Nghi vấn lộ đề toán: đã mời công an xác minh; Bộ GD-ĐT nói gì về đề thi khó hơn năm trước?
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, việc ra đề thi tốt nghiệp THPT đã cân nhắc đến ảnh hưởng của COVID-19, tuy nhiên nhiều giáo viên cho rằng đề thi có tính phân hóa cao hơn, có đề khó hơn năm 2021. Điều này có trái với định hướng ban đầu?
Chiều 8-7, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 ngay sau khi môn thi cuối cùng kết thúc.
Bộ GD-ĐT: Đề thi đánh giá trên diện rộng với học sinh các vùng miền khác nhau
Nhận định thí sinh năm nay là đối tượng rất đặc biệt, chịu ảnh hưởng của 3 năm xảy ra dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ GD- ĐT cho biết đề thi tốt nghiệp THPT được ra theo hướng phù hợp với tình hình dạy học, chia sẻ với những khó khăn của thí sinh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề thi ở tất cả các môn đều có tính phân hóa cao hơn. Một số đề thi được cho rằng khó hơn năm 2021. Điều này có trái với định hướng ban đầu?
Trả lời câu hỏi này của Tuổi Trẻ Online , ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - cho rằng: Chia sẻ với khó khăn của nhà trường và học sinh khi phải thay đổi hình thức dạy học vì dịch COVID-19, bộ đã điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản một phần nội dung, chỉ tập trung dạy học kiến thức, kỹ năng cốt lõi. Đề thi tốt nghiệp THPT không ra vào nội dung đã tinh giản.
Tuy nhiên, đề thi vẫn phải xây dựng trên ma trận do bộ quy định. Ma trận này gồm có 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Việc áp dụng ma trận này vào đánh giá học sinh đã được triển khai từ nhiều năm nay trong dạy học và trong xây dựng đề thi tốt nghiệp THPT.
Phần lớn nội dung đề thi năm nay bám sát kiến thức cơ bản và ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Phần vận dụng, vận dụng cao chiếm tỉ lệ ít hơn. Theo ông Thành, đây là định hướng cần thiết để đánh giá một cách khách quan trên diện rộng với các đối tượng học sinh ở các vùng miền khác nhau.
"Mục đích của kỳ thi không chỉ là xét tốt nghiệp hay tuyển sinh mà còn là căn cứ để đánh giá chất lượng dạy học, điều chỉnh những bất cập về chất lượng giáo dục được nhìn thấy qua kết quả thi", ông Thành chia sẻ.
Nghi vấn lộ đề toán: đã mời công an xác minh
Về những tin đồn lộ đề, ông Lê Mỹ Phong - phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - khẳng định: Cho đến thời điểm này (sau khi kết thúc kỳ thi), chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
Theo ông Phong, năm nay đã siết chặt việc để thí sinh mang đề thi ra ngoài khi chưa hết 2/3 thời gian làm bài. Ở các môn thi tổ hợp, thí sinh chỉ dự thi các môn thành phần của bài thi tổ hợp, sau khi làm bài xong phải nộp lại đề thi trước khi ra khỏi phòng thi.
Về nghi vấn lộ đề thi toán khi có một đề thi giống với đề thi chính thức của bộ đăng trên mạng xã hội trong khi đang diễn ra kỳ thi, Bộ GD-ĐT cho biết đã mời công an xác minh sự việc này.
Riêng về tin đồn "lộ đề văn", bộ khẳng định "không có chuyện lộ đề" mà chỉ là thông tin dự đoán tên tác phẩm có trong đề thi. Với thực tế chương trình lớp 11, 12 chỉ có chục tác phẩm nằm trong phạm vi ra đề thi ngữ văn, theo đại diện Bộ GD-ĐT, xác suất có thể lớn khi cùng lúc có nhiều người đồn đoán.
Về điều này, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng "điều quan trọng là đề thi đưa ra ngữ liệu nào, câu lệnh nào để kiểm tra năng lực học sinh. Vì nếu thí sinh không học, không có kỹ năng làm bài tốt thì cho dù biết tên tác phẩm cũng khó đạt được kết quả tốt".
Giải thích của Bộ GD-ĐT về "tin đồn lộ đề văn" chưa thỏa mãn báo chí tại cuộc họp báo vì cho dù không có chuyện "lộ đề" thì việc hằng năm những tin đồn xung quanh đề văn luôn gây tâm lý tiêu cực cho thí sinh. Thực tế đó đòi hỏi việc đổi mới ra đề thi nói chung và đề văn nói riêng cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Mang điện thoại vào phòng thi vì... không có người trông đồ?
Tại cuộc họp báo, Bộ GD-ĐT công bố có 44 thí sinh trong tổng số 50 thí sinh bị đình chỉ thi vì lỗi mang điện thoại vào phòng thi.
Một phóng viên cho biết một điểm thi tại Hà Nội có tình trạng không có người trông đồ dùng, tư trang của thí sinh. Tại đây, một thí sinh bị đình chỉ thi do lỗi mang điện thoại vào phòng thi đã cho rằng "vì sợ mất điện thoại nên đã không để vào túi xách mà mang theo vào phòng thi".
Trao đổi lại, ông Lê Mỹ Phong cho rằng "lý do đó không thể chấp nhận được".
Việc quy định vật dụng được phép và không được phép mang vào phòng thi đã quy định trong quy chế thi hiện hành. Điều này thí sinh khi được phổ biến quy chế phải nắm được.
Bộ cũng yêu cầu các ban chỉ đạo phải tăng cường phổ biến, nhắc nhở thí sinh để ngăn ngừa việc vi phạm ngay từ đầu, tránh cho thí sinh hậu quả đáng tiếc phải hủy kết quả thi, đình chỉ thi.
Tuy nhiên với phản ánh trên, ông Phong cho biết sẽ kiểm tra thông tin từ ban chỉ đạo thi Hà Nội.
Theo quy định mới năm nay, thí sinh phải để đồ dùng, tư trang ở vị trí cách phòng thi tối thiểu 25 mét. Đây là khuyến cáo của cơ quan an ninh nhằm ngăn ngừa việc gian lận thi bằng thiết bị tinh vi được giấu trong đồ dùng tư trang của thí sinh để ở ngoài phòng thi.
Tuy nhiên, do nhiều điểm thi chật hẹp, thiếu nhân lực nên việc thực hiện quy định này gặp khó khăn. Đây cũng là việc mà lãnh đạo bộ cho rằng sẽ phải rà soát, rút kinh nghiệm cho việc tổ chức kỳ thi năm sau.
Chiều 8-7, theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, trong hai ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có 50 thí sinh bị xử lý kỷ luật ở mức cao nhất là đình chỉ thi.