Nghiêm cấm cán bộ ngân hàng tiếp tay đổi tiền mới, tiền lẻ ‘ăn’ chênh lệch
Đáp ứng nhu cầu đổi tiền lì xì Tết Quý Mão 2023, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới tính phí lại sôi động trên mạng xã hội, bất chấp ngành chức năng đã cảnh báo hành vi này là phạm luật.
Nghiêm cấm cán bộ ngân hàng tiếp tay đổi tiền mới, tiền lẻ ‘ăn’ chênh lệch
“Tết này vẫn giống Tết xưa/ Vẫn ưa bánh mứt, vẫn thích lì xì” - câu thơ chào mời đổi tiền lẻ, tiền mới ở TPHCM do một trang fanpage có hàng chục ngàn người theo dõi tràn ngập những bình luận hỏi giá cả, chi phí…
Liên hệ với chủ tài khoản facebook, người này cho hay có nhân viên đổi tiền giao nhận tận nơi ở các tỉnh trên cả nước. “Mọi loại tiền đều có sẵn, phí giao dịch tuỳ vào loại mệnh giá tiền mà khách hàng cần đổi” – chủ tài khoản facebook đổi tiền cho hay.
Tại địa chỉ trên, phí đổi tiền lẻ có mệnh giá 1.000 - 2.000 đồng là 20%; phí 12% cho mệnh giá tiền 5.000 đồng; tiền mệnh giá 10.000 - 50.000 tính phí 5%; tiền 100.000 - 200.000 - 500.000 đồng phí 3-5%... Khách đổi càng nhiều thì phí sẽ càng giảm.
Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, các địa chỉ trên còn quảng cáo đổi cả các đồng tiền hiếm là ngoại tệ của nhiều nước với giá trị gấp nhiều lần mệnh giá thực tế, tùy vào độ độc, lạ của tờ tiền.
Đơn cử như năm nay, với tờ tiền mệnh giá 2 USD (tương đương gần 50.000 đồng) in hình con mèo, biểu tượng của năm âm lịch 2023 có giá lên tới 200.000 đồng/tờ.
Với những tờ tiền có số seri đẹp, giá bán có thể lên cả triệu đồng.
Chiều 9/1, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - khẳng định: “Việc trên mạng rao đổi tiền mới, tiền lẻ lấy phí là vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước”.
Theo ông Lệnh, những năm qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương không phát hành tiền lẻ mới, mệnh giá dưới 10.000 đồng vào dịp Tết Nguyên đán; đồng thời, nghiêm cấm cán bộ, các tổ chức ngân hàng lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch. Ngân hàng Nhà nước luôn có chủ trương đảm bảo tốt nhất nguồn tiền cho lưu thông.
Để đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán, phục vụ lưu thông hàng hoá tiền tệ thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước luôn cung ứng và đáp ứng đủ tiền mặt: về số lượng, cơ cấu và mệnh giá tiền, thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiền mặt chất lượng, phù hợp cho lưu thông hàng hoá, nhất là cho các doanh nghiệp thương mại, các siêu thị dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023.
“Ở góc độ quản lý, để hạn chế tình trạng trên, việc tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin tốt nhất để có chế tài xử lý kịp thời. Các cơ quan chức năng liên quan cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh - thành phố thực hiện tốt nhằm hạn chế sai phạm phát sinh trong lĩnh vực tiền tệ, đảm bảo an ninh, an toàn tiền tệ” - ông Lệnh cho biết.
Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm - Đoàn Luật sư TPHCM, việc đổi tiền lẻ, tiền ngoại tệ có thu phí do các cá nhân hoạt động tự phát như hiện nay là hành vi vi phạm pháp luật. Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã quy định rõ: Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, còn với tổ chức sẽ tăng nặng gấp 2 lần. |
Uyên Phương
Tiền phong