Nghỉ việc ở Apple để khởi nghiệp, người đàn ông sở hữu 7 nhà hàng, thu về hơn 9 triệu USD/năm

Chia sẻ Facebook
19/07/2023 14:11:23

VietTimes – Dan Defossey từng đặt cược hết tiền của mình để mở một cửa hàng thịt nướng trên xe dã ngoại và giờ đã sở hữu chuỗi nhà hàng với doanh số lên tới hàng triệu USD mỗi năm.

Dan Defossey thành công với chuỗi nhà hàng thịt nướng ở Mexico (Ảnh: CNBC)

Dan Defossey, 44 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Long Island (New York), luôn nghĩ rằng sẽ dấn thân vào con đường chính trị.


Và mặc dù bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực này, cuối cùng ông đã trở thành một giáo viên ở Texas trước khi nhận công việc đào tạo tại Apple ở New York. Ông làm công việc này chỉ trong vòng 3 năm, và nghỉ việc vào năm 2009 - thời điểm mà ông được đề bạt lên làm giám đốc tiếp thị giáo dục phụ trách khu vực Mỹ Latin. Defossey sau đó chuyển tới Mexico City.

Defossey mở nhà hàng đầu tiên của mình trên một chiếc xe dã ngoại (Ảnh: CNBC)

Năm 2013, Defossey cùng một người bạn là dân bản địa ở Mexico City, Roberto Luna, đang đi bộ trong thành phố thì bất ngờ ông quay sang Luna và nói rằng họ nên khởi nghiệp. Mặc dù không có kinh nghiệp quản lý, nhưng cả hai vẫn quyết định mở nhà hàng.

“Chúng tôi không biết gì về điều hành nhà hàng, nên về cơ bản là chúng tôi phải học thật nhanh”, Defossey kể lại.

Trong năm đó, Defossey và Luna mua một chiếc xe dã ngoại ở Texas, lái nó trở về Mexico City. Bên trong chiếc xe này, họ khai trương cửa hàng thịt nướng kiểu Texas đầu tiên của mình.

“Chúng tôi đã quyết định đặt mọi niềm tin vào dự án này, vì chúng tôi tin rằng đó là một ý tưởng độc đáo. Không hề có nhà hàng thịt nướng nào trong thành phố, chúng tôi lại ở gần biên giới nước Mỹ. Người Mexico yêu thích món này”, Defossey nói với CNBC.

“Có cơ hội rất lớn để mở ra một thực đơn mới…Và khi bạn nhận thấy cơ hội đó, bạn cần phải nắm lấy”, Defossey nói thêm.

Nhà hàng Pinche Gringo hiện nay có thể chứa được 3.000 khách cùng lúc (Ảnh: CNBC)

Hai người bạn quyết định đặt tên nhà hàng là Pinche Gringo. Ban đầu, Defossey và Luna bỏ ra nhiều giờ đồng hồ để giải thích về loại thịt ức cho người dân bản địa và mời họ ăn thử. Ông kể rằng, họ chỉ kiếm được 30 USD mỗi ngày, trong khi món ăn chưa đạt yêu cầu.

“Chúng tôi thậm chí đã ném mẫu thịt cho một vài chú chó trong vùng. Nhưng chúng còn không thèm ăn, và chúng tôi nhận ra đó là một vấn đề. Chúng tôi đã phải liên tục cải tiến”, ông nói.

Đến một hôm, một phóng viên tìm đến nhà hàng của Defossey để thử thức ăn và đăng tải một bài viết tích cực về nhà hàng. Kể từ đó, Pinch Gringo bắt đầu có tệp khách hàng thân quen.

Trở thành nhà hàng thịt nướng kiểu Texas ở Mexico City không phải điều duy nhất tạo nên sự khác biệt cho Pinche Gringo. Họ không cố gắng không biến đổi phong cách nhà hàng, có nghĩa rằng không mang bất kỳ món ăn truyền thống nào của Mexico vào trong thực đơn.

“Chúng tôi không có món bánh tortilla, nước Jamaica, nước horchata. Điều độc nhất là chúng tôi không có chanh, trong khi người Mexico thích vắt chanh lên mọi thứ”, Defossey nói. “Tại sao? Bởi tôi muốn phục vụ thứ gì đó độc đáo nhất, khác với thứ mà mọi người từng thấy trước kia”.

Groupo Chilango Gringo hiện có 105 nhân viên (Ảnh: CNBC)

Defossey và Luna mở nhà hàng trên xe dã ngoại đầu tiên vào năm 2013, và sau đó mở công ty Groupo Chilango Gringo. Công ty này sở hữu và điều hành 7 nhà hàng, bao gồm các nhà hàng bánh sandwich, một quán bar và nhà hàng thịt nướng Pinche Gringo. Nhà hàng lớn nhất trong số 7 cơ sở đủ sức chứa 3.000 khách tại cùng thời điểm.

Năm 2022, Groupo Chilango Gringo đạt doanh thu 159,121,000 peso, tương đương hơn 9 triệu USD. Công ty nhà hàng có đội ngũ nhân viên 105 người và bán từ 15 – 20 tấn thịt mỗi tháng.

“Chúng tôi mở nhà hàng này thực sự là để chia sẻ với người Mexico một phần văn hóa của chúng tôi, để có thể mang hai nước xích lại gần nhau hơn”, Defossey nói. “Đây là sức mạnh từ việc chia sẻ văn hóa Mỹ với Mexico. Và đó là cách mà tôi trả ơn đất nước mình”.

Chuỗi nhà hàng của Defossey bán tổng cộng 15 -20 tấn thịt mỗi tháng (Ảnh: CNBC)

Hiện tại, Defossey đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng chuỗi nhà hàng, cùng lúc duy trì văn hóa lành mạnh của công ty.

“Tôi luôn tin rằng linh hồn của nhà hàng chúng tôi chính là con người. Đi làm giúp tôi vui vẻ mỗi ngày. Tôi yêu quý nhân viên của mình. Tôi yêu quý các nhà hàng của mình. Tôi thích được ở đây, và tôi đang sống đúng giấc mơ của mình”, Defossey nói./.


Theo CNBC

Chia sẻ Facebook