Nghỉ việc bỏ tiền đầu tư: Không phải ai khởi nghiệp cũng thành công
Không ít người vì chán nản công việc văn phòng 8 tiếng quyết định bỏ việc để đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, thay vì làm ông chủ, bà chủ lại nhanh chóng ôm một khoản nợ.
Tuổi trẻ ai cũng khát khao được làm giàu, khởi nghiệp trên chính đôi chân của mình. Không ít bạn trẻ sau vài năm đi làm tích lũy được một số vốn nhất định đã quyết định bỏ việc để khởi nghiệp. Người thì lựa chọn bán hàng online, người thì đầu tư kinh doanh mở shop quần áo, quán cafe. Cũng có người lại đi học một nghề khác như: nail, make up, chụp ảnh, làm bánh,... để về mở tiệm. Tuy nhiên không phải bất cứ ai khởi nghiệp cũng đều thành công. Thậm chí cái giá phải trả là mất hết tiền tiết kiệm rồi ôm thêm một khoản nợ.
Nghỉ việc để khởi nghiệp
Nghỉ việc để khởi nghiệp là suy nghĩ của không ít bạn trẻ hiện nay khi đã quá chán nản công việc văn phòng. Nhiều người cảm thấy làm văn phòng nhàm chán, ngày nào cũng phải ngồi một chỗ 8 tiếng. Buổi sáng phải chen chúc tắc đường đến công ty chấm công không dám muộn một phút. Hết giờ không dám về sớm, thậm chí còn phải mang việc về nhà làm buổi tối. Chính vì thế, dù số vốn có hạn nhưng một số bạn trẻ vẫn quyết định khởi nghiệp, thậm chí sẵn sàng vay nợ.
Lan Hương (25 tuổi, Hà Nội) sau khi kết hôn quyết định nghỉ việc văn phòng để mở shop quần áo ở quê chồng. Mặc dù ở quê chỉ là thị trấn nhưng cũng khá sầm uất. Cả hai vợ chồng Hương quyết định bán hết số vàng cưới cộng với vay mượn thêm của bố mẹ để mở cửa hàng. Thời điểm đó, Hương cho rằng mở shop quần áo sẽ rất nhàn nhã chỉ cần ngồi ở shop nắng không tới mặt mưa không tới đầu. Hơn nữa, sau này sinh nở cũng có thể dẫn con ra quán bán cùng. Chính vì thế cô nàng quyết định nghỉ công việc văn phòng lương hơn 10 triệu đồng/1 tháng để khởi nghiệp.
Tương tự, Vân Anh (27 tuổi, Nam Định) cũng quyết định nghỉ công việc văn phòng để kinh doanh online. Cô nàng bán túi xách và giày dép trên các sàn thương mại điện tử. Sau gần chục năm đi làm văn phòng, Vân Anh cũng tiết kiệm được hơn 300 triệu đồng. Cô nàng quyết định dùng hết số vốn này để khởi nghiệp, thử một lần làm chủ trong đời.
“Mình đã quá chán nản với việc ngày nào cũng phải ngồi 8 tiếng ở văn phòng. Đồng nghiệp thì hay soi mói, kèn cựa nhau. Sếp thì lúc nào cũng dí deadline liên miên. Nhiều khi chủ nhật hay ngày lễ cũng bị réo tên trong nhóm chat làm việc. Thậm chí có lúc mình đang đi chơi cùng người yêu, không có máy tính bên cạnh cũng bị gọi về sửa file. Điều đó khiến mình vô cùng ức chế. Dù làm việc quần quật như vậy nhưng mình cũng chỉ được 12-15 triệu đồng/1 tháng.”
Không phải ai khởi nghiệp cũng thành công
Khi làm nhân viên bạn có thể không quá quan trọng về hiệu suất làm việc, cứ hết tháng là nhận lương nhưng khi làm chủ có rất nhiều áp lực, mọi chi phí đều đổ lên đầu. Nhiều người chưa có kinh nghiệm đã vội vàng đầu tư sẽ rất dễ dẫn tới thất bại. Như Lan Hương sau 1 năm mở shop quần áo cô mới nhận ra khởi nghiệp không đơn giản như vậy.
Tháng đầu tiên bán hàng tiền lãi của cô nàng chỉ được vỏn vẹn 8 triệu đồng nhưng đã phải trả hơn 4 triệu đồng tiền mặt bằng kinh doanh, điện nước. Chưa kể khi mở shop quần áo ở quê chồng cô nàng không có bạn bè, người quen nên không thể cạnh tranh được với các shop đã bán hàng lâu năm xung quanh. Nhiều lúc cô nàng tự hỏi không biết bản thân nên Sống Sao Mới Chuẩn khi đi làm cũng chẳng được mà khởi nghiệp cũng chẳng xong.
Chưa kể bản thân Hương cũng chưa có nhiều kinh nghiệm về nguồn hàng, chưa tìm được mặt hàng đẹp với giá cả hợp lý. Nhiều khi khách vào mua còn chê đắt rồi bảo: “Chị mua online còn rẻ hơn nhà em bán, người ta còn miễn phí ship tận nhà”. Nhưng điều khiến cô nàng hối hận nhất là trước kia khi làm văn phòng Hương còn có ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật hoặc buổi tối có thể cùng chồng lượn lờ phố xá, đi cafe với bạn bè. Nhưng từ ngày mở shop quần áo cô gần như không có ngày nghỉ, càng ngày cuối tuần hay lễ tết càng phải ở quán bán hàng.
Hương vốn dĩ tưởng đây sẽ là công việc nhàn hạ nhưng làm rồi mới thấy nó mất nhiều thời gian như thế nào. Chưa kể những ngày phải đi chợ buôn lấy hàng từ sáng sớm. Cô nàng cũng nghĩ đến chuyện thuê người bán để bản thân có thêm thời gian nghỉ nhưng tiền lãi chẳng đủ tiền thuê. Vậy là sau gần 1 năm mở shop Hương đành quyết định sang nhượng lại cửa hàng.
“Trong gần 1 năm mình mở quán chưa có tháng nào tiền lãi bằng tiền lương đi làm văn phòng. Ngay cả tháng Tết Nguyên Đán mình cũng chỉ bán lãi được 10 triệu đồng. Sau khi trừ đi tiền thuê nhà thì chỉ còn vỏn vẹn 5 triệu đồng. Nghĩ đến cảnh 1 năm qua chôn chân ở quán mà mình thấy hối hận”.
Anh Hùng (32 tuổi) cũng cảm thấy vô cùng hối hận sau quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp. Chàng trai đầu tư vào một thương hiệu nhượng quyền có tiếng. Số tiền vốn bỏ ra lên tới hơn 1 tỷ đồng. Trong đó có 300 triệu đồng là Hùng vay mượn của bố mẹ và bạn bè. Thời gian đầu mới mở quán cũng khá đông khách, doanh thu cũng tương đối ổn. Tuy nhiên, sau một thời gian thì lượng khách thưa thớt dần.
Mỗi tháng anh Hùng phải gồng mình chi trả gần 30 triệu đồng cả tiền thuê mặt bằng, điện nước và thuê nhân viên. Chỉ duy nhất 3 tháng đầu là anh chàng lãi được 10-15 triệu đồng/1 tháng. Những tháng tiếp theo hầu hết là hòa vốn hoặc phải bù lỗ thêm. Sau 8 tháng gắng gượng anh Hùng có đăng bài sang nhượng lại cửa hàng nhưng cũng không có người hỏi. Miệt mài sang nhượng cả tháng mới có 1 người hỏi thì lại ép giá rẻ quá nửa. Nếu đồng ý sang nhượng lại thì chỉ trong vòng 8 tháng anh chàng đã lỗ 600 triệu đồng chưa kể các chi phí phát sinh. Nhưng nếu không sang nhượng lại thì anh Hùng tháng nào cũng phải bù lỗ, khó mà duy trì được.
Cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn
Trên thực tế chẳng có công việc nào kiếm ra tiền mà nhàn hạ cả. Mỗi công việc đều có những áp lực và trách nhiệm phải hoàn thành riêng. Người ta vẫn nói công việc này người ở ngoài muốn vào, người ở trong lại muốn chui ra. Khi bạn là nhân viên bạn chỉ cần phụ trách một số đầu việc nhỏ trong cả một bộ máy lớn đã cảm thấy chán nản, mệt mỏi thì rất khó có thể làm chủ được. Bởi khi đứng mũi chịu sào ngoài việc phải lo nguồn tiền, vốn xoay vòng còn có việc quản lý nhân sự, xây dựng hình ảnh truyền thông, không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, nguồn hàng, xử lý khủng hoảng,...
Chính vì thế, trước khi quyết định nghỉ một công việc đang ổn định để khởi nghiệp các bạn cần cân nhắc thật kỹ lưỡng. Bởi nếu bạn dư dả tài chính có thể bỏ tiền ra để thử, sẵn sàng thất bại để có bài học thì không sao nhưng nếu bạn coi nó là việc bắt buộc phải thành công thì rất khó. Hiếm có người nào ngay từ ngày đầu khởi nghiệp đã thành công khi chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu bạn đã quyết định thì phải theo đuổi đến cùng, không nản lòng nhụt chí.
Khi thấy hướng đi ban đầu không hiệu quả thì hãy ngay lập tức thay đổi hình thức kinh doanh, đổi mới sản phẩm, đẩy mạnh truyền thông. Nếu bạn bỏ cuộc ngay từ khi thấy khó khăn thì chắc chắn việc khởi nghiệp này đã được định sẵn là sẽ thất bại. Những thông tin này các bạn có thể tham khảo thêm trên YAN để có thêm căn cứ để cân nhắc trước khi lựa chọn.
Ngoài ra, trước khi kinh doanh với bất cứ ngành nghề gì bạn cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Trước tiên là về thị trường có nhu cầu về nó không, có những đơn vị nào cạnh tranh, có thể bán với hình thức gì, cần bao nhiêu vốn, sau bao lâu thì có thể hòa vốn, lựa chọn mặt bằng như thế nào, quản lý nhân sự ra sao,... Đừng để nghỉ việc khởi nghiệp trở thành trào lưu và nhanh chóng thất bại, vừa mất việc vừa ôm một khoản nợ. Đến lúc đó bạn sẽ mất đi cơ hội thăng tiến ở công việc cũ, mất hết cả vốn liếng ban đầu. Do đó hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi quyết định, đừng ngại tham khảo tư vấn của người thân và bạn bè xung quanh.
Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé. Và đừng quên theo dõi Camera Xóm để cập nhật thêm nhiều tin tức đời sống xã hội thú vị.
Sau một vài năm làm công ăn lương có một số vốn nhất định nhiều người mong muốn khởi nghiệp để làm giàu. Tuy nhiên, không phải ai đổ tiền vào đầu tư, kinh doanh cũng có thể thành công. Nhất là với những người đang có công việc ổn định sẵn sàng nghỉ việc để đầu tư sẽ khá mạo hiểm. Biết rằng làm ăn là phải chấp nhận rủi ro nhưng bạn cũng cần cân nhắc thật kỹ lưỡng. Đừng chỉ vì những chán nản nhất thời mà quyết định ném tiền qua cửa sổ.
Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !