Nghịch lý trên thị trường bất động sản: Lãi gấp 2 nhà đầu tư vẫn không bán, môi giới lo lắng
Đến hiện tại, nhiều nhà đầu tư bình tĩnh dù có lãi gấp 2 nhưng vẫn không chịu bán ra, môi giới tỏ ra lo lắng vì nguồn cung mới thiếu, không có hàng bán. Điều này xuất phát từ việc giá đất các khu vực đồng loạt tăng, nếu bán đi cũng chỉ đủ mua một mảnh tương tự, cùng đó nỗi lo lạm phát khiến nhà đầu tư có tâm lý "găm đất".
Mới chỉ vài tháng đầu năm 2022, nhiều khu vực giá đất vẫn có biến động mạnh. Thậm chí, nhiều khu vực giá đất đã tăng đến 30 - 40%. Nếu như bình thường, khi thị trường đang sôi động, nhiều nhà đầu tư đã mua trước đó tranh thủ chỗ lãi khi đã đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, tâm lý lạ đang xuất hiện ở các nhà đầu tư lâu năm, dù giá đất đã tăng gấp 2 lần so với thời điểm xuống tiền nhưng quyết không chịu bán, điều này xuất phát từ nhiều yếu tố lạm phát, vị trí mảnh đất,...
Bên cạnh đó, thay vì liên tục tung tin quy hoạch, khoe ảnh đặt cọc để làm thị trường thì nhiều môi giới bất động sản đang tỏ ra e ngại trước việc nhà đầu tư không chịu bán, trong khi nguồn cung mới đã hết hàng.
Anh Thắng - nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội khoe, đầu năm 2021, anh mua một mảnh đất tại Bắc Giang rộng 150m2, nằm ở vị trí lô góc, với mức giá 14 triệu đồng/m2, tổng là 2,1 tỷ đồng.
“Thời điểm đó xuống tiền mua, ai cũng nói tôi mua đắt sợ sau bán lỗ. Tuy nhiên tôi vẫn tự tin mua mảnh đất vì tình hình dịch bệnh khi đó vẫn còn khá phức tạp không thể kinh doanh được. Ban đầu tôi cũng kỳ vọng trong năm nay nếu thuận lợi có thể lãi 20 - 30%”, anh Thắng nói.
Song, đến thời điểm này, anh Thắng khoe mảnh đất của anh đã được định giá lên 29 triệu đồng/m2, tổng giá trị mảnh đất là 4,35 tỷ đồng, tức lãi hơn gấp 2 so với thời điểm anh mua.
Mặc dù, đã vượt kỳ vọng lãi rất nhiều nhưng anh Thắng vẫn chưa quyết định bán và muốn giữ thêm. Theo anh phân tích: “Mặc dù lãi gấp 2 lần nhưng bán đi cũng chỉ mua được một mảnh đất tương tự. Hơn nữa, những mảnh ở vị trí đẹp gần như không còn, nên dù có bán đi muốn mua cũng rất khó. Cùng đó, yếu tố lạm phát khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy lo ngại tiền sẽ mất giá, trong khi đó thời điểm hiện tại khó có thể đầu tư kinh doanh ngành khác”.
Trước những động thái quyết tâm “ôm hàng” của nhiều nhà đầu tư, môi giới bất động sản cũng cảm thấy lo lắng khi giá đất ngày càng tăng và nguồn cung càng hạn chế hơn.
Anh Thanh Tùng - môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, 8 năm theo nghề chưa bao giờ anh thấy giá bất động sản tăng mạnh như trong 2 - 3 năm trở lại đây. Những căn nhà phố hay nhà liền kề, biệt thự ở các khu đô thị cũng tăng đến 2 - 3 lần trong mấy năm gần đây.
Anh Tùng chia sẻ: “Nếu trước kia các môi giới chỉ cần có giao dịch hoặc đặt cọc có khi sẽ liên tục đăng đi đăng lại để làm thị trường tạo sức nóng. Nhưng sang tới năm 2021 nói thật là không dám làm thị trường nữa”.
Theo người môi giới này lý giải, nếu tiếp tục làm thị trường, tạo sức nóng giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó, nhà liền kề và biệt thự ở các khu đô thị hiện chỉ là hàng thứ cấp, nhà đầu tư vấn thấy thị trường nóng sẽ nhất quyết không chịu bán ra nhưng nhu cầu mua thì vẫn nhiều thì môi giới lại không có hàng bán, đồng nghĩa sẽ không có thu nhập.
“Đa phần những nhà đầu tư đang nắm hàng biệt thự, nhà liền kề đều là những người có năng lực tài chính nên họ không vội vàng phải bán ra. Trong khi đó, thị trường vẫn tăng giá tốt, giá còn tăng thì nhà đầu tư đều không muốn bán, họ chấp nhận giữ thêm để chờ tăng tiếp. Với mức giá mỗi căn nhà phố, liền kề, biệt thự có giá từ 15 tỷ đồng trở lên, chỉ cần tăng 10% mỗi năm là họ có thêm cả tỷ rồi, chưa nói tới chuyện mỗi năm nay toàn tăng từ 20 - 30%/năm”, anh Tùng nói thêm.
Bên cạnh đó, người môi giới cho hay, với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, khi bán sản phẩm ra họ sẽ tìm sản phẩm khác để mua. Tuy nhiên, với số tiền bán đi cũng chỉ đủ mua một sản phẩm tương tự, thậm chí còn phải bù thêm tiền vì phải trả cao hẳn hơn thị trường mới có người bán. Từ lý do đó nhà đầu tư không muốn bán.
“Nói chung, thị trường chững môi giới cũng lo vì không bán được bất động sản, còn thị trường sôi động quá chúng tôi cũng không làm ăn được vì nhà đầu tư quyết ôm hàng không chịu bán”, anh Tùng phân trần.
Theo Minh Tâm
Nhịp Sống Kinh tế