Nghịch lý ngành thép: Lợi nhuận bi thảm, một DN lớn dừng lò cao và cho công nhân nghỉ việc, cổ phiếu lại bất ngờ "suýt" trần
Cần nhấn mạnh, dự án lò cao từng được POM giới thiệu là dự án then chốt và dự phóng mang lại lợi nhuận đột biến giai đoạn 2021-2023. Sự biến động của thị trường khiến lò cao từ “vũ khí” trở thành “tội đồ” ăn mòn lợi nhuận kinh doanh của POM.
Kết phiên sáng ngày 12/10/2022, VN-Index hồi phục sau đà rơi mạnh. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu thép áp trần, riêng các mã HPG, NKG và HSG thanh khoản lớn.
Điểm qua giao dịch một số cổ phiếu trong ngành, SMC của Thương mại SMC đã kịch trần với giá 14.250 đồng/cp. Tiến sát giá trần là HSG của Hoa Sen, HPG của Hoà Phát, NKG của Nam Kim và đặc biệt POM của Pomina.
Trong bối cảnh tình hình kinh doanh kém sắc, dự phóng tương lai chưa mấy khả quan, động thái của nhóm cổ phiếu thép gây chú ý. Trên thị trường thế giới, giá thép tiếp tục trong xu hướng giảm, mức giảm luỹ kế lên đến 33% kể từ đầu năm.
Thậm chí, POM mới đây do thua lỗ nặng đã phải thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao (BF) từ ngày 23/9/2022, đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của công ty.
Theo POM, lý do không thể duy trì được lò cao là do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu cùng các loại hàng hoá leo thang. Trong khi đó, giá trị các sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp. Nhà máy phải đương đầu với khủng hoảng, phải tạm dừng hoạt động.
Cần nhấn mạnh, dự án lò cao được POM đầu tư vào năm 2019 và đi vào hoạt động năm 2020: Đây từng được POM giới thiệu là dự án then chốt và dự phóng mang lại lợi nhuận đột biến cho Công ty giai đoạn 2021-2023, công suất hệ thống lên đến 1 triệu tấn sản phẩm thép. Dù vậy, sự biến động đảo chiều nhanh chóng của thị trường khiến lò cao từ “vũ khí” trở thành “tội đồ” ăn mòn lợi nhuận kinh doanh của POM.
Kết thúc quý 2, lợi nhuận của POM âm tới 63,8 tỷ đồng. Tính tới hết ngày 30/6/2022, nợ phải trả chiếm tới 77,5% trong cơ cấu tài sản của POM, ghi nhận ở mức 12.610 tỷ đồng, tăng 11,67% so với đầu năm chủ yếu do nợ ngắn hạn.
Bức tranh lợi nhuận chung của các DN còn lại cũng không mấy khả quan, ghi nhận mức giảm bằng lần trong quý 2 năm nay. Đơn cử, Hòa Phát (HPG) - lợi nhuận sau thuế giảm đến 59% so với quý 2 năm ngoái xuống còn 4.023 tỷ đồng. Đầu tư Thương mại SMC (SMC) cũng giảm đến 92%, xuống còn 42,5 tỷ đồng LNST trong quý 2/2022…
Nguyên nhân, giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine, đặc biệt giá than luyện tăng cao. Việc nhiên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng cao nhất trong quá trình sản xuất gang thép liên tục tăng cao ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào sản xuất, qua đó làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép. Ở chiều ngược lại, giá thép đã hạ nhiệt và quay đầu giảm mạnh sau khi đạt đỉnh. Tại thị trường thế giới, giá HRC liên tiếp giảm điểm do ít hoạt động xây dựng và sản xuất hơn.
Nhận định về ngành, hầu hết các CTCK đều bày tỏ sự bi quan. Khi, áp lực từ nguồn cung than cốc lẫn giá than tăng cao, bào mòn từ 3-6% biên lợi nhuận gộp các công ty thép, lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại và ngành bất động sản cũng đang chững lại trong năm 2022.
Thêm nữa, ngành thép và tôn mạ sẽ tiếp tục đối diện nhiều rủi ro như biến động giá nguyên liệu. Theo ước tính chi phí nguyên liệu chiếm 65-75% giá thành sản xuất. Các công ty thép và tôn mạ thường có yếu tố đầu cơ giá quặng sắt và HRC, nếu giá HRC giảm mạnh sẽ khiến giá bán của các công ty tôn mạ và ống thép điều chỉnh.
Trong báo cáo mới nhất từ SSI Research, đơn vị này dự báo lợi nhuận HPG tiếp tục giảm còn khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng, tức giảm 80% so với mức đỉnh trong quý 3/2021. Sự sụt giảm của lợi nhuận trong quý này so với cùng kỳ năm ngoái là do giá thép giảm, đặc biệt là giá thép HRC giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, giá than cốc cao và lỗ tỷ giá do đồng VND giảm giá 2,5% so với USD.