Nghỉ Tết, sao không dùng công thức thay cho phương án?
Có lẽ trên thế giới không có nhiều nước mà mỗi năm các bộ trong chính phủ phải họp bàn, xây dựng phương án nghỉ lễ, nghỉ Tết như Việt Nam. Cái rối rắm của phương án là doanh nghiệp và người dân hoàn toàn bị động ngồi chờ, năm nào cũng phải chờ có phương án thì mới lên kế hoạch cá nhân hay kế hoạch kinh doanh được. Tại sao không chọn cách làm dễ hơn?
Nghỉ Tết, sao không dùng công thức thay cho phương án?
“Chốt trình phương án nghỉ 7 ngày dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023” là tựa bài báo Tuổi Trẻ ngày 26-9. Trong bài có đoạn “Trên cơ sở đồng tình từ nhiều bộ, ngành, ngày 26-9, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã báo cáo tổng hợp góp ý về thời gian nghỉ Tết âm lịch 2023 lên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để trình Chính phủ xem xét”.
Khi đọc bản tin này, người viết nghĩ ra lời bình nhại theo câu mở đầu trong truyện ngắn bất hủ “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh: “Hằng năm cứ vào cuối hè, khi lá ngoài đường còn chưa rụng, lòng tôi lại nao nức hoang mang đón chờ phương án nghỉ Tết”.
Mà quả thật là người dân không tránh khỏi hoang mang mỗi lần phương án nghỉ Tết được đưa ra bàn bạc. Như năm nay chẳng hạn, khi góp ý phương án thì Bộ Nội vụ thống nhất phương án nghỉ 7 ngày trong khi Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị nghỉ 8 ngày còn Bộ Tài chính đề xuất cho nghỉ 9 ngày.
Lý giải về việc năm nào cũng phải xây dựng phương án nghỉ Tết này, Cục An toàn lao động cho biết căn cứ theo , cục phải xây dựng dự thảo các phương án nghỉ Tết âm lịch và Quốc khánh 2-9 để xin ý kiến các bộ ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng quyết định.
Cục này cũng giải thích thêm “Lịch nghỉ Tết Nguyên đán không cố định qua các năm do cơ quan chuyên môn phải căn cứ các điều kiện kinh tế – xã hội, từ đó đề xuất phương án nghỉ lễ linh hoạt, hài hòa nhất”. Theo lý giải của đơn vị xây dựng phương án nghỉ Tết thì lịch nghỉ này chủ yếu hướng tới khối công chức, viên chức nhà nước”, còn doanh nghiệp thì được chủ động phương án nên không ảnh hưởng nhiều.
Tuy nhiên, trên thực tế thì doanh nghiệp không dễ dàng xếp lịch nghỉ khi có nhiều quy định liên quan đến giao dịch với cơ quan nhà nước phải hoàn thành mới dám nghỉ Tết vì đó là thời điểm liên quan đến báo cáo, tổng kết năm. Khi cơ quan nhà nước chưa nghỉ Tết thì doanh nghiệp cũng không dám nghỉ Tết nếu chưa hoàn thành các giao dịch định kỳ.
Với các doanh nghiệp có làm ăn với nước ngoài, vì lịch nghỉ Tết phải chờ nên sẽ có những hợp đồng, giao dịch doanh nghiệp không thể chủ động trả lời là thời điểm đó có làm được hay không vì chưa có lịch nghỉ Tết.
Về phía người dân, việc lên kế hoạch cá nhân trong kỳ nghỉ Tết phụ thuộc vào nơi họ làm việc. Khi doanh nghiệp chưa có lịch thì nhân viên cũng phải chờ theo, đó là cái vòng lẩn quẩn không tránh khỏi.
Tại một cơ quan mà người viết bài này đã làm việc, doanh nghiệp chủ động xếp lịch nghỉ Tết cố định rất thuận tiện cho nhân viên là cơ quan sẽ họp mặt tất niên vào ngày 25 và nghỉ từ 26 Tết. Lịch nghỉ này giúp nhân viên chủ động trong mọi kế hoạch cá nhân liên quan đến nghỉ Tết như đi du lịch, mua vé tàu xe. Đối với các bộ phận kinh doanh hay có giao dịch với nước ngoài, lịch nghỉ cố định giúp xác định ngay từ đầu thời điểm giao dịch có phù hợp hay không.
Rõ ràng, việc áp dụng một công thức lịch nghỉ Tết cố định, ví dụ như nghỉ 7 ngày (cộng thêm 2 ngày nếu trong kỳ nghỉ có ngày thứ Bảy, Chủ nhật), bắt đầu từ ngày 26 hoặc 27 Tết sẽ thuận tiện cho toàn xã hội. Thay vì phải chờ lịch nghỉ Tết như hiện nay, người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng lên kế hoạch cho mình với lịch nghỉ Tết cố định.
Nhà nước cũng cần quan tâm đến nhu cầu người dân để cho nghỉ Tết sớm hơn thay vì xếp lịch đến 28, 29 Tết mới cho nghỉ. Lịch nghỉ sớm sẽ cho họ có thời gian chuẩn bị, mua sắm Tết thay vì phải “ăn gian” giờ làm việc để giải quyết việc riêng trong thời điểm cận Tết.
Đó là chưa kể, việc lấy ý kiến phương án nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ Tết Nguyên đán như hiện nay cũng gây tốn không ít thời gian, giấy mực của nhiều bộ ngành để họp hành, soạn thảo văn bản góp ý.
Việc dùng công thức lịch nghỉ Tết cố định thay cho phương án nghỉ Tết Nguyên đán thay đổi hàng năm sẽ giúp thuận tiện hơn rất nhiều cho toàn xã hội. Lịch nghỉ cố định giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm công sức và không bỏ lỡ các cơ hội làm ăn với nước ngoài.
Dù phải căn cứ theo Bộ luật Lao động nhưng nếu qua thực tế áp dụng quy định chưa khớp với thực tế thì việc điều chỉnh là bình thường. Với vai trò chuyên môn của mình, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoàn toàn có thể soạn thảo một văn bản dưới luật quy định công thức nghỉ Tết Nguyên đán và lễ Quốc khánh cố định để Chính phủ và Quốc hội thông qua và ban hành.
Mục Nhĩ
TBKTSG