Nghị định 65/2022/NĐ-CP: 'Đại lộ' mới cho trái phiếu doanh nghiệp
Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường trái phiếu phát triển.
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, bền vững
Nghị định số 65/2022/NĐ-CP là văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Một số nguyên tắc cơ bản được đặt ra tại Nghị định 65 là hướng doanh nghiệp tuân thủ điều kiện phát hành trái phiếu quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp; bổ sung các quy định theo thẩm quyền của Chính phủ để tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, bền vững, bảo vệ quyền lợi cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, khắc phục bất cập trên thị trường thời gian vừa qua.
Đồng thời, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cũng tăng cường quản lý, giám sát bao gồm cả giám sát liên thông giữa lĩnh vực thị trường tài chính, lĩnh vực tín dụng ngân hàng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Tăng cường tính minh bạch và tuân thủ pháp luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ
Một trong những nội dung quan trọng được bổ sung trong Nghị định số 65/2022/NĐ-CP là các quy định nhằm tăng cường tính minh bạch và tuân thủ pháp luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Theo đó, đại lý phát hành là công ty chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép hoặc ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành phải xác nhận về việc doanh nghiệp phát hành đã nhận đủ tiền thu từ phát hành trái phiếu.
Tổ chức cung cấp dịch vụ không được là người có liên quan của doanh nghiệp phát hành.
Trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ cũng đã được bổ sung cụ thể trong Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, đặc biệt tổ chức phân phối trái phiếu phải chịu trách nhiệm nếu hỗ trợ doanh nghiệp phát hành khống hoặc cung cấp thông tin sai sự thật, chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu.
Trường hợp các tổ chức này vi phạm quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình phát hành trái phiếu
Nghị định số 65/2022/NĐ-CP tuy là văn bản quy định phạm vi với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, nhưng đây chỉ là một trong những bước đi trong lộ trình xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán và định hướng phát triển thị trường vốn trái phiếu doanh nghiệp, đến năm 2025 thị trường trái phiếu đạt không thấp hơn 47% GDP, trái phiếu doanh nghiệp không thấp hơn 20% GDP.
Trong đó, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý thị trường là một trong 5 giải pháp cơ bản để phát triển thị trường trái phiếu ổn định, bền vững, trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.
Các giải pháp tiếp theo là đa dạng và cải thiện cầu đầu tư đối với trái phiếu doanh nghiệp; nâng cao chất lượng các định chế trung gian tài chính; tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình phát hành và thị trường trái phiếu; đẩy mạnh truyền thông để thông tin minh bạch và khuyến nghị đề phòng rủi ro.
Tiếp tục phát triển hệ thống các tổ chức định mức tín nhiệm
Ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo, đó là soạn thảo các thông tư hướng dẫn, cùng các sở giao dịch ban hành các quy chế hoạt động.
Tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, một trong những nội dung mới là bổ sung quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu, trong đó có kết quả xếp hạng tín nhiệm theo các trường hợp và lộ trình thực hiện như quy định đối với chào bán trái phiếu ra công chúng (từ 1/1/2023).
Mục đích của những nội dung bổ sung này là tăng cường tính công khai minh bạch thông tin của tổ chức huy động vốn và hướng tới việc phát triển đồng bộ cả hai hình thức phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng.
Ông Điền cho biết sẽ khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chào bán trái phiếu ra công chúng nếu đủ điều kiện thực hiện theo hình thức này.
Để tạo điều kiện cho hoạt động phát hành trái phiếu, Bộ Tài chính cũng đang tiếp tục phát triển hệ thống các tổ chức định mức tín nhiệm. Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng Bộ Tài chính, hiện thị trường có 2 tổ chức định mức tín nhiệm đã được cấp phép, thời gian tới cơ quan quản lý sẽ cấp phép 3 doanh nghiệp nữa.
“Ngoài ra cũng có những tổ chức tín nhiệm uy tín trên thế giới đã bày tỏ quan tâm thị trường Việt Nam. Theo đó, với sự tham gia của các tổ chức định mức tín nhiệm, nhà đầu tư cũng có thêm thông tin để đánh giá mức độ ủy tín của tổ chức phát hành và đo lường mức độ rủi ro khi tham gia đầu tư trái phiếu”, ông Dương nói.