Nghịch lý trong ván cược vào kinh tế Mỹ của Chủ tịch Fed Jerome Powell
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể vượt qua suy thoái, tuy nhiên, những gì đang diễn ra đều đi ngược lại mong muốn của ông.
Nghịch lý trong ván cược vào kinh tế Mỹ của Chủ tịch Fed Jerome Powell
Theo trang tin Bloomberg, trong quan điểm của ông Powell, sức chịu đựng của nền kinh tế Mỹ đang được thể hiện rất rõ trên thị trường lao động - vốn có dữ liệu tương đối tốt trong những tháng gần đây ngay cả khi lãi suất đã tăng từ 0% đến hơn 5%.
Tuy nhiên, khi thị trường lao động vẫn còn tăng trưởng thì Fed vẫn phải giữ lãi suất cao trong thời gian dài để hạ nhiệt lạm phát, đây chính là lý do khiến rủi ro suy thoái đang cận kề.
Vì vậy, nếu ông Powell muốn niềm tin "không suy thoái" của mình trở thành hiện thực thì nền kinh tế Mỹ phải vượt qua 3 trở ngại lớn: Khủng hoảng ngân hàng toàn hệ thống, nguy cơ vỡ nợ của Washington và tình trạng thời tiết cực đoan.
Nguy cơ khủng hoảng ngân hàng
Trên thực tế, việc tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát luôn phải trả giá, trong hơn một năm qua, Fed đã tăng lãi suất từ gần bằng 0 đến hơn 5%.
"Tôi không tin vào 'khả năng hạ cánh mềm' hay bất cứ điều gì tích cực mà Fed đang nói đến, cái tôi nhìn thấy trước mắt là lãi suất cao hơn đang khiến nền kinh tế thu hẹp hơn", ông James Galbraith - Giáo sư Kinh tế tại Đại học Texas - cho biết.
Theo ông, cơ chế để hạ nhiệt lạm phát của Fed rất đơn giản. Khi chi phí đi vay tăng thì giá tài sản sẽ giảm, chi tiêu cũng chậm lại cùng lúc doanh nghiệp cắt giảm việc làm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng kéo theo tiền lương đi xuống và giá cả sẽ dần trở lại mức ban đầu để kích thích tiêu dùng.
Và nếu chiếu theo cơ chế này thì suy thoái kinh tế không phải là tác dụng phụ ngẫu nhiên của kiềm chế lạm phát mà nó là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Đó là lý do tại sao khi Fed vừa bắt đầu tăng lãi suất, giới chuyên gia đã dự báo một cuộc suy thoái trong nửa cuối 2023.
Tuy nhiên, tình hình hiện tại còn tồi tệ hơn nhiều khi làn sóng khủng hoảng ngân hàng đang bắt đầu. Và nguyên nhân của những vụ sụp đổ này đều đến từ vấn đề Fed tăng lãi suất.
Hiện tại, sự hỗn loạn trong ngành ngân hàng thậm chí còn đang khuếch đại ảnh hưởng của lãi suất cao trong mảng tín dụng. Theo khảo sát từ một số chuyên gia, các tiêu chuẩn cho vay đang ngày càng chặt chẽ hơn và các nhà băng thì không có dấu hiệu thả lỏng.
Hơn nữa, những căng thẳng trong hệ thống đang có xu hướng trở thành một "quả cầu tuyết" (snowball). Những đảm bảo ban đầu rằng SVB là một trường hợp ngoại lệ giờ có vẻ không còn phù hợp vì sự sợ hãi đang dần lan rộng, quy mô tài sản của các ngân hàng sụp đổ vào năm nay thậm chí đã ngang bằng với cuộc khủng hoảng 2008.
Rủi ro vỡ nợ cao
Trong khi đó, ở Washington, cuộc tranh cãi về trần nợ công giữa các quan chức Mỹ đang rất căng thẳng.
Cụ thể, trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhấn mạnh rằng họ sẽ không thể tiếp tục đáp ứng tất cả nghĩa vụ tài chính của Chính phủ Mỹ trong tháng tới nếu Quốc hội không nâng hoặc đình chỉ giới hạn nợ. Bà thúc giục Quốc hội Mỹ hành động sớm nhằm nâng mức trần nợ để chính phủ có thể duy trì khả năng thanh toán.
Cùng chung nỗi lo với Bộ trưởng Tài chính, Giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) Phillip Swagel nêu rõ, do các khoản thu thuế đến hết tháng 4 vừa qua đang ít hơn so với dự kiến của CBO đưa ra hồi tháng 2 nên Bộ Tài chính nhiều khả năng sẽ cạn tiền vào đầu tháng 6.
Trước đó, bộ này cũng đã phải tìm đủ mọi cách để tránh vỡ nợ kể từ khi chạm mức giới hạn là 31.400 tỷ USD vào tháng 1/2023.
Tuy nhiên, những kỳ vọng về một bước đột phá đã bị dập tắt dù Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy dự kiến tổ chức các cuộc đàm phán về trần nợ vào ngày 9/5 tới. Nguyên nhân là ông McCarthy đang thúc đẩy một dự luật để cắt giảm chi tiêu sâu rộng thay vì xem xét tăng trần nợ công.
Lo sợ thời tiết cực đoan
Điều cuối cùng mà các chuyên gia đang lo lắng là về khả năng xảy ra thời tiết cực đoan tại Mỹ.
Theo dự báo từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương (NOAA) nước này, khả năng xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan trong 3 tháng tới đang ở mức 62% và điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất sinh hoạt, đồng thời làm gia tăng lạm phát.
Trong kịch bản của NOAA, bão và lũ lụt sẽ đổ bộ vào California và miền nam nước Mỹ, làm suy giảm sản lượng lương thực và năng lượng.
Và nếu điều này thực sự xảy ra, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát tại đây có thể tăng ngược trở lại tới 4 điểm phần trăm, và nó đồng nghĩa với việc mọi nỗ lực tăng lãi suất của Fed là vô ích.
Tất nhiên vẫn có khả năng hạ cánh mềm nếu thời tiết thuận lợi và không xảy ra thêm vụ sụp đổ ngân hàng nào nữa. Tuy nhiên, tỷ lệ xảy ra đồng thời 2 điều này là rất thấp.
Hiện tại, Fed chỉ có thể tin tưởng vào sức chịu đựng của thị trường lao động - với số việc làm mới giảm nhưng tỷ lệ thất nghiệp thấp - sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát thêm.
Hằng Nga