Nghị lực vượt lên chính mình của 10X với chiếc chân giả

Chia sẻ Facebook
02/10/2022 12:38:57

Từ cô gái bình thường bỗng phải mang chân giả suốt đời, 10X có lúc muốn buông xuôi nhưng sau cùng đã cố gắng vượt lên chính mình và tiến về phía trước.


Mẹ tôi đã động viên tôi rằng hãy vì mẹ mà sống tiếp, đừng từ bỏ vì còn nhiều điều phía trước mà tôi có thể làm, đừng bỏ cuộc hay sợ hãi vì còn mẹ ở bên. Sự động viên của mẹ đã cho tôi ý chí để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật và tiếp tục hành trình còn dang dở ”, đó là lời chia sẻ của nữ sinh Nguyễn Thanh Trà My (18 tuổi, ở huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) - cô gái vượt lên nghịch cảnh với chiếc chân giả. Tưởng chừng như đã có lúc muốn buông xuôi mọi thứ nhưng sau tất cả, My đã cố gắng chiến đấu với bệnh tật để có thể tiến lên phía trước, sống thật tốt.

Với chiếc chân giả, Trà My tưởng chừng có lúc muốn buông xuôi tương lai. (Ảnh: Thanh Niên)

Thanh Niên viết, Trà My vốn dĩ sinh ra trong cơ thể trọn vẹn nhưng đến năm lớp 11, cô bạn bị sưng tấy và đau nhức chân liên miên. Sau vài lần đi khám, My nhận được chẩn đoán bị u xương và khối u ác tính này đã “ăn” vào một phần xương của cô.

Vận động, sinh hoạt bằng chân giả rất khó khăn. (Ảnh minh họa: Ấp Bắc/Thời Báo Khoa Học)


Nhớ lại thời gian phát hiện ra bệnh, My kể: " Các bác sĩ ở bệnh viện cho mình hóa trị để xem khối u có nhỏ lại hay không nhưng không có kết quả nên kết luận cuối cùng là buộc phải phẫu thuật bỏ chân để giữ lấy tính mạng, nếu không thì khối u sẽ di căn lên phổi ”. Vậy là suốt năm lớp 12, cô bạn phải đi bệnh viện điều trị liên tục, học kỳ đầu gần như không thể học được gì.

10X từng có khoảng thời gian khó khăn chiến đấu với bệnh tật. (Ảnh: Thanh Niên)


Ban đầu, cứ 3 tuần My lại phải đi hóa trị 1 lần, nhưng sau khi thực hiện phẫu thuật thì rút ngắn còn 2 tuần/lần. “ Thời điểm đó, tóc tôi rụng dần, vuốt ra là rơi hết. Thể trạng cũng yếu nên không đi được, phải ngồi xe lăn một khoảng thời gian dài ”, cô bạn kể.

Bệnh tật không chỉ ảnh hưởng đến thể trạng mà còn phá tan giấc mơ theo học ngành sân khấu của My. Điều này khiến cô bạn suy sụp và đau đớn vô cùng, thậm chí còn có lúc cô nghĩ sẽ dừng việc học. Tuy nhiên, dù mệt mỏi thế nào, My vẫn nghĩ đến mẹ làm động lực để cố gắng đến trường và ôn luyện cho kỳ thi đại học.

Trà My từng tham gia rất nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại trường và đạt được rất nhiều thành tích. (Ảnh: Thanh Niên)


" Sự động viên của mẹ đã cho tôi ý chí để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật và tiếp tục hành trình còn dang dở ”, 10X chia sẻ. Bên cạnh đó, nhìn sang các bạn cùng lớp chăm chỉ ôn thi mỗi ngày,  My cũng được truyền thêm động lực để tiếp tục hành trình học tập còn dang dở.

Vài tháng sau khi phẫu thuật, Trà My được gắn chân giả. Ban đầu, vết thương vẫn còn đau và chân giả khá nặng khiến cô bạn đi lại rất khó khăn. Phải mất đến 5 tháng, cô mới quen với "chiếc chân thép" và tập trung hơn cho việc học.

Hiện tại, Trà My đã chấp nhận những gì mình trải qua với “chiếc chân thép”. (Ảnh: Thanh Niên)


Hiện tại, sau thời gian mạnh mẽ chiến thắng bệnh tật và vượt lên chính mình, My đã trúng tuyển vào ngành kế toán, trường đại học Văn Lang, sẵn sàng đón nhận những thử thách và cơ hội phía trước như các bạn khác. My tâm sự sẽ tham gia các câu lạc bộ nghệ thuật tại trường như một cách để theo đuổi đam mê của mình. " Thay đổi của tôi hiện tại là phải đi chân giả từ đây đến suốt cuộc đời, nhưng sự thay đổi lớn nhất chính là tôi thấy mình mạnh mẽ hơn vì đã vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể đánh bại được. Tôi chấp nhận những gì mình đã cố gắng và đang có của bản thân ở hiện tại ”, Thanh Niên dẫn lời Trà My.

Cô bạn vẫn sẽ theo đuổi đam mê của mình bằng cách khác. (Ảnh: Thanh Niên)

Trước đó, dân tình cũng từng chia sẻ câu chuyện về anh Nguyễn Xuân Ngọc (sinh năm 1999, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) cũng có hoàn cảnh tương tự như Trà My nhưng đã vùi những đớn đau bằng mồ hôi tại phòng gym để trở thành một con người mới: khỏe mạnh, lạc quan và tích cực. Zing News viết, sự cố năm lớp 7 khiến anh Ngọc vĩnh viễn không còn đôi chân. Bố mất sớm, mẹ lại ốm đau liên miên, đã có lúc anh muốn từ bỏ cuộc sống để không còn là gánh nặng của gia đình.

Nguyễn Xuân Ngọc không may mất đi đôi chân khi còn đang học cấp 2 (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Thế nhưng dần dần, suy nghĩ của Ngọc đã thay đổi vì anh thấy bản thân vẫn còn may mắn khi mất đôi chân nhưng vẫn tỉnh táo và vận động được bình thường. Anh trở lại việc học, tự cố gắng vệ sinh cá nhân, làm việc nhà giúp mẹ và tập quen với việc sử dụng chân giả. Để rèn luyện sức khỏe, anh đã quyết tâm tập gym. Sau này, anh đạt được cơ thể lý tường, theo đuổi công việc liên quan đến thể hình, tích cực đăng tải những hình ảnh trẻ trung, khỏe mạnh, thần thái tươi tắn của bản thân và truyền cảm hứng tập luyện thể thao đến nhiều người hơn.

Anh tranh thủ tập luyện sức khỏe để mạnh mẽ hơn (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Nhờ đó, anh sở hữu được thân hình khỏe khoắn, tinh thần cũng vui vẻ hơn và truyền cảm hứng tập luyện thể thao đến nhiều người. (Ảnh: FB X.N.)

Câu chuyện về Trà My hay anh Ngọc đã đưa đến cho mỗi chúng ta một góc nhìn khác về cuộc sống. Thay vì than vãn, oán trách số phận, chỉ cần chúng ta nỗ lực, kiên trì thì không gì là không thể.


Còn rất nhiều những câu chuyện tốt đẹp đang chờ đợi bạn tại YAN ! Hãy cùng đón đọc nhé!

Từ câu chuyện của Trà My và anh Xuân Ngọc, có thể thấy mang một cơ thể không lành lặn là sự thiệt thòi vô cùng lớn với những người bị khiếm khuyết do bẩm sinh hay bệnh tật. Dẫu vậy, điều đó cũng không thể làm họ nản lòng và từ bỏ cuộc sống tốt đẹp đang chờ phía trước. Người ta hay nói "cánh cửa này đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra", cơ hội sẽ xuất hiện nếu ta nỗ lực tìm kiếm và quyết tâm vượt lên chính mình.


Xem thêm những bài viết tương tự TẠI ĐÂY

Chia sẻ Facebook