Nghiên cứu mới: Học qua máy tính, điện thoại kém hiệu quả hơn sách giấy
Nghiên cứu mới cho thấy đọc hiểu sách giấy trong thời gian dài có thể nâng cao năng lực đọc hiểu từ 6-8 lần so với đọc hiểu qua các thiết bị điện tử.
Trên thế giới, nhiều trường tiểu học, trung học hiện dùng các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, máy tính bảng để giảng dạy. Song, điều này có thể tác động tiêu cực đến năng lực đọc hiểu của học sinh, theo một phân tích tổng hợp được công bố hôm 12/12.
Theo đó, các nhà nghiên cứu từ Đại học Valencia (Tây Ban Nha) đã phân tích hơn 20 nghiên cứu về năng lực đọc hiểu được công bố từ năm 2000 đến 2022. Những nghiên cứu này có sự tham gia của gần 470.000 người.
Kết quả chỉ ra rằng, học sinh tiểu học, THCS đọc tài liệu giấy trong thời gian dài có thể nâng cao năng lực đọc hiểu gấp 6-8 lần so với bản điện tử. Đối với bậc THPT và cử nhân, việc học qua thiết bị điện tử tuy có tác động tích cực nhưng vẫn kém hiệu quả hơn nhiều so với tài liệu giấy.
"Mối liên hệ giữa tần suất đọc kỹ thuật số để giải trí và khả năng hiểu văn bản gần bằng 0", Giáo sư Ladislao Salmerón, đồng tác giả bài nghiên cứu, cho hay.
Ông chỉ ra, điều này có khả năng là do "chất lượng ngôn ngữ của văn bản kỹ thuật số có xu hướng thấp hơn chất lượng ngôn ngữ truyền thống của văn bản in". Ví dụ, bài viết trên mạng xã hội thường mang tính đối thoại, không có các cấu trúc ngữ pháp, lý luận phức tạp.
Nếu tăng chất lượng tài liệu điện tử thì năng lực đọc hiểu có tăng theo? Bà Lidia Altamura, đồng tác giả bài nghiên cứu, khẳng định vẫn không có gì thay đổi. "Chúng tôi kỳ vọng việc lên mạng với mục đích tìm hiểu thông tin như đọc Wikipedia hay báo điện tử sẽ có mối liên hệ tích cực hơn với năng lực đọc hiểu. Nhưng dữ liệu thực tế không phản ánh điều đó", bà Altamura nói.
Trong khi đó, ông Salmerón lưu ý thêm, “tư duy đọc" với văn bản kỹ thuật số cũng có xu hướng nông hơn so với sách giấy, trong đó đọc lướt để tìm dữ liệu (scanning) trở nên phổ biến hơn.
Điều này có thể có nghĩa là, người đọc “không hoàn toàn đắm chìm vào câu chuyện hoặc không nắm bắt được đầy đủ các mối quan hệ phức tạp trong một văn bản mang tính thông tin”. Bên cạnh đó, các thiết bị điện tử cũng dễ khiến học sinh xao nhãng hơn.
Các tác giả cũng cho biết, trẻ nhỏ đọc sách kỹ thuật số thường xuyên có thể học được ít từ vựng mang tính học thuật hơn "trong giai đoạn quan trọng khi chúng chuyển từ học để đọc sang đọc để học”.
Nhấn mạnh các nhà nghiên cứu không chống lại việc đọc trên các thiết bị kỹ thuật số, bà Lidia Altamura cho hay: "Dựa trên những gì chúng tôi phát hiện, thói quen đọc sách kỹ thuật số không mang lại nhiều lợi ích như đọc sách giấy. Đó là lý do khi khuyến khích hoạt động đọc sách, các trường học và lãnh đạo nhà trường nên nhấn mạnh việc đọc sách giấy hơn là đọc sách trên thiết bị điện tử, đặc biệt là đối với độc giả nhỏ tuổi".
Nghiên cứu từ đại học Carnegie Mellon (Mỹ) năm 2016 cũng đã chỉ ra những học sinh đọc sách giấy trả lời tốt những câu hỏi trừu tượng cần suy luận hơn các em đọc sách điện tử. Còn các chuyên gia của đại học Victoria Wellington (New Zealand) khẳng định việc đọc trên không gian mạng khiến học sinh xao nhãng, mỏi mắt và hình thành thói quen đọc quét nhiều hơn thay vì đọc từ đầu đến cuối như với bản in.
Trả lời trang Education Week , bà Maryanne Wolf, giám đốc một trung tâm nghiên cứu ở Trường Giáo dục và nghiên cứu thông tin, đại học California tại Los Angeles (Mỹ), nói đối với trẻ nhỏ, sách giấy là lựa chọn hàng đầu khi giảng dạy, theo sau đó là âm thanh và xếp thứ ba là máy tính bảng. "Tài liệu giấy mang lại nhiều lợi thế cho học sinh hơn là màn hình điện tử", bà Wolf lưu ý.
Còn tiến sĩ Jenny Radesky, một bác sĩ nhi khoa về phát triển hành vi, cho rằng khi gia nhập không gian ảo, trẻ em có quyền truy cập vào vô số các nền tảng và trang web. Điều này khiến trẻ không thể cưỡng lại việc mở những tab khác. "Trẻ em có thể nhận biết khi nào lớp học trở nên ồn ào, và chúng ta cũng muốn các con nhận biết được điều tương tự với không gian ảo", bà Radesky lưu ý.
Minh Hoa (t/h theo Lao Động, Thanh Niên)