Nghiên cứu: Một nửa dân số thế giới béo phì vào năm 2035
Theo nghiên cứu của Liên đoàn Bệnh béo phì Thế giới (WOF), có hơn 4 tỷ người sẽ mắc béo phì hoặc thừa cân trong 12 năm tới.
Cụ thể, báo cáo của WOF cho biết tỷ lệ béo phì đang gia tăng nhanh chóng ở trẻ em và các nước có thu nhập thấp. Bà Louise Baur, Chủ tịch WOF, nói rằng báo cáo mới được công bố là dữ liệu rõ ràng để các nước phải có hành động ngăn tình hình tồi tệ hơn. Dự kiến, nghiên cứu của WOF sẽ sớm được đưa đến các nhà hoạch định chính sách của Liên Hợp Quốc và các quốc gia thành viên.
Báo cáo ước tính sẽ có 208 triệu bé trai và 175 triệu bé gái béo phì vào năm 2035, gấp đôi so với năm 2020. WOF cũng ước tính chi phí xã hội cho các vấn đề sức khỏe liên quan đến thừa cân cũng sẽ tiêu tốn 4.000 tỷ USD vào năm 2035, tương đương 3% GDP toàn cầu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một người có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 25 là thừa cân, và trên 30 là béo phì. Dựa vào chỉ số trên, 2,6 tỷ người đã có BMI trên 25 vào năm 2020.
WOF khuyến nghị chính phủ các nước áp thuế, hạn chế quảng cáo thực phẩm có nhiều chất béo, muối hoặc đường, cung cấp thực phẩm lành mạnh trong trường học.
Theo báo cáo của WOF, các quốc gia giàu có ở châu Âu sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất để ngăn tình trạng béo phì. Trong khi đó, một số nước thu nhập thấp ở châu Á và châu Phi dự kiến tăng mạnh số ca béo phì.
Phan Anh
Video: Muốn biết bản thân đi bao xa, hãy xem mình cùng ai đồng hành
Nghiên cứu: Béo phì liên quan chặt chẽ đến 21 bệnh mãn tính Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng béo phì có liên quan mật thiết đến 21 loại bệnh.