Nghi hoặc vấn vương “công nghiệp văn hóa”
“Chữ nghĩa bỗng dưng cũng theo mốt, cũng là thời trang, thấy thinh thích hay hay thì dùng thành phong trào. Chữ “văn hóa” hay được dùng như một chữ làm sang".
Trong tập tiểu luận “ Lang thang trong chữ ” của nhà văn Hồ Anh Thái (NXB Trẻ, 2016) có bài “ Chữ nghĩa thời thượng trớ trêu ”, mà giờ đây đọc lại, tôi càng thấy một mối nghi hoặc vấn vương lâu nay của mình thêm có cơ sở để tiếp tục... vấn vương nghi hoặc. Mối nghi hoặc ấy tôi sẽ nêu sau, còn lúc này, ta hãy xem ông nhà văn kiêm nhà ngoại giao có thâm niên nói thế nào về cái chứng tạm gọi là “dùng từ để làm sang”:
“ Chữ nghĩa bỗng dưng cũng theo mốt, cũng là thời trang, thấy thinh thích hay hay thì dùng thành phong trào. Chữ “văn hóa” hay được dùng như một chữ làm sang. “Văn hóa trồng trọt”, “văn hóa chăn nuôi”... Rồi nói đến ngành nào cũng dùng một cụm từ: “ngành công nghiệp”. Dịch từ chữ industry sang. Nếu phải dịch chữ các bộ các ngành sang tiếng Anh, hẳn phần nhiều đều dịch được là ministries and industries. Vậy chữ industry rất nhiều khi vào tiếng Việt chỉ có nghĩa là ngành, ngành điện ảnh, ngành nuôi cá nước ngọt. Nói là ngành công nghiệp điện ảnh không sai nhưng thừa, ngành điện ảnh hoặc công nghiệp điện ảnh là đủ ”.
Thực tế là, ít nhất, kể từ sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký quyết định số 1755/ QĐ-Ttg (ngày 8 tháng 9 năm 2016) phê duyệt “ Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ” thì việc dùng cụm từ “ngành công nghiệp văn hóa” đã trở nên rất phổ biến, trên mặt báo và trong đủ loại giấy tờ hành chính thuộc mảng văn hóa văn nghệ.
Có mười hai lĩnh vực được coi như trọng điểm để phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa. Tất cả đều là “ngành công nghiệp văn hóa”.
Nghĩa là, nếu theo mặt chữ mà dịch sát sạt sang tiếng Anh, ta sẽ có những cụm từ khá kỳ quặc: industry industry culture, industry industry cinema, industry industry fashion... Tóm lại, một sự trùng lặp ngôn từ không cần thiết. Nó cũng giống như việc rất nhiều người cứ hồn nhiên dùng những cụm từ kiểu: “phục hồi lại”, “tái cơ cấu lại”, “đồng hành cùng”... (đã “phục” với “tái” rồi mà vẫn còn “lại”, đã “đồng” mà vẫn cứ phải “cùng”).
Nhưng vấn đề, với riêng tôi, không chỉ là vậy. Hãy cứ giả định, nếu phải chọn giữa “ngành văn hóa” và “công nghiệp văn hóa”, tôi tin rằng rất nhiều người sẽ chọn vế sau. Vì nghe nó... sang hơn. Và cũng vì, phải là “công nghiệp văn hóa” thì mới phản ánh đúng ý chí của chúng ta lúc này đối với văn hóa.
Văn hóa, nói ngắn gọn, cần phải được khai thác và sản xuất hàng loạt, theo một dây chuyền cực kỳ bài bản, chuyên nghiệp, với sự tham gia tối đa của khoa học, công nghệ và năng lực quản trị. Cái đích lớn nhất được nhắm tới ở đây là những thị trường rộng lớn nhất có thể, hay nói cách khác, là sự tối ưu hóa lợi nhuận từ sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm hoặc dịch vụ văn hóa.
Đó chính là “công nghiệp văn hóa”, là cái mà người ta vẫn thường trầm trồ thán phục mỗi khi nói tới ngọn triều “Hanlyu” của văn hóa Hàn Quốc, như trường hợp chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của ban nhạc nữ Blackpink, chẳng hạn.
Thật ra suy ngẫm về phát triển văn hóa như một nguồn lợi kinh tế thì không phải chờ đến bây giờ mới có. Khoảng giữa thập niên 1990 học giả Phan Ngọc đã nói điều này trong công trình “ Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới ”. Cách tiếp cận mới của Phan Ngọc là cách tiếp cận theo hướng duy kinh tế: Văn hóa Việt Nam không chỉ là thứ để người Việt Nam tự hào xuông, mà nó cần phải được làm thế nào đó để trở thành mặt hàng bán được, mang lại ích lợi vật chất cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Chỉ có điều, ở thời điểm ấy Phan Ngọc không dùng cụm từ “công nghiệp văn hóa”.
Một điểm nữa, và đây là mối nghi hoặc vấn vương của tôi: với cái đích nhắm như thế, công nghiệp văn hóa đương nhiên sẽ giành ưu tiên, hoặc ưu tiên tuyệt đối, cho văn hóa đại chúng. Còn những gì ngoài văn hóa đại chúng – có thể là văn hóa ngoại vi hoặc văn hóa tinh hoa, tóm lại là những thứ thuộc về số ít – rất dễ bị bỏ mặc.
Điều này ta đã thấy qua nhiều trường hợp, chẳng hạn trong điện ảnh, khi những bộ phim độc lập giàu tinh thần khám phá cái mới, cái độc đạo như “ Tro tàn rực rỡ ” của Bùi Thạc Chuyên, hay “ Bên trong vỏ kén vàng ” của Phạm Thiên Ân, phải chịu cảnh được tiếp nhận lạnh nhạt đến thế nào, bất kể chúng vang danh đến đâu trên trường quốc tế.
Nếu công nghiệp văn hóa phát triển theo hướng như thế, thì kết quả nhận được sẽ là một bức tranh văn hóa với khá nhiều mảng trống.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.