Nghiên cứu của Oxford: Chính trị gia ở phương Tây ngày càng sống thọ
Khoảng 100 năm trước, các chính trị gia có tuổi thọ tương tự với hầu hết mọi người, nhưng điều này đã thay đổi trong những thập kỷ gần đây, theo một nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ hàng chục nghìn chính trị gia ở 11 nước phương Tây.
Theo nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) được công bố trên tạp chí Dịch tễ học châu Âu ngày 23-6, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các chính trị gia có tỉ lệ tử vong tương tự phần đông dân số.
Tuy nhiên, sự chênh lệch tuổi thọ giữa chính trị gia và dân thường dần gia tăng ở nhiều quốc gia trong suốt thế kỷ 20. Các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận này khi rà soát dữ liệu của hơn 57.500 chính trị gia trong giai đoạn 1816 - 2017 của 11 nước phương Tây, gồm Úc, Áo, Canada, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, New Zealand, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ.
Trong số các chính trị gia có tuổi thọ gia tăng, các chính trị gia nữ chiếm từ 3% (Pháp và Mỹ) đến 21% (Đức). Tỉ lệ nữ chính trị gia khác nhau là điều cần xem xét khi so sánh các quốc gia khác nhau vì thường phụ nữ sống lâu hơn nam giới.
Hiện tại, khoảng cách tuổi thọ trung bình giữa chính trị gia và người bình thường dao động từ khoảng 3 năm ở Thụy Sĩ đến 7 năm ở Mỹ. Trong khi đó, một người Ý bình thường có nguy cơ tử vong cao gấp 2,2 lần so với một chính trị gia ở cùng độ tuổi và giới tính, con số này ở New Zealand là 1,2 lần.
"Kết quả cho thấy lợi thế sinh tồn của các chính trị gia ngày nay rất cao so với nửa đầu thế kỷ 20", tiến sĩ Laurence Roope, đồng tác giả nghiên cứu tại Oxford, cho biết.
Có nhiều yếu tố dẫn tới kết quả này. Chẳng hạn, tỉ lệ hút thuốc trong nửa đầu thế kỷ 20 gia tăng hơn trước đó, nhưng dần giảm kể từ nửa sau thế kỷ 20.
Nghiên cứu của ĐH Oxford cho rằng tỉ lệ hút thuốc ở chính trị gia giảm nhanh hơn công chúng phần nào giải thích lý do khoảng cách tuổi thọ giữa chính trị gia và dân thường tăng lên ở nhiều quốc gia sau năm 1950 (nửa sau thế kỷ 20).
Một nguyên nhân khác có thể đến từ sức khỏe tim mạch. Các chính trị gia có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn những người khác, nhưng bệnh tim mạch đã được điều trị dễ dàng hơn kể từ khi thuốc hạ huyết áp được phổ biến rộng rãi vào những năm 1960.
Một yếu tố lớn khác - và có lẽ rõ ràng nhất - là sự giàu có và bất bình đẳng kinh tế. Các chính trị gia có thu nhập cao hơn đáng kể so với phần đông dân số, mang lại lợi thế rõ ràng về tuổi thọ và sức khỏe.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng yếu tố này không quá nổi bật như thời kỳ đầu. Họ chỉ ra bất bình đẳng bắt đầu gia tăng vào những năm 1980, song sự khác biệt về tuổi thọ đã gia tăng từ nhiều thập kỷ trước đó.
Vụ rò rỉ "Bí mật Thụy Sĩ" (Suisse Secrets) gần đây được so sánh với vụ rò rỉ hồ sơ Pandora năm 2021. Tuy nhiên, cả hai vụ này có một điểm chung: Vắng bóng các chính trị gia hoặc nhà tài phiệt Mỹ và châu Âu trong danh sách.