Nghiên cứu: Nơi ‘nguy hiểm’ nhất lại là nơi an toàn nhất, vị trí phong thủy đắc địa nhất tại nơi làm việc chính là ngồi đối diện sếp!
Chỗ ngồi sẽ quyết định bạn nói chuyện với ai, nhìn thấy điều gì, cảm xúc thế nào và dẫn tới năng suất, hiệu quả làm việc cuối cùng.
Với tâm lý kiêng rè sếp, nỗi lo sếp có thể quan sát, đánh giá bắt bẻ từng lỗi nhỏ một khiến nhiều người tìm mọi cách để có được một vị trí ngồi sao cho xa sếp nhất. Đó là nơi bạn cảm thấy được tự do hoàn toàn, người quản lý sẽ không thể nhìn thấy mặt bạn, không biết trên màn hình bạn đang có gì, ánh mắt đang nhìn đi đâu, liệu đang suy nghĩ vẩn vơ hay tập trung toàn lực cho công việc, liệu bạn có đến muộn vài phút sau giờ chấm công hay biết được bạn đã rời bàn ra ngoài trong bao lâu.
Tuy nhiên nếu là một nhân viên có tâm, bạn biết rằng hoàn thành tốt công việc không chỉ là có lợi cho tình hình hoạt động của công ty, mà còn giúp bạn nâng cao kĩ năng làm việc, thì chắc chắn vị trí chỗ ngồi ngay cạnh sếp chính là nơi lý tưởng bạn luôn muốn hướng đến.
Theo các chuyên gia phát triển nghề nghiệp, ở gần với các sếp cho phép bạn tiếp cận nhiều hơn với người sẽ ra quyết định quan trọng nhất trong công ty, điều đó giúp đưa đến cho bạn những cơ hội được làm những công việc quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong tổ chức.
Ben Waber, Giám đốc điều hành của Humanyze, một công ty theo dõi và tư vấn về sự tương tác giữa các thành viên trong một tổ chức cho biết: "Xét về tác động đối với sự nghiệp trước mắt và về lâu dài của bạn cũng như đối với hiệu quả công việc của bạn và cả nhóm, biết cách để luôn gần gũi với sếp là cực kỳ quan trọng."
Humanyze đưa ra một nghiên cứu bằng cách cho nhân viên đeo trên người một thiết bị tựa như chiếc iPod. Thiết bị được đeo quanh cổ, giống như một thẻ ID của công ty và nó sẽ giúp theo dõi nhiều hành vi khác nhau, bao gồm tần suất một người nói chuyện và họ nói chuyện với ai. Dữ liệu giao tiếp sau đó được so sánh với dữ liệu hiệu suất để xác định ra cách thức làm việc hiệu quả nhất của các cá nhân trong công ty.
Humanyze đã thu thập dữ liệu về hơn 1 triệu nhân viên, hầu hết trong số họ làm việc trong ngành dịch vụ và một trong những phát hiện nhất quán và quan trọng nhất đó chính là các tương tác hàng ngày giữa những con người trong tổ chức với nhau, trong đó bao gồm cả các câu chuyện phiếm tưởng chừng như lãng phí thời gian - lại là phương thức giao tiếp giúp tăng tinh thần, năng suất và thúc đẩy những ý tưởng mới trong tổ chức.
Ông Waber tiết lộ thêm: "Hơn 50% thời gian tương tác của bạn tại nơi làm việc là với những người ngồi ngay bên cạnh. Một phần tư thời gian lại là dành cho những người ngồi cùng hàng hoặc cùng nhóm với bạn (tùy thuộc vào cách sắp xếp bàn làm việc). Khoảng 5% đến 10% là với những người làm việc trong cùng một bộ phận, phòng ban của công ty. Và 15% còn lại là dành cho những đối tượng khác.
Vì vậy, nếu bạn ngồi cạnh sếp, 50% tương tác xã hội của sếp sẽ là với bạn, làm tăng đáng kể cơ hội để trở thành một thành viên cốt cán, chủ chốt, không thể thiếu của tổ chức. Waber nói: "Ngay từ khi vào được công ty, hãy coi việc được ngồi cạnh sếp/ đối diện với sếp là một ưu tiên. Vì điều đó thậm chí sẽ có giá trị hơn nhiều so với việc có được một văn phòng riêng hoặc chỗ ngồi trong góc ít người qua lại."
Ở hai công ty lớn là Google và Facebook, sự tối ưu hóa mọi vận hành trong công ty luôn được đề cao hết mức. Một vài năm gần đây, lãnh đạo công ty đã ra quyết định đã chuyển các nhóm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của họ đến ngồi gần các CEO hơn. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu AI luôn ngồi xung quanh Mark Zuckerberg, chỉ cần với tay ra là đã có thể chạm tay tới vị CEO này, điều này cho thấy họ coi trọng team A.I trong công ty đến mức nào. Ngồi ở vị trí này, họ có thể xây dựng mối quan hệ với sếp, xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp vì họ có đặc quyền là được quen thân với sếp hơn, được lắng nghe các nhu cầu, được nhận những sự cố vấn khi cần thiết và quan trọng nhất là định vị được bản thân cũng như dễ có cơ hội thăng tiến.
Ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch HĐQT FPT Software cũng đã từng có chia sẻ với những nhà lãnh đạo rằng:
“Tôi đề nghị những ai đang làm giám đốc doanh nghiệp, nếu muốn công ty phát triển nhanh, nên thuê văn phòng mới hoặc sửa văn phòng sao cho các bạn ngồi gần tất cả nhân viên. Đừng nghĩ lãnh đạo phải ở phòng riêng hay bàn, ghế lãnh đạo phải to hơn bàn, ghế nhân viên! Điều này cực kỳ khó. Nhưng hành động đầu tiên khi người lãnh đạo bỏ phòng riêng và bước ra ngồi cùng anh em, tuy chưa phải là sẽ thành công, nhưng là một bước rất quan trọng. Hãy lấy phòng riêng của chúng ta ra làm phòng họp, còn chúng ta kê 1 cái bàn ra ngồi với anh em”.
Một trong những tiêu chuẩn đầu tiên của công ty tăng trưởng nhanh là phải có cấu trúc cực kỳ đơn giản. Phải làm sao cấu trúc công ty càng phẳng, tức nhân viên và lãnh đạo càng gần nhau thì càng tốt cho sự phát triển của công ty.
Các lợi ích vô giá của việc được ngồi đối diện với sếp
Nhận được phản hồi có giá trị một cách liên tục
Một trong những điều quan trọng nhất trong việc hình thành cách đối nhân xử thế phù hợp chốn công sở chính là thông qua những tương tác trong thực tế và những góp ý từ đồng nghiệp. Rất nhiều người có thể cho bạn lời khuyên, tuy nhiên, thời gian mới là vấn đề quan trọng. Chỉ khi bạn ngồi gần sếp thì bạn mới nhận được những lời góp ý, nhận xét thẳng thắn ngay lập tức.
Với sự nhạy cảm và kinh nghiệm trong nghề, sếp có thể tiện nhắc bạn ngay những lỗi tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng vô cùng quan trọng để bạn chuyên nghiệp hơn nữa trong công việc, ví dụ như: "Anh nên dùng font chữ kia để gửi cho đối tác thay vì dùng mẫu này để lịch sự hơn", "Hãy dùng từ Kính gửi thay vì Dear để khách hàng cảm thấy được trân trọng hơn",...
Nâng cao năng suất
Thay vì bị khó khăn trong việc có thể chạm mặt hoặc hẹn lịch với sếp để xin lời khuyên, ngồi ngay gần sếp giúp bạn nhanh chóng có được ý kiến, tận dụng thời gian cho các công việc khác. Chất lượng và tiến độ công việc cũng được đẩy nhanh hơn nữa. Người lãnh đạo ở ngay bên cạnh cũng vô cùng chung tạo một áp lực cần thiết để bạn tập trung vào công việc hơn thay vì sa đà vào những thứ gây mất tập trung và tốn thời gian như mạng xã hội, game, nhắn tin,...
Kết nối cá nhân
Ngồi ngay gần sếp, đối diện với sếp, bạn có thể bàn luận về các vấn đề quan trọng, các dự án lớn-nhỏ trong công ty, nhưng cũng có thể hàn huyên về sở thích cá nhân của nhau, gia đình, các câu chuyện thời sự ngoài xã hội.
Hàng ngày dành 8 tiếng nói chuyện với sếp của mình tại công ty, bạn bắt buộc phải trở nên chân thực hơn, không còn cả nể quá mức nữa. Khi đó, cuộc sống công sở của bạn dần dần sẽ trở nên dễ thở, thoải mái. Khi thực sự cố gắng và có tâm huyết trong công việc, chắc chắn bạn sẽ thấy những lợi ích khổng lồ của việc có thể được ngồi đối diện hoặc gần với sếp của mình.
Nguồn: MEL Magazine, Medium
Thu Ngân
Theo Trí Thức Trẻ