Ngộ độc nghi do ăn bánh mì ở Hội An: 3.620 ổ đã bán ra, số nạn nhân tăng lên 141
Trong 141 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng (Hội An) đã được xác định, có 34 người nước ngoài, quốc tịch Úc, Anh, Nhật, Chile. Ngoài ra, còn một số người dân và du khách cung cấp thông tin qua điện thoại.
Theo báo cáo tóm tắt của Sở Y tế Quảng Nam, đến 12h ngày 14/9, số người nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì mua tại hộ kinh doanh bánh mì Phượng (đường Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP.Hội An) đã tăng lên 141, theo ghi nhận từ các bệnh viện, cơ sở điều trị trong và ngoại tỉnh.
Trong số các trường hợp nghi ngộ độc, có 33 người nước ngoài (quốc tịch Úc, Anh, Nhật, Chile) và 1 người Việt Nam quốc tịch Đức. Ngoài ra, các cơ sở khác có ghi nhận thông tin từ một số người dân, du khách khác qua điện thoại.
Những người có biểu hiện ngộ độc đầu tiên được xác định vào khoảng 11h ngày 11/9, biểu hiện sốt cao, nôn mửa, đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần và kéo dài. Những người này, bao gồm cả người dân và du khách, có ăn bánh mỳ Phượng vào khoảng 8h trước đó, phần nhân bánh mì có patê, thịt, xíu mại, rau sống, sốt trứng gà tươi, dưa, rau răm, xà lách, đu đủ chua, chả lợn.
Chiều 12/9, Trung tâm Y tế TP Hội An kiểm tra, yêu cầu tiệm bánh mì Phượng giữ mẫu thức ăn liên quan, tiến hành niêm phong, bảo quản mẫu gửi Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quảng Nam. Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quảng Nam đã gửi các mẫu hàng, bánh mì vào Viện Pasteur Nha Trang phân tích, dự kiến khoảng 7 – 10 ngày sẽ có kết quả.
Bước đầu, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quảng Nam nhận định thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc là pa tê, thịt xíu (gồm thịt và nước), xíu mại và các loại rau chua, do theo khai báo của các bệnh nhân, điểm chung là đều ăn bánh mì đã qua chế biến.
Vào ngày 11/9, tiệm bánh mì Phượng đã bán 1.920 ổ bánh mì; ngày 12/9, đã bán 1.700 ổ, theo Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam. Cơ sở bánh mì Phượng bị tạm thời đình chỉ hoạt động từ chiều 13/9, theo đề nghị của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
Hiện các trường hợp nghi bị ngộ độc do ăn bánh mì Phượng đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thái Bình Dương (Hội An), Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức (Điện Bàn) và các cơ sở y tế tại thành phố Đà Nẵng.
Sự việc đáng tiếc do là thương hiệu ẩm thực nổi tiếng
Ngày 15/9, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết hiện tại thành phố và các sở ngành liên quan của tỉnh đang chờ kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm lấy từ cơ sở bánh mì Phượng mới khẳng định chính xác nguyên nhân ngộ độc từ đâu.
Ông Sơn cho hay Hội An là thành phố du lịch với nét ẩm thực đa dạng, bao gồm từ ẩm thực nhà hàng tới ẩm thực đường phố. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuy được đặt lên hàng đầu nhưng để đảm bảo tuyệt đối cho du khách là “không thể chắc chắn 100% được” .
Theo ông Sơn, người dân Hội An nhân tình thuần hậu nên không có chuyện làm ăn cẩu thả, gây hại cho du khách. Vụ việc ngộ độc tại cơ sở bánh mỳ Phượng chỉ là trường hợp cá biệt và đáng tiếc bởi đây là một thương hiệu ẩm thực nổi tiếng của Hội An, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Hội An.
“Dù sự việc không ai mong muốn nhưng qua đây cũng là lời cảnh báo cho các hoạt động kinh doanh ăn uống trên địa bàn thành phố. Sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường quản lý, đặc biệt phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ hơn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trước đây 3 tháng kiểm tra kiểm tra một lần” – ông Sơn nói, theo báo Quảng Nam.
Đây là lần đầu tiên TP.Hội An ghi nhận vụ ngộ độc tập thể với số nạn nhân vượt hơn 100 người.
Theo kiểm tra của Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) tại cơ sở bánh mì Phượng, khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh, chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác. Cơ sở không lưu bánh mì, sốt trứng gà tươi trong số lượng món ăn trong 1 ngày; không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh (thùng rác tại khu vực sơ chế, chế biến không có nắp đậy). Các dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh (máy xay thịt). Báo cáo của Trung tâm Y tế TP. Hội An cho thấy 10 loại thực phẩm danh mục chế biến của cơ sở này được lấy từ nhiều nguồn khác nhau. Tại thời điểm điều tra, cơ sở chỉ lưu giữ hợp đồng cung cấp thực phẩm với các hộ: Đào Thị Thân, Võ Thị Tuấn, Phạm Thị Liễu. Các cơ sở cung cấp khác không có hợp đồng, không lưu giữ giấy tờ về an toàn thực phẩm của các cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm. |
Nguyễn Sơn