Nghiên cứu cao tốc 16.729 tỷ đồng nối TP.HCM với cửa khẩu đi Campuchia
Chiều dài toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khoảng 53,5 km, với điểm đầu giao với đường Vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn.
Ngày 26/9, Phó thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định 1134 thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh).
Theo đó, Hội đồng thẩm định liên ngành do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch. Phó chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các thành viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo UBND TP.HCM và lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định.
Báo cáo kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành cần đưa ra ý kiến với từng nội dung và đề xuất phương án giải quyết trong trường hợp có nội dung chưa đồng thuận hoặc cần bổ sung, hoàn thiện.
Hội đồng được sử dụng con dấu và tài khoản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho hoạt động. Các cơ quan có thành viên thuộc Hội đồng thẩm định liên ngành có văn bản cử người gửi về cơ quan thường trực Hội đồng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trước ngày 30/9.
UBND TP.HCM có trách nhiệm cung cấp hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và bố trí chi phí thẩm định của Hội đồng.
Dự án được phân kỳ đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT và chia làm 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, xây dựng đoạn TP.HCM - Trảng Bàng (Tây Ninh) với quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn và đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế.
Giai đoạn 2 xây dựng đoạn TP.HCM - Trảng Bàng với quy mô 8 làn xe và đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài với quy mô 6 làn xe.
Hiện tại, việc kết nối giao thông giữa TP.HCM với Tây Ninh chỉ qua đường Quốc Lộ 22 đang trở nên quá tải. Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được kỳ vọng xóa thế độc đạo của Quốc Lộ 2, làm giảm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc Lộ 22.
Trong tương lai, tuyến cao tốc Mộc Bài giúp rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến cửa khẩu quốc tế đi Campuchia, tăng cường kết nối vùng trọng điểm phía Nam với hành lang kinh tế Đông - Tây, hệ thống đường xuyên Á qua cao tốc Phnom Penh - Bavet (Campuchia), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, UBND TP.HCM dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng cao tốc là 9.296 tỷ đồng. Chi phí giải phóng mặt bằng ở TP.HCM là 5.901 tỷ đồng, ở Tây Ninh là 1.532 tỷ đồng.
Sơ bộ tổng đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là 16.729 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia dự án 7.433 tỷ đồng từ ngân sách của TP.HCM và tỉnh Tây Ninh, nhà đầu tư huy động khoảng 9.296 tỷ đồng (chiếm 56% tổng đầu tư).
Để hoàn vốn, nhà đầu tư dự kiến thu phí đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trong 18 năm 1 tháng.
UBND TP.HCM đặt tiến độ giải phóng mặt bằng từ quý 4/2023 đến quý 3/2025, xây dựng từ quý 3/2024 đến năm 2027 hoàn thành đưa vào khai thác.