Nghịch lý lạ: Mức độ quan tâm biệt thự nghỉ dưỡng cao hơn đất nền
Mức độ quan tâm đất nền tăng 44%, nhà phố tăng 47%, biệt thự nghỉ dưỡng tăng 87%, condotel 45%, nhà riêng cho thuê tăng 5%, chung cư tăng 42% so với tháng 9/2021.
Đây là con số ghi nhận mức độ quan tâm tìm kiếm các phân khúc bất động sản tại Phan Thiết (Bình Thuận) do Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam thực hiện khảo sát.
Chia sẻ về con số này, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Tôi nghĩ nhiều người khi nhìn vào sẽ cho là không hợp lý vì tâm lý, xu hướng đầu tư thường tập trung vào đất nền, còn ở đây, mức độ quan tâm với biệt thự và bất động sản nghỉ dưỡng lại ở mức cao. Tôi cho rằng hợp lý. Hợp lý ở mức độ khoa học do Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam khảo sát.
Ngoài ra, cá nhân tôi cũng đồng cảm với các nhà đầu tư. Vì sao bất động sản nghỉ dưỡng lại thu hút hơn đất nền, nhà phố, nhà ở? Lý giải là do dịch chuyển văn hóa và lối sống. Trước đây, người Việt có xu hướng tích trữ tiền của, sau đó là sống vì người khác là chính, nhưng giờ đây sự giao thoa tâm lý phương Tây và Á Đông đã ảnh hưởng đến văn hóa của người Việt hiện nay. Người ta quan tâm đến bản thân nhiều hơn, đề cao cái tôi hơn. Đó là tâm lý ảnh hưởng đến xu hướng đầu tư, là xu hướng tận hưởng”.
Bàn về tiềm năng, xu hướng của bất động sản nghỉ dưỡng, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam nhận định, khẩu vị liên quan đến bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian vừa qua rất được các nhà đầu tư chuyên lẫn không chuyên ưa chuộng. Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng từ miền Trung đổ vào vào phía Nam là một sân chơi đa màu sắc, đa dạng về chủng loại, về sản phẩm và được xem là một lĩnh vực thế mạnh của các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Điều này giúp bổ sung nguồn vốn rất lớn cho thị trường, hút nguồn tiền từ các lĩnh vực khác và “sân chơi” này sẽ được mở rộng hơn ra các thành phố vệ tinh. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư chuyển mình về, khi các quỹ đất đang còn nhiều và cơ chế cũng khá thuận lợi trong quy trình phê duyệt để thực hiện được dự án.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, có hai cái nhóm nhà đầu tư. Với nhóm nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp từ phía Bắc, họ luôn tập trung vào những dự án trung tâm, nơi có sự thu hút rất nhanh.
Còn đối với nhóm đầu tư không chuyên, họ sẽ có những chiến lược và tầm nhìn khác, bởi họ xuất phát từ các công việc khác như xây dựng, đầu tư, sắt thép, sản xuất kinh doanh… Họ có góc nhìn khác và sẽ tập trung vào các thành phố vệ tinh xung quanh TP.HCM nhiều hơn, nơi mà quỹ đất nhiều hơn, quy mô lớn hơn, có cơ chế thuận lợi hơn trong việc phê duyệt.
"Tôi nghĩ đây cũng là một chiến lược tốt cho các doanh nghiệp, khi mà họ từ lĩnh vực khác tham gia vào bất động sản - nơi chưa phải là thế mạnh", ông Khương nói.
Cũng giống như các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, khi họ tham gia vào thị trường Việt Nam thì họ rất cẩn thận xem xét từng yếu tố về góc độ pháp lý, thị trường, về những nguồn cung cầu mà họ cần tiếp cận.
Đối với nhà đầu tư thứ cấp, sẽ liên quan đến vấn đề về lợi nhuận. Nhóm nhà đầu tư này thường sẽ quan sát ở những nơi đầu tư mà xuống tiền ít nhất và có thể chuyển nhượng được. Đây là nhóm nhà đầu tư khá phổ biến trên thị trường, lợi nhuận không phải là vấn đề chính mà họ quan tâm.
“Từ trước đến nay chúng ta thấy Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận) được xem là một trong những khu du lịch truyền thống gắn liền với đô thị. Nhìn tổng thể, một số khu vực như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quy Nhơn chính là một trong những lợi thế cạnh tranh của đất nước. Cả một dải đất nơi mà bờ biển đi qua rất sát sườn với đô thị, thời lượng có nắng rất cao, tiềm năng khai thác lớn thì đây chính là điểm thuận lợi để khu vực biển miền Trung từ Trung Trung Bộ, Đà Nẵng vào phía Nam Trung Bộ, Bình Thuận phát triển. Các đô thị, thành phố này gắn liền với sự phát triển cũng như sự hình thành các khu du lịch.
Tôi cho rằng các chính quyền địa phương cần có những chiến lược để thu hút nguồn lực về đầu tư cho các đô thị của mình, giúp người dân được hưởng lợi từ việc kinh doanh và sự phát triển của ngành du lịch”, vị chuyên gia này cho hay.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh thêm rằng, trước đây chúng ta còn dựa vào số lượng du khách của nước ngoài đến Việt Nam nhiều. Nhưng trong thời gian vừa qua, hành vi tiêu dùng và cách ứng xử về sức khỏe của người dân Việt Nam sau dịch Covid đã hoàn toàn thay đổi.
"Tôi cho rằng nếu Chính phủ cũng như Tổng cục Du lịch Việt Nam và các bên liên quan, các nhà đầu tư có một tầm nhìn dài hạn hơn, sát sườn hơn thì chúng ta cũng không thua gì Thái Lan và các nước trong khu vực. Chúng ta cần có những định hướng rõ ràng hơn về mặt chiến lược. Ở tầm quốc gia thì những khu nghỉ dưỡng ngành du lịch Việt Nam không thua gì các nước trong khu vực, thế giới và đây là một cơ hội mà chúng ta có thể đem về rất nhiều ngoại tệ cho quốc gia".