Nghị định 65 gỡ "nút thắt" cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Nghị định 65 được kỳ vọng giúp xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa đảm bảo tính thị trường, vừa tăng cường sự minh bạch và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần sôi động trở lại. Đây là chia sẻ của nhiều thành viên thị trường sau khi Nghị định 65 sửa đổi bổ sung 1 số điều của Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được Chính phủ ban hành mới đây.
Nâng chất lượng thị trường
Ngày trước chỉ cần có 2 tỷ đồng trong tài khoản chứng khoán là công ty chứng khoán có thể "phù phép" rằng bạn là nhà đầu tư chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên với quy định mới 2 tỷ đồng đấy phải là giá trị bình quân trong thời gian tối thiểu 6 tháng liền kề thì mới được xác nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp và hiệu lực xác nhận cũng chỉ trong 3 tháng.
Cùng với việc nâng mệnh giá trái phiếu từ 100.000đ lên 100.000.000đ, những sửa đổi bổ sung từ Nghị định 65 được đánh giá sẽ giảm thiểu đáng kể khả năng tiếp cận trực tiếp của những nhà đầu tư nhỏ lẻ tới kênh trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, những người chỉ nghĩ đơn giản trái phiếu doanh nghiệp là 1 dạng "tiết kiệm lãi suất cao" mà chưa hiểu hết được rủi ro
"Cần có năng lực tài chính, có năng lực về chuyên môn hoạt động trong chứng khoán thì mới có khả năng nhận thức được rủi ro và hiểu biết và cũng như tự chịu trách nhiệm về khẩu vị đầu tư, rủi ro…", ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch HĐQT SaigonRatings cho biết.
Từ Nghị định 65, doanh nghiệp cũng cảm thấy yên tâm hơn trong việc phát hành trái phiếu thời gian tới khi trong mục đích phát hành họ được phép cơ cấu lại nợ miễn là đảm bảo tuân thủ pháp luật, đảm bảo nghĩa vụ nợ vay với trái chủ
"Nghị định 65 làm minh bạch hóa, rõ ràng hơn các quy định về thủ tục phát hành trong thời gian tới. Bên cạnh đó làm giảm thiểu cạnh tranh với những đơn vị chuẩn phát hành thấp hơn", TS Phạm Anh Khôi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản DXS, Đất Xanh Group cho biết.
Đặt mục đích phát hành gần với thông lệ quốc tế cũng cho doanh nghiệp không gian để xoay sở dòng tiền kinh doanh. Giai đoạn 2022 - 2024, ước tính tổng nợ đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản lên tới hơn 360.000 tỷ đồng. Khoản nợ này đang tạo sức ép rất lớn với các đơn vị phát hành, ngay cả với những đại gia đầu ngành.
Nâng vai trò xếp hạng tín nhiệm
Các thành viên thị trường cũng đánh giá cao việc bắt buộc xếp hạng tín nhiệm với một số trường hợp phát hành trái phiếu riêng lẻ như: Tổng giá trị trái phiếu trong vòng 1 năm lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu. Hoặc dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu. Điều này sẽ giúp loại bỏ vấn đề bất cân xứng thông tin giữa doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư cá nhân.
Các đơn vị xếp hạng tín nhiệm có vai trò giống như "chiếc kính", giúp các nhà đầu tư nhìn rõ hơn tình hình doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư. Theo chia sẻ của Bộ Tài chính, trong thời gian tới sẽ cấp phép cho thêm 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp, sớm hoàn thiện cấu trúc thị trường, tăng cường tính minh bạch và công cụ hỗ trợ cho nhà đầu tư.
"Để các bên công nhận giá trị của xếp hạng tín nhiệm cần phải giải thích một cách rõ ràng ý nghĩa của việc xếp hạng ra làm sao, ảnh hưởng đến nhà đầu tư như thế nào, cơ chế ra sao… Có như vậy văn hoá xếp hạng tín nhiệm mới được lan toả và áp dụng và có hiệu quả", ông Vương Hoàng Sơn - Giám đốc ngân hàng đầu tư, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT cho biết.
Doanh nghiệp xếp hạng nếu có tình hình tài chính lành mạnh, có dự án tốt sẽ có thể huy động được vốn với chi phí thấp hơn. Dần hướng tới bắt buộc xếp hạng tín nhiệm không phải là động thái siết chặt về điều kiện mà là một trong những yếu tố then chốt giúp thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn.
Sự xuất hiện của những tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế ở Việt nam cho thấy họ có niềm tin rằng thị trường trái phiếu của chúng ta còn nhiều tiềm năng phát triển. Sau Nghị định 65, theo tinh thần của Chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục được theo sát và hoàn thiện.
Khi nâng cao được vai trò của xếp hạng tín nhiệm, tiến đến phát hành trái phiếu ra công chúng nhiều hơn và từ đó trả lời câu hỏi lớn nhất, đó là làm sao để trái phiếu cùng với cổ phiếu... trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp.