Nghiện công nghệ, nghiện game không chỉ là thanh thiếu niên chơi nhiều mà còn do nhiều yếu tố ẩn ý đằng sau...

Chia sẻ Facebook
30/04/2022 21:20:20

Đó là nhận định của TS. BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương khi ngày càng có nhiều người trẻ "chìm đắm" trong thế giới ảo.


Nghiện công nghệ sẽ ảnh hưởng đến phát triển thể chất và tinh thần của thanh thiếu niên, TS. Loan nhận định. Trong đó, về thể chất, họ ngồi nhiều, ít vận động sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì. Ngoài ra, việc nhìn màn hình nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mắt và dẫn đến các bệnh về mắt như cận thị, loạn thị…

Mặt khác, nếu thanh thiếu niên chỉ dành nhiều thời gian cho màn hình điện thoại sẽ khiến họ bị thiếu hụt các mối quan hệ xã hội cần thiết ví dụ như quan hệ bạn bè, cha mẹ, người thân.

TS. BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương

Khi họ bị cuốn vào thế giới ảo thì sẽ bị hạn chế việc tương tác xã hội và học hỏi các kỹ năng khác rất cần thiết cho sự hình thành và phát triển nhân cách. Thông thường, quá trình học hỏi của đối tượng này thông qua quan sát, tương tác với cha mẹ, anh chị em trong gia đình hoặc với thầy cô giáo, bạn bè hay từ chính các trải nghiệm trong cuộc sống mà trẻ đã trải qua.

Ví dụ các quan sát hàng ngày với cha mẹ, họ sẽ học được cách xử lý các vấn đề khi gặp sự cố. Khi chơi với các bạn mà họ thể hiện cái tôi, sự ích kỷ của bản thân thì sẽ bị bạn bè không chơi nữa, hay thậm chí cô lập. Khi đó họ sẽ dần dần biết tự điều chỉnh bản thân để có thể hoà nhập cùng bạn bè. Nhờ đó, họ học được kỹ năng sống phù hợp. Bên cạnh đó, sự tương tác trong thế giới ảo nhiều khi không giống với thế giới “thật” nên thanh thiếu niên nhiều khi hành động, giải quyết vấn đề không phù hợp với thực tế cuộc sống, BS. Loan cho hay.

Hơn thế, nếu thanh thiếu niên đã bị cuốn vào con đường “nghiện” game hay mạng xã hội thực sự thì họ sẽ không còn học tập tốt được như trước, tình trạng học hành của họ sẽ bị sa sút, giảm chất lượng; giờ giấc sinh hoạt ăn, ngủ, nghỉ của trẻ bị ảnh hưởng, đảo lộn dẫn đến cơ thể của bị suy nhược, thậm chí dẫn đến nguy cơ rối loạn tâm thần và tử vong.

Vậy tại sao người trẻ vẫn bị "cuốn vào" thế giới không thật đó?


BS. Loan cho rằng việc trẻ vị thành niên “nghiện” công nghệ, nghiện game không chỉ đơn thuần là trẻ chơi nhiều mà còn do có nhiều yếu tố ẩn ý đằng sau. Bởi thực tế, đã có những trẻ sử dụng game như là 1 cách thức để giải tỏa những bất ổn tâm lý của bản thân. Cho nên đối với những trường hợp trẻ nghiện game khi điều trị chuyên gia cần phải khai thác sâu về các yếu tố dẫn đến việc trẻ nghiện game.

Với những trường hợp trẻ “nghiện” công nghệ (điện thoại, máy tính), BS. Loan cho rằng, cha mẹ cần phải xử lý mềm mỏng. Ví dụ khi thấy trẻ chơi nhiều, cha mẹ nên thảo luận và thống nhất với trẻ về thời gian chơi cho phép trong 1 ngày, đưa ra chế độ khen thưởng nếu trẻ tuân thủ và kỷ luật nếu trẻ không tuân thủ.

Nếu trẻ phá vỡ nguyên tắc lần 1, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở, khuyến khích trẻ giải thích lý do và đưa ra cách khắc phục. Trước khi thực hiện biện pháp kỷ luật do trẻ vi phạm nguyên tắc, cha mẹ hãy phân tích để trẻ “tâm phục, khẩu phục” việc trẻ phải nhận hình thức phạt và cho trẻ cơ hội để sửa sai. Nên tránh quá cứng nhắc như ngay lập tức tịch thu điện thoại, máy tính, cắt internet vì đó cũng là những phương tiện giao tiếp, học tập hàng ngày của trẻ. Việc ngăn cấm “thô bạo” sẽ khiến trẻ tức giận và có những hành động chống đối hoặc tìm cách “qua mặt” bố mẹ.

Bên cạnh đó, bố mẹ nên tạo cơ hội để trẻ có thêm các hoạt động vui chơi khác theo sở thích của trẻ, và khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động lành mạnh như: giao lưu bạn bè, hoạt động thể dục thể thao, nghe nhạc, xem phim hoặc các hoạt động tập thể của gia đình… Khi đó trẻ sẽ giảm bớt được thời gian sử dụng điện thoại, máy tính.

Cha mẹ có thể làm gì để "kéo" thanh thiếu niên ra khỏi thế giới ảo?

BS. Loan cho rằng, phụ huynh không nên chiều hết mọi yêu cầu của thanh thiếu niên. Chiều theo mọi sở thích cá nhân sẽ khiến trẻ luôn coi mình là trung tâm, sống ích kỷ, không biết quan tâm, chia sẻ với mọi người. Những trẻ như vậy, khi ra ngoài xã hội, nơi không thể đáp ứng mọi thứ như cha mẹ đã làm cho trẻ thì trẻ rất có nguy cơ bị rối loạn tâm lý.

Vì vậy, bố mẹ hãy hướng trẻ đi đúng hướng. Cần mềm mỏng để đạt mục tiêu hơn là cứng nhắc, tôn trọng trên nguyên tắc lắng nghe, chia sẻ, đồng thuận. Đây chính là kỹ năng cha mẹ cần có.


Thay vì kiểm soát và cấm đoán - thấu hiểu là cách hiệu quả để cha mẹ có thể giáo dục trẻ. Dưới đây là 3 lưu ý được BS. Loan đưa ra để cha mẹ đồng hành cùng con cái:


- Cha mẹ nên là người bạn thực sự của con: Làm bạn với con không phải là chỉ hỏi con hôm nay muốn ăn gì, hay con cần tiền không bố mẹ cho… Để trẻ vị thành niên có thể đón nhận và coi cha mẹ như những người bạn thân thiết cha mẹ nên tìm hiểu sở thích của trẻ và cùng chia sẻ với nhau về chủ đề trẻ quan tâm, từ đó giống như là những người bạn và trẻ có thể cởi mở tâm sự hay trò chuyện với cha mẹ một cách thoải mái, dễ dàng.


- Cha mẹ cần lắng nghe trẻ và tạo cho trẻ tâm lý thoải mái, cởi mở khi chia sẻ: Khi trẻ có những vấn đề chưa theo mong muốn của cha mẹ, chẳng hạn con bị điểm kém thì cha mẹ không nên phê bình, đánh mắng trẻ ngay mà hãy bình tĩnh lắng nghe con giải thích lý do. Hãy lắng nghe và thể hiện sự thấu hiểu những gì trẻ chia sẻ, như vậy sẽ khuyến khích trẻ xích lại gần cha mẹ hơn. Trẻ sẽ thấu hiểu được một điều rằng, khi trẻ có mắc sai lầm hay gặp phải một vấn đề gì đó thì bố mẹ vẫn luôn là người đầu tiên trẻ có thể tìm đến để tâm sự, chia sẻ và xin lời khuyên.


- Cha mẹ cần phải giữ đúng lời hứa của mình và tôn trọng bí mật riêng tư của trẻ: Khi cha mẹ đã hứa điều gì với trẻ thì cần lưu ý giữ đúng lời hứa. Đôi khi cha mẹ vì 1 lý do nào đó không thực hiện lời hứa với trẻ và nghĩ rằng không có gì nghiêm trọng nhưng đối với trẻ, điều đó có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý, mối quan hệ cha mẹ - con cái trong gia đình.

Một vấn đề nữa tiến sĩ Loan cũng đề cập đến, đó là trẻ vị thành niên luôn cần có sự riêng tư, vì vậy cha mẹ nên tôn trọng điều đó trong phạm vi cho phép. Ví dụ, khi trẻ cảm thấy tin tưởng và chỉ muốn chia sẻ riêng với bố hoặc mẹ về những câu chuyện của mình, nếu có thể thì phụ huynh nên tôn trọng và giữ bí mật điều này cho trẻ.

Sự “nổi loạn” của trẻ ở độ tuổi vị thành niên sẽ bị “kích hoạt” hoặc được kiểm soát phụ thuộc phần nhiều vào cách thức cha mẹ tương tác, chăm sóc và hỗ trợ trẻ. Là bạn của con lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và đồng thuận là cách hiệu quả để dạy dỗ con cái.

Chia sẻ Facebook