Nghịch lý thừa điện tái tạo nhưng vẫn đi mua điện từ Lào, Trung Quốc
Trong khi Việt Nam phải nhập khẩu nguồn điện từ Lào, Trung Quốc vì thiếu điện thì việc đàm phán mua điện gió, điện mặt trời vẫn còn nhiều lúng túng.
Bộ Công Thương mới có 2 văn bản hoả tốc yêu cầu EVN khẩn trương thỏa thuận giá tạm thời với các chủ đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp trước ngày 27/5 để trình Bộ phê duyệt.
Động thái này của Bộ Công Thương được đưa ra theo chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh cung ứng nguồn điện đang căng thẳng, thời tiết nắng nóng kỷ lục khiến mực nước tại nhiều hồ thủy điện giảm về mức chết khiến nguy cơ thiếu điện ngày càng nghiêm trọng.
Đáng nói, trong khi 34 dự án điện tái tạo (gồm 28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời) vẫn đang chờ EVN đẩy nhanh việc tiến hành thoả thuận giá phát điện chính thức thì một số địa phương lại tăng cường huy động nguồn điện từ Lào, Trung Quốc.
Cụ thể, từ 0h ngày 24/5, phía Thâm Câu (Trung Quốc) chính thức đóng điện xuất khẩu sang Việt Nam qua đường dây 110kV Thâm Câu - Móng Cái với tổng công suất tối đa 70 MW và 30 triệu kWh/tháng. Trước mắt trong các tháng 5,6,7.
Theo đó, sau khi thực hiện ký kết hợp đồng, toàn bộ Tp.Móng Cái và huyện Hải Hà thuộc tỉnh Quảng Ninh sẽ sử dụng điện từ phía Trung Quốc cấp. Đây được xem biện pháp cấp bách nhằm giảm tải khó khăn về nguồn của hệ thống điện phía Bắc trong bối cảnh hiện nay.
Tương tự, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu điện từ Lào qua cụm nhà máy thủy điện Nậm Kông và nhà máy thủy điện Nậm San.
4.600 MW điện mặt trời, điện gió không được lên lưới
Vấn đề này cũng được các đại biểu Quốc hội đưa ra khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, rằng có hay không vướng mắc thủ tục, quy trình và bất cập của ngành điện hiện nay.
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nhấn mạnh, vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là lúc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo lỗ và tăng giá điện thì việc đàm phán giá điện với các đơn vị sản xuất điện gió, điện mặt trời vẫn chưa có sự ngã ngũ.
“Vấn đề trên vô hình trung tạo ra sự lãng phí rất lớn. Tôi cho rằng, giải pháp lâu dài cho ngành điện là chúng ta phải nghiên cứu, tìm ra các phương án tối ưu, đảm bảo an ninh năng lượng, có thể tìm được nguồn nguyên liệu rẻ, sạch hơn, từ đó giảm giá thành sản xuất. Trong đó, cần cơ chế giá hợp lý các nhà máy điện tư nhân, các dự án điện tái tạo tham gia vào kinh doanh điện", vị đại biểu nêu.
Cũng phát biểu về vấn đề này, đại biểu Đinh Ngọc Minh - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, người dân bức xúc liên quan lĩnh vực điện năng vì có nhiều vấn đề.
“Tại sao chúng ta phải nhập khẩu điện trong khi 4.600 MW điện mặt trời, điện gió không được lên lưới. Vì sao thế, đây cũng là tài sản quốc gia, tại sao lãng phí như vậy?", ông Minh đặt câu hỏi.
Theo ông Minh, cử tri cho rằng, sở dĩ 4.600 MW không được lên lưới là sai về thủ tục, quy chế. Do vậy, ngành điện phải đổi mới nhiều.
"Tôi tham dự nhiều cuộc họp với ngành điện, trong tổng số 100% sản lượng điện phát lên, EVN chỉ phát trực tiếp 11%, 89% sản lượng còn lại là của các công ty và doanh nghiệp khác không thuộc EVN hoặc thuộc EVN nhưng là công ty cổ phần. EVN không tăng tiền mua điện cho 89% doanh nghiệp này, tại sao lại lỗ, trong khi giá bán vừa rồi đã tăng. Trong khi đó, số doanh nghiệp có sản lượng điện phát lên lưới trong giai đoạn 2021-2022 vẫn lãi rất lớn", ông Minh nói.
Báo động không còn điện dự phòng
Tại hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc vừa qua, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, hiện các nhà máy thuỷ điện tiếp tục bị suy giảm công suất do mực nước thấp cùng với một số nguồn nhiệt điện cũng bị giảm công suất do nắng nóng.
"Do đó, khả dụng nguồn của hệ thống điện quốc gia, miền Bắc luôn không còn dự phòng. Để đảm bảo cung ứng điện, EVN đã phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu", ông nói.
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp ứng phó mà EVN đưa ra là tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào.
Thực tế từ năm 2016, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển các dự án thủy điện, đấu nối hệ thống điện và mua bán điện từ Lào. Theo đó, tổng công suất nguồn điện từ Lào bán về Việt Nam giai đoạn 2020-2025 tối thiểu là 3.000 MW và giai đoạn 2025-2030 tối thiểu là 5.000 MW.
Với Trung Quốc, từ năm 2004, EVN đã nhập khẩu điện ở cấp điện áp 110 kV và năm 2006 nhập khẩu ở cấp điện áp 220 kV để cung cấp điện cho 13 tỉnh phía Bắc trong bối cảnh thiếu điện trầm trọng ở giai đoạn 2004-2008.
Theo thông tin cập nhật đến ngày 24/5, đã có 37/85 dự án năng lượng tái tạo gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EVNEPTC). Đối với 48 dự án còn lại chưa gửi hồ sơ, EVNEPTC cũng đã có văn bản đề nghị các Chủ đầu tư tiếp tục gửi, cung cấp các hồ sơ tài liệu dự án.
Trong số 37 dự án đã gửi hồ sơ, EVN đã nhận được đề nghị áp dụng giá tạm của 24 dự án. Hai bên đã họp và thống nhất giá mua điện tạm (chưa bao gồm thuế VAT) bằng 50% giá trần của khung giá phát điện; giá mua điện chính thức và việc quyết toán tiền điện sẽ thực hiện theo hướng dẫn/quyết định của cấp có thẩm quyền.
Có 19 dự án với công suất tổng cộng 1.347 MW đã được Bộ Công Thương phê duyệt, thông qua giá tạm. EVNEPTC và chủ đầu tư đang phối hợp để sớm ký kết hợp đồng mua bán điện.
Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.600 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 mặt trời) tổng công suất gần 2.100 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm.
Theo dự kiến, chiều nay (26/5), lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ chủ trì cuộc họp trao đổi về tình hình cung cấp điện và một số vấn đề liên quan .