Nghiên cứu: Đời ông hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ hen suyễn ở đời cháu
Nghiên cứu phát hiện rằng những đứa trẻ có cha tiếp xúc với khói thuốc khi còn nhỏ có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn không dị ứng cao hơn 59%. (Ảnh minh họa: Ann in the uk/ Shutterstock)
Một nghiên cứu của Đại học Melbourne, Úc, đã phát hiện ra rằng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn gia tăng ở trẻ em có cha tiếp xúc với khói thuốc thụ động khi còn nhỏ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hiệp hội Hô hấp Châu Âu (European Respiratory Journal), vào tháng 9/2022, chỉ ra rằng những đứa trẻ có cha hút thuốc trực tiếp hoặc hút thuốc thụ động khi còn nhỏ đều có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.
Theo các nhà nghiên cứu, những phát hiện này chứng minh rõ việc hút thuốc không chỉ gây hại cho người hút thuốc, cho con cái của họ mà thậm chí nó còn ảnh hưởng đến cả cháu của họ.
Nghiên cứu sức khỏe theo chiều dọc của Tasmania (TAHS), trước đây được gọi là ‘Nghiên cứu về Bệnh hen suyễn ở Tasmania’ , được bắt đầu vào những năm 1968, là nghiên cứu lớn nhất và dài nhất trên thế giới về sức khỏe đường hô hấp. Dựa trên dữ liệu của TAHS , các nhà nghiên cứu đã tiến hành xem xét ở 1689 trẻ em, cha và ông của chúng, đồng thời so sánh liệu đến khi đứa trẻ lên 7 tuổi có mắc bệnh hen suyễn hay không và liệu cha của chúng có lớn lên trong môi trường mà cha mẹ hút thuốc hay không.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng xem xét những người cha là người hút thuốc hiện tại hay trước đây.
“Trẻ em có cha không tiếp xúc với khói thuốc thụ động trong thời thơ ấu có tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn không dị ứng thấp hơn 59% so với những đứa trẻ có cha tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.”
(Ghi chú: Hen suyễn không dị ứng (hen suyễn nội tại): Các chất kích ứng có trong không khí không liên quan đến dị ứng kích hoạt loại hen suyễn này.)
“Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn, lên tới 72%, nếu người cha tiếp xúc với khói thuốc thụ động và tự hút thuốc,”
ông nói.
Nhà nghiên cứu – tiến sĩ Dinh Bui , nói rằng điều này cho thấy khi những đứa trẻ trực tiếp tiếp xúc với khói thuốc thụ động mà cha chúng hút ở nhà, thì có thể làm trầm trọng thêm các tác động bất lợi của Di truyền học biểu sinh.
Ông nói:
“Nói cách khác, việc tiếp xúc trực tiếp đã làm thay đổi mối liên hệ giữa phơi nhiễm thụ động từ người cha và bệnh hen suyễn của con cái.”
“Những người đàn ông tiếp xúc với khói thuốc thụ động khi còn nhỏ vẫn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cho con cái nếu họ tránh hút thuốc.”
Nghi ngờ thay đổi di truyền học biểu sinh
Mặc dù các nhà nghiên cứu không chắc chắn tác hại của việc hút thuốc thụ động được truyền lại cho các thế hệ tương lai bằng cách nào, nhưng giáo sư Shyamali Dharmage, người đứng đầu TAHS, cho biết họ nghi ngờ nó có liên quan đến những thay đổi biểu sinh.
Giáo sư nói:
“Đó là các yếu tố trong môi trường, chẳng hạn như khói thuốc lá sẽ tương tác với gen của chúng ta, làm thay đổi biểu hiện của chúng. Những thay đổi này có thể được di truyền, nhưng cũng có thể đảo ngược một phần qua mỗi thế hệ. Và thậm chí, chúng còn có thể làm thay đổi cách cơ thể đọc trình tự của DNA.”
Giáo sư Dharmage giải thích:
“Khói thuốc lá có khả năng tạo ra những thay đổi biểu sinh trong các tế bào của tinh trùng khi các bé trai lớn lên và những thay đổi này có thể truyền lại cho con cái của họ.”
Bước tiếp theo của các nhà nghiên cứu là xác định xem liệu nguy cơ hen suyễn gia tăng có kéo dài đến tuổi trưởng thành hay không và liệu những người cha tiếp xúc với khói thuốc khi còn nhỏ có truyền nguy cơ dị ứng hoặc các bệnh về phổi khác cho con cái của họ hay không.
Theo Lý Phàm, Epoch Times
Một học sinh 17 tuổi phải ghép phổi vì hút thuốc lá điện tử
Học sinh trung học 17 tuổi Daniel Ament đã gây sự chú ý lớn trong năm 2019 vì phải ghép phổi do tổn thương liên quan đến thuốc lá điện tử.