Nghị quyết 13 kỳ vọng mở ra trang phát triển mới cho ĐBSCL

Chia sẻ Facebook
21/04/2022 06:36:15

Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết 13 về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.


Đẩy mạnh liên kết vùng ĐBSCL


Nghị quyết 13 được kỳ vọng sẽ mở ra một trang phát triển mới cho khu vực ĐBSCL . Đây là vùng nhiều tiềm năng, lợi thế lớn nhưng sự phát triển chưa tương xứng và một trong những khó khăn, rào cản đó là liên kết vùng, tiểu vùng chưa hiệu quả.

Nếu như ở Đồng Tháp có biểu tượng của con cá tra thì cách đó con sông Tiền, An Giang có biểu tượng của con cá ba sa. Theo định hướng về phát triển vùng ĐBSCL, An Giang, Đồng Tháp sẽ trở thành trung tâm về nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo của cả vùng và cả nước.

Tại An Giang, diện tích nuôi cá là hơn 1.400 ha, với sản lượng thu hoạch gần 400.000 tấn và xuất khẩu đi hơn 100 thị trường.

Năm ngoái, giá trị tổng sản phẩm ngành nông nghiệp của khu vực ĐBSCL chiếm hơn 31% cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực như: lúa, cá, tôm, trái cây… Tuy nhiên, liên kết của vùng chưa chặt chẽ là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng bị chậm.

"Sự liên kết giữa các địa phương, sự phát triển của các địa phương có sự xung đột, mỗi địa phương theo đuổi sự phát triển kinh tế - xã hội riêng của mình, có những cái mâu thuẫn với địa phương bạn xung quanh. Cả vùng chưa có một quy hoạch tổng thể, một chiến lược chung để phát huy được tốt nhất tiềm năng của cả vùng, của tiểu vùng cũng như của từng địa phương. Việc ra đời Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị trong thời gian hiện nay rất quan trọng, tạo ra sự đổi mới lớn cho con đường phát triển của vùng ĐBSCL", ông Lê Quang Mạnh - Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho hay.

Nghị quyết 13 được kỳ vọng sẽ mở ra một trang phát triển mới cho khu vực ĐBSCL. Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Chính phủ.

Nghị quyết của Bộ Chính trị đã "định vị" cho chiến lược phát triển tổng thể của toàn vùng coi ĐBSCL là một thể thống nhất, nhưng cũng đã tổ chức lại không gian các tiểu vùng một cách hợp lý trên cơ sở phát huy tốt nhất lợi thế của cả vùng cũng như từng tỉnh, thành trong khu vực.

Ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết: "Nghị quyết 13 đã chỉ ra dịch vụ phát triển logictis ở Hậu Giang gắn với trung tâm đầu mối tổng hợp ở TP Cần Thơ. Đây là định hướng và cơ sở quan trọng để Hậu Giang tập trung hoàn thiện các dịch vụ logictis trong giai đoạn mới. Hậu Giang sẽ tập trung tăng cường liên kết vùng, liên vùng, tạo không gian để phát triển dịch vụ logictis không những cho Hậu Giang, TP Cần Thơ mà cho cả vùng".

Dù chia tách về địa giới hành chính, nhưng khi 13 tỉnh, thành cùng bắt tay hợp tác và đổi mới tư duy phát triển, nhất là đẩy mạnh liên kết, chắc chắn sẽ tạo một sự cộng hưởng mang tính đột phá để đưa đất "chín rồng" thực sự được cất cánh.


Sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và nước

Thế mạnh lớn nhất của đồng ĐBSCL là phát triển nông nghiệp nhưng nông nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sự suy thoái nghiêm trọng của môi trường tự nhiên. Dù mấy năm gần đây, nhiều giải pháp phát triển bền vững ở vùng châu thổ này đã được triển khai. Kinh nghiệm này đã cho thấy, muốn phát triển nhanh và bền vững vùng đất này phải khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và nước, cùng với chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chuyển từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa trong 1 năm là một trong những giải pháp mà Đồng Tháp và nhiều địa phương khu vực vùng ĐBSCL vận động người dân thực hiện. Quyết tâm khắc phục những bất cập của lối canh tác cũ làm bào mòn sức sống của cả vùng, do vậy phát triển nông nghiệp theo hướng "thuận thiên" là hướng đi chiến lược của nhiều địa phương.

Muốn phát triển nhanh và bền vững vùng ĐBSCL phải khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và nước, cùng với chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Nghị quyết của Bộ Chính trị với một tầm nhìn tổng thể, dài hạn để xử lý thách thức suy giảm nghiêm trọng môi trường sinh thái tự nhiên của vùng.

"Chúng ta phải có một định hướng rõ hơn làm sao để tạo ra sự cộng hưởng và làm sao rõ hơn về tư duy là lấy con người làm trung tâm, lấy nguồn nước là cốt lõi và có những đột phá, đặc biệt đột phá về sản xuất ứng dụng công nghệ cao sản xuất xanh, sản xuất sạch, năng lượng. Về năng lượng tái tạo chúng ta có rất nhiều tiềm năng ở cái vùng ĐBSCL thì phải có những đột phá", PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay.

Khó khăn lớn nhất là các địa phương khu vực này phải đối mặt là sự suy thoái của môi trường. Đất và nước đã bị tác động nghiêm trọng khiến mất đi môi trường sinh thái trù phú.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, rào cản trên cần được giải quyết một cách hiệu quả, để xây dựng ĐBSCL hiện đại, sinh thái, văn minh, phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước.

Chia sẻ Facebook