Nghỉ Tết dương, nghĩ đến những ngày Tết âm

Chia sẻ Facebook
02/01/2024 06:59:00

Thời gian nghỉ Tết dương ngắn hơn nghỉ Tết âm (Tết nguyên đán), cứ như thể đó chỉ là sự “nháp” cho những ngày nghỉ/ ăn/ chơi cái Tết cổ truyền của dân tộc vậy. Nhưng trong chính những ngày nghỉ Tết dương này, nghĩ đến cái Tết âm sắp đến - chừng hơn một tháng nữa – và nhớ về những cái Tết âm vài năm gần đây với bao bực dọc nảy sinh do sự xung đột giữa cũ (phong tục đón Tết truyền thống) và mới (thói phàm của xã hội tiêu dùng hiện đại), tôi bỗng... giật mình kinh sợ. Thôi thì cứ tạm kê ra đây vài nỗi, biết đâu sẽ có người đọc và thấy có thể chia sẻ được.

Chẳng hạn, tôi vốn là người ưa rượu, thích rượu, nhưng quả thực tôi không thể uống nổi trong những cuộc nhậu xóm/ khu dân cư vào dịp cuối hoặc đầu năm (âm lịch), khi người ta mổ lợn mổ bò liên hoan, chèo kéo rủ rê nhau ngồi đánh chén và chém gió – nói chữ là “trảm phong” - suốt buổi, thỉnh thoảng lại gào lên “một, hai, ba dzô”, ầm ầm như đang trong cơn động rừng. Bây giờ ở nhiều chung cư nơi các đô thị lớn, ngày Tết, người ta còn trải chiếu ngồi tràn cả ra hành lang chung mà đánh chén, như thể nỗ lực “xóm hóa chung cư” vậy. Ấy thế nhưng điều oái oăm là, những cuộc rượu Tết như thế, ai không tham gia sẽ rất dễ bị mang tiếng là kẻ khủng khỉnh, thiếu tinh thần tập thể.

Lại nữa, tôi vốn thích kết giao bạn bè, nhưng càng ngày tôi càng thấy mình không thể chịu được cái cảnh phải có mặt trong một nhóm đông, cứ kéo nhau đi chúc Tết hết nhà này sang nhà khác, gõ cửa hoặc bấm chuông bằng được mới thôi, bất kể chủ nhà ngủ hay thức, khỏe hay mệt, thậm chí có muốn tiếp khách hay chỉ mong khách mau mau... cuốn xéo.

Nhiều lần để ý, thấy ối vị chủ nhà – cũng có khi là chính mình – nhọc lắm nhưng vẫn cứ phải miễn cưỡng ra bàn pha trà mời nước các vị, nói chúc Tết dăm ba câu theo những công thức cũ mòn. Thế thì hỏi vui nỗi gì không biết?

Nghĩ cho cùng, ngày Tết sẽ là ngày nghỉ hay ngày thân xác bị hành vào những giao đãi nhân danh tập tục, là do tự mình cả. Nói lời chúc Tết thì chỉ cần một cú điện thoại, một tin nhắn, hoặc một dòng trạng thái trên facebook là đủ.

Việc đến nhà thăm hỏi nhau, hãy giành cho người cao tuổi trong họ tộc hoặc bạn bè anh em quá lâu không gặp (nhưng rất cần phải đặt lịch trước và đừng bao giờ ngồi dài để nói những câu chuyện dai nhanh nhách).

Ảnh minh họa.

Tục mừng tuổi bằng tiền cũng vậy, nhất là mừng tuổi cho trẻ con, nghĩ cũng nên dẹp dần. Bởi vì người nọ cho tiền con cái người kia, ai cũng cho và đứa trẻ nào cũng nhận, nên quay qua quay lại là... hòa, chỉ có mấy đồng bạc phải mất công chạy từ cái ví túi này sang cái ví kia. (Thật ra thì mừng tuổi, tức “lợi thị”, đọc theo âm Quảng Đông là “lì xì”, vốn để chỉ hành vi của người trên, người giàu, người chủ với kẻ dưới, người nghèo, kẻ làm công cho mình. Ngày Tết, người ta mừng tuổi nghĩa là cho ai đó khó khăn hơn mình một món tiền tương đối, đủ để giải quyết một công chuyện nào đấy. Nguyên ủy là vậy, nhưng đến lúc nó thoái hóa biến tướng thì một anh kiết xác vẫn có thể rút tiền mừng tuổi lung tung cả, để tỏ vẻ mình chẳng cạnh kém ai).

Nếu thế, thì biết làm gì vui trong mấy ngày Tết âm nghỉ dài? Nhiều người chọn cách đi du lịch, lên núi hoặc xuống biển, thậm chí ra nước ngoài. Nhiều người ngại đi thì trung thành ôm cái tivi, xem hết kênh này sang kênh khác. Nhưng theo tôi, hay nhất vẫn là đóng cửa đọc sách. Do là rất nhiều cuốn sách trong năm ta chưa kịp sờ tới: vì chúng dày quá, vì ta còn phải đọc những cuốn sách khác cần hơn cho công việc v.v và v.v... Vậy thì đọc đi, trong mấy ngày Tết âm. Đọc sách, đầu óc không nở dọc ắt cũng sẽ nở ngang, còn hơn long nhong ngoài đường ngắm những dây đèn màu nhằng nhịt nhức con mắt, hoặc ngồi xuống những bộ xô-pha xa lạ rồi nói những câu chúc Tết ráo hoảnh cứ như rơi rớt từ các thế kỷ nào xa lắm...


*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Chia sẻ Facebook