Nghịch lý doanh nghiệp lỗ, đau khổ với cổ phiếu liên tục tăng trần
Mặc dù kết quả kinh doanh kém sắc, thậm chí là thua lỗ, nhưng cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp vẫn có những đợt tăng trần liên tiếp hàng chục phiên, khiến chính doanh nghiệp cũng phải kêu cứu.
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 6 tháng đầu năm 2022, Công ty CP Bất động sản điện lực Miền Trung (HoSE: LEC) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 5,7 tỷ đồng, tăng 712% so với kết quả của nửa đầu năm 2021. Giá vốn bán hàng cũng tăng mạnh lên hơn 4,8 tỷ đồng so với 709 triệu đồng cùng kỳ năm trước, khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp chỉ còn gần 918 triệu đồng, cùng kỳ âm hơn 4,2 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính đạt hơn 136 triệu đồng, tăng gần 79% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng mạnh từ hơn 89 triệu đồng lên hơn 197 triệu đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay, tương đương với tăng hơn 121% so với nửa đầu năm 2021. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ chiếm hơn 1,1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, LEC lỗ hơn 258 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước doanh nghiệp lỗ hơn 1,2 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh 712,6% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do việc do tăng doanh thu từ hoạt động xây lắp khi tham gia thi công hạng mục Cảnh quan tầng 1 của Tòa D thuộc dự án Tổ hợp Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng. Giá vốn cũng tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng với tốc độ thấp hơn so với tốc độ tăng doanh thu, dẫn đến lợi nhuận gộp đạt ở mức khá là 917 triệu đồng.
Chi phí tài chính tăng đồng thời doanh thu tài chính cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Chi phí quản lý doanh nghiệp 6 tháng năm 2022 hầu như tương đương so với 6 tháng đầu năm 2021, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước dẫn đến lợi nhuận sau thuế TNDN 6 tháng đầu năm 2022 bị lỗ hơn 258 triệu đồng, giảm lỗ 78,8% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản của LEC đạt gần 318 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp này là khoản đầu tư tài chính dài hạn (đầu tư vào công ty con) với hơn 247 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp là gần 16 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn; Vốn chủ sở hữu đạt 302 tỷ đồng.
Theo dữ liệu trên iBoard của SSI, hiệu quả sử dụng tài sản (ROA) của LEC rất thấp kể từ khi niêm yết tới nay. Cụ thể, năm 2017 ghi nhận 3,05%, năm 2018 là 0,07%, năm 2019 âm 0,05%, năm 2020 ghi nhận 0,01%, năm 2021 là 0,26% và 6 tháng đầu năm 2022 chỉ 0,02%. Trong khi đó, ROA của cả ngành năm 2021 lên tới 6,07%.
Cổ phiếu liên tục tăng trần
Trái ngược với kết quả kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu LEC trên thị trường chứng khoán vừa chứng kiến 12 phiên tăng trần liên tiếp từ ngày 16/9 đến ngày 3/10, đưa thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp này từ vùng giá 7.500 đồng/cổ phiếu lên vùng giá 15.550 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức tăng hơn 107%. Thanh khoản của cổ phiếu cũng tăng đột biến, bình quân hơn 11.000 cổ phiếu/phiên, phiên cao nhất ngày 3/10 có 36.000 cổ phiếu được sang tay. Trong khi trước đó, thanh khoản cổ phiếu này chỉ vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu/phiên.
Đà tăng dựng đứng của cổ phiếu LEC diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang chịu áp lực điều chỉnh mạnh, đặc biệt là cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản cùng ngành bị nhà đầu tư trong nước lẫn khối ngoại bán tháo.
Trước diễn biến bất thường này của cổ phiếu, lãnh đạo doanh nghiệp này phải lên tiếng giải trình. Theo đó, trong văn bản giải trình biến động giá cổ phiếu gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), lãnh đạo LEC cho biết, các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty vẫn diễn ra bình thường và không có biến động đặc biệt nào. Đồng thời cho rằng, việc giá cổ phiếu LEC tăng trần liên tiếp là do cung cầu trên thị trường chứng khoán.
Việc một cổ phiếu liên tục tăng trần trong bối cảnh kết quả kinh doanh kém sắc thậm chí thua lỗ như LEC không phải là trường hợp cá biệt. Trước đó, cũng đã có không ít cổ phiếu rơi vào tình trạng này, gần đây nhất là trường hợp cổ phiếu của Công ty CP Cà phê Thắng Lợi (HNX: CFV).
Theo đó, chỉ trong vòng 1 tháng từ ngày 15/8-16/9 cổ phiếu của doanh nghiệp ngành cà phê này đã tăng trưởng từ vùng giá 4.300 đồng/cổ phiếu lên vùng giá 91.300 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 2.000%, trong đó ghi nhận 23 phiên trần liên tiếp. Đợt tăng giá hiếm có này của CFV cũng diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận lỗ 3,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 2,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong 3 năm liên tiếp gần đây, cổ phiếu CFV hầu như không hề có giao dịch và giá đứng yên ở mức 21.300 đồng. Mức giá này vẫn duy trì đến ngày 6/7 vừa qua. Sau đó, cổ phiếu nay đột ngột giao dịch trở lại với số lượng nhỏ cổ phiếu được bán ra ở mức giá sàn trong nhiều phiên khiến cổ phiếu giảm còn 4.300 đồng/cổ phiếu (chốt phiên giao dịch ngày 10/8).
Trước diễn biến bất thường này, lãnh đạo CFV đã gửi đơn cầu cứu do nghi ngờ cổ phiếu của doanh nghiệp bị “thao túng”. Trong báo cáo của gửi HNX vào ngày 13/9, lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định ban lãnh đạo và những người liên quan đều không có tác động nào để đẩy giá cổ phiếu lên cao, cũng không thực hiện giao dịch liên quan đến cổ phiếu công ty trên thị trường chứng khoán.
Lãnh đạo CFV cho rằng, cổ phiếu liên tục tăng trần với khối lượng giao dịch thấp là điều bất thường (tất cả các phiên tăng trần đều chỉ có 1 lệnh mua và bán giá trần trong phiên). Công ty nghi ngờ một số cá nhân lợi dụng lỗ hổng của thị trường chứng khoán để tác động đến giá cổ phiếu vì động cơ cá nhân.
Do đó, công ty cũng đề nghị: "Để đảm bảo giá trị cổ phiếu về đúng giá trị thực, minh bạch thông tin trên thị trường, đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX tiến hành kiểm tra các cá nhân thực hiện giao dịch dẫn tới việc biến động tăng trần bất thường của CFV”.
Trên thực tế, không phải lúc nào thị giá cổ phiếu cũng luôn phản ánh qua kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cùng với những nhận định của nhà đầu tư về những thông tin có thể có lợi cho tăng trưởng của doanh nghiệp cũng như thị giá của cổ phiếu trong tương lai. Tuy nhiên, cổ phiếu có diễn biến trái chiều với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ở mức đặc biệt và khiến doanh nghiệp lo lắng như những trường hợp trên không phổ biến.
Do đó, để kết luận điều gì đang thực sự diễn ra, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý. Nhưng trước hết, nhà đầu tư cũng cần phải thận trọng, tránh bị cuốn vào những đợt “sóng” tăng giá bất thường, để không bị “mắc kẹt” và ngậm ngùi ôm lỗ về sau.