Nghỉ việc rồi... ào ạt nộp đơn về lại chốn cũ, có nên không?
Sếp cũ liệu có chào đón bạn hay không, lương tăng hay giảm… là những băn khoăn thường thấy của những người muốn trở về làm việc cho công ty sau một thời gian nghỉ việc.
Theo trang CNBC, xu hướng trở về công việc cũ có thể là chuyển dịch lớn nối tiếp thời kỳ "Đại nghỉ việc". Giai đoạn dịch COVID-19 trên toàn cầu đã chứng kiến một làn sóng nhân viên đi tìm mức lương hậu hĩnh hơn, công việc chủ động hơn, hoặc đơn giản vì muốn thay đổi không khí.
Một nghiên cứu gần đây ở Mỹ do Công ty UKG thực hiện cho thấy, cứ 5 người đã bỏ việc trong giai đoạn dịch COIVD-19 lại có 1 người "nối lại tình xưa" với cơ quan cũ. Những người này được xếp vào nhóm "nhân viên boomerang".
Khoảng 43% người đã bỏ việc thừa nhận công việc cũ tốt hơn so với việc họ tìm được sau khi ra đi.
Liệu sếp cũ sẽ dang rộng vòng tay đón bạn?
Thực ra, đa số nhà tuyển dụng khá cởi mở với ý tưởng chào đón nhân viên cũ.
Jennifer Brick, chuyên viên tư vấn nghề nghiệp, tiết lộ xu hướng chuyển việc đợt trước khiến nhiều vị trí tại các công ty rơi vào cảnh thiếu người giỏi.
Hiện nay, không ít nơi có xu hướng mời chào nhân viên cũ quay lại. "Ưu điểm là họ đã nắm rõ công việc, hiểu văn hóa công ty, và chi phí đào tạo ban đầu sẽ thấp hơn" - Jennifer cho biết.
Tất nhiên vẫn có những nhà tuyển dụng phản đối sử dụng "nhân viên boomerang". Họ cho rằng hành động đó sẽ ảnh hưởng tới quan niệm về lòng trung thành với công ty của những nhân viên khác.
Nhưng nếu trước kia bạn là một nhân viên xuất sắc, sếp cũ có thể vẫn vui lòng dành vị trí cho bạn.
Amy Zimmerman, giám đốc nhân sự của Relay Payments, bổ sung: "Đây cũng là một cách tuyệt vời để giữ chân những người khác đang định nhảy việc, khi chứng kiến một nhân viên giỏi quay trở lại".
Quay về chốn xưa đem lại lợi ích gì cho bạn?
Theo các chuyên gia, chỗ tốt nhất nằm ở cảm giác quen thuộc.
Trở về với công ty cũ tức là bạn đang tái ngộ với những điều bạn đã quá am hiểu, từ con người tới văn hóa công ty, cả tốt lẫn xấu.
Tuyệt nhất là bạn sẽ được nâng lương, hoặc có thay đổi trong phân công công việc. Điều này chứng tỏ sếp càng coi trọng giá trị của bạn.
Jennifer đánh giá, rất nhiều khách hàng của cô đã đi đúng hướng khi về công ty cũ. Thậm chí, một số còn được thăng chức.
Khi nào bạn cần cân nhắc?
Tuy nhiên, không phải ai cũng hạnh phúc với xu hướng "nhân viên boomerang".
"Nếu họ được thăng chức, hoặc nhận phúc lợi đặc biệt khác khi về công ty cũ, vài đồng nghiệp có thể xa lánh họ, khiến mối quan hệ không suôn sẻ" - Zimmerman phân tích.
Các chuyên gia nghề nghiệp cũng cảnh báo, tình hình ở công ty cũ có lẽ chẳng phải màu hồng như bề ngoài.
Bạn nên chắc chắn đã giải quyết được rốt ráo nguyên nhân khiến bạn rời đi trước đây.
Nhưng vấn đề này nói thì dễ, làm mới khó.
Theo Brad Harris, giảng viên Trường thương mại HEC Paris (Pháp), các nhà tâm lý học đã chứng minh con người có xu thế nối lại những mối quan hệ cá nhân thiếu lành mạnh. Nhận định này có lẽ cũng đúng trong công việc.
Vì vậy, bạn cần hiểu "tại sao bạn đã bỏ việc, và tại sao bạn muốn quay lại". Quyết định trở lại của bạn phải là một quyết định hợp lý.
Chúng ta có thể kỳ vọng quá nhiều vào sự thay đổi của bản thân lẫn sếp cũ so với thực tế. Tình trạng có lẽ sẽ tốt đẹp hơn trong thời gian ngắn, nhưng rất có khả năng "đâu lại hoàn đấy".
Jennifer cho rằng, nếu bạn nghỉ việc do sếp thiếu khả năng lãnh đạo hoặc do văn hóa công ty không phù hợp, nguyên nhân đó có thể vẫn tồn tại.
Vì vậy, hãy suy nghĩ kỹ trước khi tái ký vào bản hợp đồng với chốn xưa.