Nghiệp làm xi măng của doanh nhân Nguyễn Công Lý
Giàu lên từ việc sản xuất xi măng và rồi sa sút cũng vì xi măng, Công ty Công Thanh từ đỉnh cao lợi nhuận cho tới vực sâu thua lỗ chỉ vì một bước đầu tư sai lầm.
Thành lập năm 2006 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, khởi đầu là công ty sản xuất clinker, phân phối xi măng và cho thuê xe trộn bê tông, Công ty Xi măng Công Thanh đã trở thành Tập đoàn Công Thanh kinh doanh đa ngành gồm 9 công ty thành viên kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ chính là xi măng, nhiệt điện, phân đạm, vận tải, khách sạn, resort, sân golf. Tập đoàn Công Thanh từng nhận làm “bà đỡ” cho đội bóng đá Thanh Hoá nhưng chỉ được thời gian ngắn.
Doanh nhân Nguyễn Công Lý chính là người chèo lái doanh nghiệp đến ngày hôm nay, hiện ông đang giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh. Ông Công Lý sinh năm 1961 tại Pleiku, có trình độ học vấn cử nhân chuyên ngành Quản trị Kinh doanh.
Doanh nhân Nguyễn Công Lý - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh.
Cuộc đời doanh nhân của ông không có quá nhiều thăng trầm biến đổi mà gần như gắn liền tuyệt đối với loại vật liệu xây dựng là xi măng.
Xuất phát điểm từ một đại lý phân phối xi măng, sau đó quyết định thành lậo công ty kinh doanh vật liệu này. Theo như ông Lý thường ví von, xi măng được coi như bánh mì của ngành xây dựng, xi măng cũng chính là thứ vật liệu đưa ông chạm tới danh xưng “doanh nhân” như hiện nay.
Chìm trong thua lỗ vì đầu tư dây chuyền xi măng
Giai đoạn “vàng son” của Xi măng Công Thanh kéo dài từ năm 2015 đổ về trước khi ghi nhận nhiều năm doanh số và lợi nhuận tăng bằng lần. Năm 2011 là năm đầu tiên doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng, mức doanh thu nghìn tỷ này cũng được giữ vững cho đến hết năm 2015 – năm cuối cùng doanh nghiệp có lãi.
Bước sang năm 2016, dù doanh thu ghi nhận tăng lên tới hơn 2.234 tỷ đồng, các năm liền kề kế tiếp thậm chí doanh thu lên tới hơn 3.600 tỷ đồng, Xi măng Công Thanh lại báo lỗ liên tiếp hàng trăm tỷ đồng từ đó đến nay.
Đáng chú ý, năm 2016 cũng chính là năm mà công ty đưa dây chuyền 2 nhà máy Xi măng Công Thanh vào hoạt động.
Dây chuyền mới đi vào hoạt động giúp doanh thu của công ty tăng vọt nhưng đồng thời cũng tạo áp lực lớn lên chi phí của công ty, chủ yếu là chi phí khấu hao và chi phí lãi vay, đây là những nguyên nhân chính khiến công ty đột ngột lỗ lớn trong năm 2016.
Ngay thời điểm đó, nợ phải trả ngắn hạn vượt mức tổng tài sản ngắn hạn khiến Xi măng Công Thanh bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.
Nhà máy xi măng Công Thanh.
Thế nhưng mặc mọi tin xấu bủa vây, lãnh đạo doanh nghiệp bấy giờ vẫn khẳng định công ty có thể tái cơ cấu các khoản vay với ngân hàng, cùng với dòng tiền thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh rất khả quan, có thể đáp ứng khả năng thanh toán các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động sản xuất cho các năm sau.
Trong khi tại thời điểm đó, chính sách áp dụng mức thuế xuất khẩu 5% và thuế VAT đối với mặt hàng xi măng clinker xuất khẩu từ năm 2016 đang khiến vị thế của xi măng Việt Nam yếu đi so với Thái Lan, Trung Quốc.
Chưa kể trong nước, thị trường xi măng cũng có quá nhiều nhà cung ứng và dư thừa sản lượng khiến việc tiêu thụ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Tới năm 2017, công ty ghi nhận khoản lỗ kỷ lục tới hơn 1.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của Xi măng Công Thanh vì thế cũng chuyển từ dương sang âm 771 tỷ đồng sau 2 năm lỗ lớn.
Gánh khối nợ khổng lồ và bị nghi ngờ khả năng hoạt động
Những khó khăn được dự báo trước dần thành hiện thực, không chỉ gặp khó về việc tiêu thụ, 3 năm đại dịch Covid-19 khiến cả nền kinh tế điêu đứng cũng chính là “cú đầm bồi” khiến doanh nghiệp xi măng của ông Nguyễn Công Lý khó mà vực dậy.
Xi măng Công Thanh thường xuyên được nhắc tên trong danh sách chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền điện dùng cho hoạt động sản xuất, chưa kể đến việc nợ lương nhân viên đến vài tháng liên tiếp.
Từ đó, Xi măng Công Thanh nối dài những chuối ngày thua lỗ của mình cho đến nay, nợ phải trả của doanh nghiệp cũng ngày một “phình to” qua các năm.
Tính đến ngày 31/12/2023, nợ phải trả của công ty ghi nhận 19.005 tỷ đồng với nợ vay chiếm 7.317 tỷ đồng. Chủ yếu vay nợ của công ty nằm tại 2 ngân hàng VietinBank và SHB.
Các khoản vay nợ tại ngân hàng VietinBank ghi nhận hơn 7.030 tỷ đồng, chiếm 96% dư nợ tài chính. Trong đó bao gồm 4.648 tỷ đồng vay dài hạn và 2.382,8 tỷ đồng trái phiếu, mục đích các khoản vay này đều được dùng để Đầu tư dự án dây chuyền 2.
Thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), công ty đang lưu hành 4 lô trái phiếu XMCT1209, XMCT0510_5, XMCT0510_8 và XMCT1210_1500 với tổng giá trị huy động 2.400 tỷ đồng. Đáng chú ý, các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn kéo dài lên đến 20 năm với lãi suất rất cao dao động từ 15,5 – 18,5%/năm, dự kiến đáo hạn trong năm 2030.
Trong năm 2023, Xi măng Công Thanh đã không thể thanh toán lãi cho cả 4 lô trái phiếu kể trên với lý do gặp nhiều khó khăn về tài chính.
Về bức tranh tài chính, năm 2023, doanh thu của công ty sụt giảm mạnh 70% về mức 483 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp ghi nhận lỗ sau thuế hơn 1.825 tỷ đồng trong năm tài chính 2023.
Theo đó, vốn chủ sở hữu cũng ghi nhận âm 7.005 tỷ đồng và lỗ luỹ kế lên tới 7.905 tỷ đồng.
Với tình hình kinh doanh không mấy khả quan, Xi măng Công Thanh bị công ty kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.
Ban Tổng Giám đốc không thể cung cấp bằng chứng khả năng thanh toán các khoản trên. Kiểm toán cũng không thể thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp cho việc sử dụng giả định hoạt động liên tục để lập báo cáo tài chính này là phù hợp.
Do đó, đơn vị kiểm toán "từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán" đối với báo cáo tài chính năm 2023 của Xi măng Công Thanh .