soát của chính quyền, các ban ngành và đoàn thể ở địa phương.


Qua giám sát kiểm tra, đa số các trường chủ động kiểm soát nguồn gốc thực phẩm sử dụng trong bếp ăn tập thể, công khai các đơn vị đã được lựa chọn. Số cơ sở được kiểm tra 215 cơ sở, trong đó 182 cơ sở đạt chiếm tỷ lệ 84,7%, khoảng 15% cơ sở không đạt yêu cầu.

Xử lý nghiêm cá nhân, cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm

Trong nhiệm kỳ trước, Quốc hội, Chính phủ và một số tỉnh, thành đã rất kiên quyết hành động, thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, số vụ ngộ độc thực phẩm củng giảm hẳn.

Kiểm soát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học tại Hà Nội

Mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 17 về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Một trong những yêu cầu mà Ban Bí thư đặt ra, đó là, cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương…

Chỉ thị của Ban Bí thư cũng có đặt ra nhiệm vụ là xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.

Để có được một bữa ăn an toàn quả thật không phải là chuyện dễ dàng. Nhất là ở các bếp ăn tập thể, phải nấu cho cả trăm thậm chí, cả ngàn suất ăn 1 bữa. Tuy nhiên, nếu mỗi người nông dân, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và mỗi nhà bếp thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm thì sẽ không xảy ra những sự việc đáng tiếc.


Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Sự kiện và bình luận là ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế và ông Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Chia sẻ Facebook