Nghiên cứu mới cho thấy: Cá voi xanh nuốt 10 triệu mảnh vi nhựa mỗi ngày

Chia sẻ Facebook
03/11/2022 10:54:07

Nghiên cứu mới cho thấy ô nhiễm nhựa ảnh hưởng đến động vật lớn nhất hành tinh nhiều hơn những gì các nhà khoa học từng nghĩ.


Những mảnh nhựa nhỏ bé đã được tìm thấy ở khắp mọi nơi, từ đại dương sâu thẳm đến những ngọn núi cao nhất, thậm chí bên trong nội tạng và máu của con người. Một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature Communications hôm 1/11 tiếp tục gây sốc khi đưa ra số lượng vi nhựa ước tính mà cá voi có thể ăn vào.


Nhóm nghiên cứu do Mỹ dẫn đầu đã gắn thẻ cho 191 con cá voi xanh, cá voi vây và cá voi lưng gù sống ngoài khơi California để quan sát chuyển động của chúng. "Về cơ bản, nó giống như một chiếc Apple Watch, chỉ nằm trên lưng một con cá voi", nhà khoa học Shirel Kahane-Rapport tại Đại học bang California, Fullerton và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết.

Các nhà nghiên cứu gắn thẻ theo dõi lên lưng một con cá voi xanh. (Ảnh: AFP)


Cá voi chủ yếu kiếm ăn ở độ sâu từ 50 đến 250m, nơi có "nồng độ vi nhựa lớn nhất trong cột nước", Kahane-Rapport nói với AFP . Sau đó, các nhà nghiên cứu ước tính thể tích nước mà cá voi hút vào hàng ngày và những gì được lọc ra, mô hình hóa ba kịch bản khác nhau.

Theo kịch bản khả dĩ nhất, cá voi xanh đã ăn tới 10 triệu mảnh vi nhựa mỗi ngày trong mùa kiếm ăn hàng năm kéo dài 90 - 120 ngày, đại diện cho hơn một tỷ mảnh mỗi năm. Động vật lớn nhất hành tinh này cũng có thể là loài tiêu thụ vi nhựa lớn nhất, nghiên cứu cho biết. Trong khi đó, cá voi lưng gù ước tính nuốt khoảng 4 triệu mảnh vi nhựa mỗi ngày và cá voi vây là khoảng 6 triệu mảnh. Tỷ lệ tiêu thụ thậm chí còn cao hơn đối với cá voi kiếm ăn ở những vùng ô nhiễm nặng như Địa Trung Hải.

Cá voi lưng gù cũng tiêu thụ một lượng lớn vi nhựa mỗi ngày. (Ảnh: AFP)


Cả ba loài cá voi xanh, vây và lưng gù đều là động vật tấm sừng hàm , có nghĩa là chúng sử dụng một tấm sừng đặc biệt giống như cái sàng để lọc thức ăn từ nước biển, thay vì dùng răng để nhai con mồi.


Nhiều người có thể nghĩ rằng những con cá voi nuốt một lượng lớn vi nhựa thông qua dòng nước mà chúng hút vào khi di chuyển dưới đại dương, nhưng nghiên cứu mới cho thấy không phải như vậy. Thay vào đó, 99% vi nhựa xâm nhập vào cá voi thông qua con mồi mà chúng ăn .


"Đó là điều đáng lo ngại đối với chúng ta, vì con người cũng tiêu thụ những con mồi đó", Kahane-Rapport nói thêm. " Chúng ta cũng ăn cá cơm và cá mòi, trong khi động vật thân mềm là cơ sở của chuỗi thức ăn".

Trong giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, các nhà khoa học muốn xác định xem liều lượng vi nhựa đó có thể gây hại đến mức nào đối với cá voi.

Chia sẻ Facebook