Nghỉ ngơi lấy đà làm việc nhưng cảm giác tội lỗi ngập tràn
Dù nghỉ ngơi là điều cơ bản mà ai cũng cần để cơ thể tái tạo năng lượng nhưng nhiều người lại thấy tội lỗi, phí thời gian và bản thân đang thiếu trách nhiệm với công việc.
Khi đi làm, những deadline hay dự án kéo dài liên miên làm bạn - một mắt xích trong tập thể bị cuốn theo vòng quay của công việc khiến sức khỏe bị quá tải do làm việc quá sức, nghỉ ngơi, ăn uống không điều độ. Lúc này, nếu có thể, một ngày nghỉ trọn vẹn sẽ là liều thuốc tốt nhất để giúp ta "F5" cơ thể, hồi phục dần để lấy đà tiếp tục "chạy". Song, nhiều người lại có xu hướng tự trách mình và cảm thấy tội lỗi khi phải rời xa chiếc laptop để nghỉ ngơi, điều này không chỉ khiến năng suất làm việc giảm và còn gây hại đến cơ thể vì sau đó họ sẽ nỗ lực làm việc hơn để bù cho những ngày nghỉ.
Nghỉ ngơi trong tội lỗi với đồng nghiệp, công việc
Nhiều người bị "ám ảnh" với công việc, họ chăm chỉ, nhiệt huyết, FOMO (Fear of missing out - nỗi sợ bị bỏ qua những điều xảy ra trong cuộc sống) nên lo lắng không kịp cập nhật bất cứ chi tiết, tiến độ mới của dự án đang làm, hoặc không muốn thua kém người khác. Đối với họ, công việc luôn là sự ưu tiên hàng đầu nên nếu nghỉ ngơi họ sẽ thấy trống trải, bản thân thiếu trách nhiệm rồi lại chìm trong suy tư với cảm giác tội lỗi ngập tràn.
Ngọc Minh (sinh năm 1997, ở Hà Nội) là một content creator (sáng tạo nội dung) cho các dự án. Vì tính chất công việc nên dù là đêm hay ngày, anh vẫn phải luôn tay hoàn thành hết kịch bản này đến kịch bản khác, check tin nhắn của khách hàng để chỉnh sửa kịp thời. Hầu như Minh không có ngày nghỉ, ăn ngủ cũng không điều độ. Có vài lần, anh bị chóng mặt, tụt huyết áp khi đang làm việc, phải về nghỉ ngơi gấp.
Song, Ngọc Minh lại không yên tâm nằm nghỉ dưỡng sức, đầu óc luôn quanh quẩn với công việc. " Mình thấy tội lỗi vì nghỉ ngơi thì đồng nghiệp đang làm, vả lại việc của mình vẫn còn dang dở sẽ ảnh hưởng đến mọi người ", 9X nói. Minh bộc bạch thêm: " Mình biết là không nên nhưng mình không thể cho phép bản thân nghỉ ngơi, thời gian đó trôi qua rất phí trong khi mình có thể xử lý được thêm nhiều thứ. Mình thấy tội lỗi khi nghỉ nên ngay cả lúc mệt, mình vẫn nghĩ đến công việc ".
"Chiến" gấp đôi để bù cho ngày nghỉ - Vòng luẩn quẩn lặp lại
Tương tự, Thu Trang (21 tuổi, ở Hà Nội) cũng không thể sống thiếu công việc, cô làm một lúc tận 3, 4 job. Là người cầu toàn và trách nhiệm, Trang luôn cố gắng để không trễ deadline, làm lỡ lịch trình của người khác. Và hiển nhiên, dù có 3 đầu 6 tay cũng khó có thể một mình cân quá nhiều thứ nên nhiều lúc không thể trụ được, cô phải dành ra vài ngày cho cơ thể nghỉ ngơi. Song, mỗi lần như thế Trang lại nỗ lực gấp đôi khi quay lại làm việc.
Thu Trang tâm sự: " Mình biết tuổi trẻ của mình đang bị rơi vào những vòng luẩn quẩn. Khi quá mệt mỏi thì mình buộc phải nghỉ, lúc nghỉ mình lại thấy nặng lòng hơn vì cảm giác tội lỗi. Và vì quá tội lỗi với bản thân, công việc, khách hàng, mình làm việc với tần suất gấp đôi khi quay trở lại, thế là vòng tròn này lại lặp lại ".
Toxic Productivity - Năng suất độc hại
Cảm giác tội lỗi khi không thể cống hiến cho công việc là một biểu hiện của Toxic Productivity - Sự năng suất độc hại. Nhận thấy hiện tượng này khá phổ biến đối với những người đi làm, đặc biệt là giới trẻ, Advertising Vietnam đã mở một cuộc khảo sát trên LinkedIn (trang mạng định hướng kinh doanh có trụ sở tại Mỹ) với câu hỏi “ Đâu là dấu hiệu điển hình của hiện tượng 'Toxic Productivity'? ". Kết quả, 59% người tham gia chọn “Cảm thấy tội lỗi khi nghỉ ngơi”, 23% chọn “Ưu tiên công việc hơn tất cả”.
Toxic Productivity là khi bạn tư duy rằng phải làm việc liên tục, cảm thấy mình không thể nghỉ ngơi hoặc phí thời gian cho thứ gì khác ngoài công việc. Bạn sẵn sàng hy sinh giấc ngủ, bữa ăn, thời gian cho riêng bản thân hay những cuộc hẹn với gia đình, bạn bè chỉ vì tâm trí bạn chỉ có công việc. Hậu quả, năng suất làm việc cũng như khả năng sáng tạo của bạn giảm sút.
Mỗi lần tự trách mình khi nghỉ ngơi, thay vì nghĩ về công việc, hãy xem xét liệu cảm giác tiêu cực đó có đúng đắn hay không. Nghỉ ngơi không phải là đang lãng phí thời gian mà là cách để tái tạo năng lượng và tăng cường hiệu suất làm việc. Tự thưởng cho bản thân 1 ngày nghỉ cũng là phần quan trọng của quá trình làm việc, điều này sẽ giúp bạn thoải mái hơn và giảm bớt cảm giác tội lỗi không đáng có.
Mặt khác, chủ động tạo lịch trình hợp lý với thời gian làm và nghỉ cân đối, đảm bảo bạn có thể tập trung xử lý công việc và phục hồi, thư giãn đầu óc. Chăm sóc bản thân thật tốt, như tập thể dục, thư giãn, đọc sách, nghe nhạc, đi dạo,... cũng là cách để tái tạo năng lượng và đem đến hiệu quả tốt hơn khi làm việc.
Tóm lại, nhiệt huyết với công việc là điều đáng hoan nghênh, nhưng đừng nên sống chỉ để làm việc. Dù đi học, đi chơi hay đi làm, ai cũng cần có khoảng thời gian nghỉ ngơi, nhất là khi có quá nhiều việc cần làm hoặc áp lực đang đè nặng lên bạn và đây là lẽ hiển nhiên nên không nên để bản thân cảm thấy tội lỗi bạn nhé.
Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào, hãy để lại bình luận phía bên dưới nhé. Và đừng quên cùng yan.vn cập nhật thêm những tin tức hấp dẫn về đời sống và xã hội!
Cảm giác tội lỗi khi nghỉ ngơi, không làm việc khá phổ biến trong giới trẻ. Điều này xảy ra khi bạn có nhiều việc cần làm, áp lực công việc đang đè nặng lên vai mình hoặc đặt nhiều kỳ vọng vào bản thân. Cảm giác này sẽ khiến bạn không thể hoàn toàn thư giãn và tận hưởng thời gian riêng của mình vì lo lắng về những gì còn chưa hoàn thành. Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng nghỉ ngơi và thư giãn là cần thiết để duy trì sức khỏe và tăng cường hiệu suất làm việc. Hãy cân nhắc đánh giá lại quan điểm của mình và tìm cách giải tỏa cảm giác tội lỗi bằng cách tạo ra một sự cân bằng hợp lý giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi bạn nhé!
Xem thêm những bài viết tương tự TẠI ĐÂY