Nghị viện châu Âu mở văn phòng ở Ukraine theo yêu cầu của ông Zelensky

Chia sẻ Facebook
24/11/2023 03:55:31

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola là tiếng nói ủng hộ Ukraine xuyên suốt kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở quốc gia Đông u hồi tháng 2/2022.


Nghị viện châu Âu (EP) đã đồng ý mở văn phòng tại Kiev để tăng cường hỗ trợ cho Verkhovna Rada ( Quốc hội Ukraine) theo yêu cầu của các quan chức chính phủ hàng đầu Ukraine, cổng thông tin Euractiv của Liên minh châu Âu (EU) đưa tin hôm 21/11.


Theo một tài liệu mà Euractiv tiếp cận từ Văn phòng Nghị viện châu Âu – cơ quan chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định hành chính về hoạt động nội bộ, việc mở văn phòng đại diện tại quốc gia Đông Âu nhằm tăng cường kết nối giữa Verkhovna Rada với các ủy ban có liên quan trong EP, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho công việc hành chính.


Mỗi quốc gia thành viên EU đều có văn phòng liên lạc để hỗ trợ EP làm việc với các quốc gia đó, như liên lạc với các bên liên quan, tổ chức sự kiện và duy trì quan hệ với truyền thông địa phương.


Theo tài liệu, EP chỉ mở một số ít văn phòng của mình ở các thành phố ngoài châu Âu, bao gồm New York (Mỹ), Addis Ababa (Ethiopia) và Jakarta (Indonesia), nơi có các nhân viên hỗ trợ cho các phái đoàn EU.


Phái đoàn EU ở bất kỳ quốc gia nào ngoài Liên minh châu Âu đều đóng vai trò là phái đoàn ngoại giao của EU trên lãnh thổ đó dưới sự bảo trợ của Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS).

Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Roberta Metsola (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp nhau vào ngày 4/3/2023, tại thành phố Lviv, miền Tây đất nước. Ảnh: Polskie Radio


Năm ngoái, EP đã trao Giải thưởng Sakharov về quyền tự do ngôn luận cho người dân Ukraine và lãnh đạo nước này, Tổng thống Volodymyr Zelensky.


Tài liệu giải thích rằng ông Zelensky đã đích thân yêu cầu bà Metsola thành lập văn phòng đại diện của EP ở Ukraine, khi bà đến thăm vùng Lviv ở phía Tây đất nước hồi đầu tháng 3. Vấn đề này cũng được Chủ tịch Verkhovna Rada Ruslan Stefanchuk nhắc lại hồi cuối tháng 4.


Theo tài liệu mà Euractiv được tiếp cận, sự hiện diện của EP tại thủ đô Kiev sẽ đảm bảo rằng các cơ quan của EP “được thông báo thường xuyên về các vấn đề và quy trình đang diễn ra”, không chỉ ở Ukraine mà còn ở “các quốc gia Đối tác phương Đông”.


Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trong chuyến thăm Kiev ngày 21/11 cho biết ông kỳ vọng Hội nghị Thượng đỉnh EU vào tháng 12 tới sẽ đưa ra quyết định tích cực về việc bắt đầu đàm phán về việc Ukraine gia nhập EU.


Trước đó, vào ngày 8/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố khuyến nghị lên Hội đồng EU để bắt đầu đàm phán với Moldova và Ukraine về việc kết nạp 2 quốc gia này và trao cho Gruzia (Georgia) tư cách ứng cử viên.


Khuyến nghị bắt đầu đàm phán đi kèm với việc nhấn mạnh rằng Ukraine nên đáp ứng một số điều kiện. Khi được hỏi liệu có khả năng Ukraine sẽ gia nhập EU ít nhất vào năm 2030 hay không, người đứng đầu Ủy ban châu Âu cho biết quá trình này không được xác định theo ngày tháng .


Minh Đức (Theo Euractiv, TASS)

Chia sẻ Facebook