Nghiên cứu khoa học về chị em sinh đôi bị tách nhau từ năm 2 tuổi

Chia sẻ Facebook
23/05/2022 14:54:37

Nghiên cứu khoa học mới về chị em sinh đôi người Hàn Quốc đã cho thấy nhiều kết quả khác so với các báo cáo trước đây.


Mới đây, các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm Nghiên cứu Song sinh tại Đại học Bang California (Mỹ) đã công bố kết quả cuộc theo dõi nhiều năm với trường hợp sinh đôi cùng trứng nhưng bị tách nhau từ nhỏ của 2 chị em Yoon Sang-hee và Yoon Sang-ae người Hàn Quốc. Công bố này nhanh chóng được quan tâm vì đã cho kết quả bất ngờ so với suy nghĩ trước đó của giới nghiên cứu.


Yoon Sang-hee và Yoon Sang-ae sinh năm 1974 trong một gia đình bình thường tại Seoul. Bi kịch xảy ra khi vào một buổi sáng năm 1976, người em Sang-ae đã cùng bà ngoại đi chợ Namdaemun rồi bị thất lạc. Đứa trẻ 2 tuổi đi lạc đã được một người lạ đưa về nhà. Dù nỗ lực tìm kiếm nhưng gia đình vẫn không thể tìm được Sang-ae. Người mẹ của cặp sinh đôi về sau còn mở một sạp bán hàng trong chợ nơi con gái đi lạc và ngày ngày quan sát từng đứa trẻ đi qua. Thế nhưng suốt hàng chục năm không có phép màu nào xảy ra.

Hình ảnh hai chị em song sinh cùng trứng ngày bé

Về sau, Yoon Sang-ae đã được đưa vào trại trẻ mồ côi và được một cặp vợ chồng người Mỹ nhận nuôi. Cô bé rời khỏi Hàn Quốc, được đổi tên thành Denise McCarty và được nuôi dạy như một người Mỹ suốt cuộc đời của mình mà gần như không có ý thức gì về 2 năm đầu đời.

Đến năm 2020, tức 44 năm sau ngày đi lạc, nhờ sự giúp đỡ của chương trình tìm kiếm người thân của chính phủ Hàn Quốc, Denise McCarty mới tìm được nguồn gốc xuất thân thật của mình. Trước đó, cô chỉ biết mình là đứa trẻ mồ côi gốc Hàn chứ không hề biết mình có chị gái sinh đôi cùng trứng, một anh trai, một chị gái nữa.

Cuộc đoàn tụ đầu tiên của gia đình diễn ra qua video call vì lúc đó là thời kỳ đại dịch bùng phát


Sau khi được đoàn tụ, hai chị em sinh đôi Yoon Sang-hee và Yoon Sang-ae đã đồng ý tham gia vào cuộc nghiên cứu do Giáo sư Nancy L. Segal đứng đầu. Nghiên cứu đã theo dõi, phân tích và kiểm tra trí thông minh, sức khỏe tâm lý, tiền sử bệnh tật,... của từng người với mục đích xác định xem hoàn cảnh sống sẽ tác động như thế nào đến hai người vốn có bộ ADN sinh ra giống nhau.


Trong 44 năm qua, chị gái Yoon Sang-hee vẫn luôn sống tại Hàn Quốc, sinh trưởng trong một gia đình bình thường, êm ấm và có hoàn cảnh trưởng thành khá tốt. Trong khi đó, người em bị lạc Yoon Sang-ae ở Mỹ thì có hoàn cảnh kém hơn. Cô đã bị gia đình nhận nuôi trả về rồi lại đến một gia đình khác nhưng bố mẹ nuôi thường xuyên cãi vã. Cuối cùng họ đã ly dị và điều này ảnh hưởng đến tâm lý của Sang-ae trong độ tuổi dậy thì.

Kết quả kiểm tra IQ của hai chị em đã khiến mọi người bất ngờ nhất. Bài test cho thấy người chị sống ở Hàn Quốc cao hơn 16 điểm IQ so với em gái ở Mỹ. Điều đáng nói là trước đó, các nghiên cứu luôn luôn khẳng định rằng chỉ số IQ của các cặp sinh đôi cùng trứng chỉ có thể chênh lệch nhau tối đa 7 điểm mà thôi.

Sang-hee (trái) và Sang-ae trông vẫn giống nhau như hai giọt nước


Việc lớn lên ở 2 đất nước khác hẳn nhau cũng ảnh hưởng không ít tới tính cách của hai người. Trong khi người ở Hàn Quốc coi trọng giá trị tập thể, cộng đồng thì người ở Mỹ coi trọng giá trị cá nhân hơn.


Dẫu vậy, Sang-hee và Sang-ae vẫn có rất nhiều điểm tương đồng trong tính cách hay sức khỏe tâm lý, tiền sử bệnh tật. Thậm chí mức độ hài lòng với cuộc sống hiện tại của họ cũng tương tự nhau dù tính chất công việc khác biệt. Hiện tại Sang-hee là một nhân viên chính phủ, còn Sang-ae thì làm đầu bếp.

"Điều đáng lưu ý là cặp song sinh đều rất có trách nhiệm, lương thiện và là người quả quyết, có tham vọng trong cuộc sống. Điều đó cho thấy là dù được lớn lên ở 2 hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau, họ vẫn có tính cách được định sẵn bởi gen. Đối với cặp song sinh này, chúng tôi thấy sự ảnh hưởng của gen đến quá trình phát triển mạnh hơn. Thế nhưng các tác động từ môi trường sống cũng vẫn quan trọng"


Nguồn: Korea Times, Sciencealert

Chia sẻ Facebook