Nghiên cứu: Ngủ không đủ giấc khiến mọi người ngại giúp đỡ người khác
Ngủ không đủ giấc hoặc chất lượng giấc ngủ kém không chỉ làm suy giảm sức khỏe của bạn mà còn khiến tinh thần bạn khó chịu, không sẵn lòng giúp đỡ mọi người xung quanh.
Ở Mỹ, cứ 3 người thì có hơn 1 người không ngủ đủ thời lượng tối thiểu được khuyến nghị mỗi đêm (7 tiếng). Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ngủ không đủ giấc có thể làm bạn tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tim mạch, đái tháo đường, hoặc gặp tai nạn xe cơ giới.
Ngoài ra, ngủ không đủ giấc hoặc ngủ chập chờn cũng gây ra nhiều tác động xấu đến sức khỏe tâm thần như làm gia tăng các triệu chứng trầm cảm, lo lắng, cáu kỉnh và giảm khả năng điều tiết cảm xúc.
Hiện chúng ta vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn cho thấy số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ có thể gây ảnh hưởng đến các hành vi xã hội (tức là những hành vi mang lại lợi ích cho người khác), nhưng một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí PLOS Biology cho rằng giấc ngủ thiếu chất lượng có thể khiến các cá nhân trở nên không sẵn lòng giúp đỡ người khác.
Chất lượng giấc ngủ thấp ảnh hưởng đến hành vi giúp đỡ người khác như thế nào?
Một nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa giấc ngủ kém với sự chậm chạp trong quá trình điều phối cảm xúc, điều này sẽ dẫn đến kết quả là bạn không muốn thực hiện các hành vi vì xã hội. Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng ngủ không đủ giấc sẽ khiến hoạt động ở các vùng não liên quan đến sự đồng cảm và các hành vi ủng hộ xã hội hoạt động kém đi. Vùng não liên quan đến nhận thức xã hội, gồm khả năng xử lý thông tin xã hội và phản ứng thích hợp với các tình huống xã hội, cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành 3 thí nghiệm khác nhau để xem xét tác động của giấc ngủ đối với hành vi xã hội ở cấp độ cá nhân, nhóm và xã hội. Trong thí nghiệm đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra tác động của việc thiếu ngủ đối với hành vi giúp đỡ của những cá nhân giống nhau. Những người tham gia sẽ phải trả lời một bảng câu hỏi ghi lại các công việc hàng ngày mà họ có thể giúp đỡ cho người khác, ví dụ như giúp chỉ đường hoặc cầm hộ hàng tạp hóa. Câu trả lời của họ sẽ thể hiện mức độ sẵn sàng giúp đỡ người khác của họ.
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá hành vi của những người tham gia vào 2 ngày riêng biệt. Ngày một, người tham gia sẽ phải trả lời câu hỏi trong tình trạng chưa được ngủ trong suốt 24 giờ. Ngày hai, họ được ngủ đủ giấc vào ban đêm trước khi trả lời.
Kết quả cho thấy so với lúc được ngủ đủ giấc thì những người tham gia không hào hứng giúp đỡ người khác khi bị thiếu ngủ. Sau khi kiểm soát các yếu tố phi xã hội bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu ngủ như sự chú ý, động lực để tham gia vào các hành vi nỗ lực và tâm trạng thì họ vẫn tiếp tục không muốn giúp đỡ người khác.
Chụp cắt lớp não cho thấy mất ngủ sẽ khiến nhận thức xã hội giảm
Sau phần bảng câu hỏi của nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh MRI (fMRI) chức năng để kiểm tra tác động của việc mất ngủ đối với các vùng não liên quan đến các hành vi xã hội. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng thiếu ngủ có liên quan đến việc giảm hoạt động ở các vùng não liên quan đến nhận thức xã hội khi chúng ta thực hiện một nhiệm vụ xã hội. Sự suy giảm hành vi giúp đỡ do mất ngủ có tương quan thuận với mức độ suy giảm hoạt động trong các vùng não liên quan đến nhận thức xã hội. Các nhà nghiên cứu cho rằng vùng não trung gian này là nguyên nhân khiến việc thiếu ngủ dẫn tới hệ quả là chúng ta không hào hứng đối với các hành vi ủng hộ xã hội.
Sự thay đổi về chất lượng giấc ngủ là một yếu tố cần được quan tâm
Mặc dù thí nghiệm ban đầu đã chứng minh được rằng thiếu ngủ có thể làm giảm hành vi giúp đỡ, nhưng tình trạng thiếu ngủ không phải lúc nào cũng xảy ra.
Do đó, trong thử nghiệm tiếp theo, các nhà nghiên cứu đã tuyển chọn một nhóm gồm 171 người tham gia trực tuyến để kiểm tra xem liệu chất lượng giấc ngủ ban đêm có tác động đến mong muốn giúp đỡ người khác của họ vào ngày hôm sau hay không. Những người tham gia cần duy trì nhật ký giấc ngủ trong 4 đêm, sau đó họ phải trả lời bảng câu hỏi trực tuyến sau mỗi đêm để đánh giá hành vi giúp đỡ. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sự suy giảm chất lượng giấc ngủ (được đo bằng thời gian ngủ trên tổng thời gian trên giường) có liên quan đến việc giảm mong muốn giúp đỡ người khác.
Tuy nhiên, sự sẵn lòng giúp đỡ người khác của bạn không liên quan đến tổng thời gian ngủ.
Kết quả từ thí nghiệm đầu tiên cho thấy chúng ta cần ngủ đủ giấc để duy trì hành vi giúp đỡ người khác. Nhưng đến thí nghiệm thứ hai thì chúng ta hiểu rằng so với thời lượng ngủ thì chất lượng giấc ngủ có thể gây ra tác động lớn hơn đến hành vi giúp đỡ.
Tình trạng thiếu ngủ khiến mọi người ít có khả năng quyên góp cho các tổ chức từ thiện
Thí nghiệm thứ 3 đã kiểm tra tác động thực tế của việc mất ngủ đối với hành vi giúp đỡ ở cấp quốc gia.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu về các khoản đóng góp bằng tiền cho một tổ chức từ thiện quốc gia trực tuyến từ năm 2001 đến năm 2016. Họ muốn kiểm tra xem liệu việc mất ngủ một giờ vào giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày (DST – giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày là quy ước chỉnh đồng hồ tăng thêm một khoảng thời gian, thường là 1 giờ so với giờ tiêu chuẩn, tại một số địa phương của một số quốc gia, trong một giai đoạn, thường là vào mùa hè trong năm) có ảnh hưởng đến số tiền quyên góp của mọi người hay không.
So với các tuần trước và sau khi thực hiện DST thì số tiền quyên góp trong tuần DST có giảm xuống.
Hơn nữa, ở các bang không tuân theo DST (ví dụ như Arizona và Hawaii) thì không có hiện tượng số tiền quyên góp bị giảm trong quá trình các khu vực khác chuyển đổi sang DST.
Hai thử nghiệm đầu tiên cho chúng ta thấy cái nhìn tổng quan về việc mất ngủ có khả năng làm con người mất đi cảm giác sẵn lòng giúp đỡ người khác. Ở thử nghiệm thứ 3, việc việc phân tích dữ liệu về các khoản đóng góp tiền tệ cho chúng ta thấy rõ tác động thực tế của việc mất ngủ dù chỉ một giờ đối với các hành vi xã hội.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần nghiên cứu thêm
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng đây mới chỉ là nghiên cứu đầu tiên thiết lập mối liên hệ giữa giấc ngủ và các hành vi giúp đỡ. Trong tương lai, họ cần nghiên cứu sâu hơn để làm rõ vai trò của giấc ngủ đối với các hành vi ủng hộ xã hội. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra mối liên quan giữa giấc ngủ với nguồn vốn của xã hội – một thước đo nói lên sự gắn kết xã hội. Thông tin này rất cần thiết để thúc đẩy chính quyền đưa ra các chính sách xã hội và chương trình giáo dục giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ. Ngoài ra, các yếu tố văn hóa và đặc điểm tính cách cũng có thể ảnh hưởng đến xu hướng hành vi giúp đỡ của một người (nhưng tác động của những yếu tố này rất khó để đánh giá).
Minh Minh (Theo medicalnewstoday )
Nghiên cứu: Nguy cơ mắc bệnh tâm thần và thần kinh hậu COVID-19
Sau 2 năm mắc COVID-19 vẫn có nguy cơ bị mắc chứng sương mù não, sa sút trí tuệ, suy giảm nhận thức, mất ngủ, rối loạn lo âu và động kinh.