Nghị án kéo dài vụ bán rẻ dự án Phước Kiển và Ven Sông

Chia sẻ Facebook
30/03/2023 19:59:59

Trong phần tranh luận, đại diện VKDND Cấp cao tại Tp.HCM đề nghị tòa cùng cấp tuyên giảm án cho 2 bị cáo là Phan Thanh Tân và Nguyễn Thị Ngọc Bích.

Ngày 30/3, TAND Cấp cao tại Tp.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại dự án Khu dân cư Ven Sông và Phước Kiển, do bị cáo Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Tp.HCM) và các thuộc cấp thực hiện.


Phiên tòa được mở theo đơn kháng cáo của 9 bị cáo, kháng cáo của Công ty CP Đầu tư Quốc Cường Gia Lai (Công ty Quốc Cường Gia Lai) xin nộp số tiền chênh lệch đối với giá bán và đề nghị được tiếp tục thực hiện dự án; và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Tp.HCM về việc xác định lại thời điểm tính thiệt hại của vụ án.

Bị cáo Trần Công Thiện là một trong 9 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Trước đó, đại diện VKSND Cấp cao tại Tp.HCM trong phần phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đã đề nghị HĐXX tuyên bác toàn bộ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 9 bị cáo. Tuy nhiên trong phần tranh luận, đại diện VKS thay đổi một phần quan điểm, đề nghị tòa cùng cấp giảm nhẹ hình phạt cho 2 bị cáo.

Cụ thể, bị cáo Phan Thanh Tân, cựu phó Chánh văn phòng Thành ủy Tp.HCM được xác định đã nộp lại 2 tỷ đồng (trong số 6 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả của vụ án. Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Bích, cựu kế toán trưởng Công ty Tân Thuận do mắc bệnh hiểm nghèo. 2 bị cáo này được VKS đề nghị tòa tuyên giảm một phần hình phạt.

Một bị cáo khác là Trần Công Thiện, cựu Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận cũng đã nộp lại 200 triệu đồng để khắc phục hậu quả của vụ án. Luật sư của bị cáo Thiện mong tòa ghi nhận tình tiết mới này và chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Thiện.

Cũng theo luật sư của bị cáo Thiện, nam bị cáo không phải là chủ mưu vụ án mà chỉ là người thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình chuyển nhượng dự án, mọi hoạt động liên quan đến chuyển nhượng dự án, từ xin thuận chủ trương chuyển nhượng đến ký kết hợp đồng đều có ý kiến chỉ đạo của chủ sở hữu chứ không phải bị cáo tự làm và không vụ lợi.

Đối đáp lại, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm đề nghị ban đầu đối với bị cáo Thiện và nhóm 6 bị cáo còn lại vì cho rằng không có căn cứ để xem xét đề nghị tòa tuyên giảm án cho các bị cáo.


Được nói lời sau cùng, các bị cáo thừa nhận sai phạm và mong được pháp luật khoan hồng, giảm một phần hình phạt.

HĐXX tuyên bố nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào ngày 3/4 tới đây.

Như đã đưa tin, dự án Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và dự án Khu dân cư Ven Sông đều do Công ty Tân Thuận làm chủ sở hữu.

Công ty Tân Thuận sau đó chuyển nhượng 2 dự án này cho công ty Quốc Cường Gia Lai nhưng không được báo cáo cho tập thể thường trực Thành ủy và tập thể Ban thường vụ Thành ủy, trái với Quyết định số 1087 ngày 31/3/2009 của Ban thường vụ Thành ủy.


Ngoài ra, việc chuyển nhượng đất không qua đấu giá trái với quy định tại Nghị định 91/2015 (về quy định việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp) và không đúng với Nghị định 44/2014 về quy định giá.

Sai phạm trong chuyển nhượng giá rẻ 2 dự án nói trên khiến tài sản Nhà nước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Hành vi của các bị cáo trong vụ chuyển nhượng hơn 32ha tại dự án Khu dân cư Phước Kiển và chuyển nhượng dự án Ven Sông do Công ty Tân Thuận quản lý cho Công ty Quốc Cường Gia Lai mà không thực hiện thẩm định giá, không đảm bảo nguyên tắc thị trường.

Các dự án nói trên là tài sản nhà nước, sai phạm của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước.

Trong vụ án này, bị cáo Trần Công Thiện đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới hoàn thiện các thủ tục để chuyển nhượng dự án, ký văn bản đề nghị Thành ủy TP.HCM chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ phần diện tích đã bồi thường tại dự án khu dân cư Phước Kiển và một phần dự án khu dân cư Ven Sông… không đúng quy định, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền 207,4 tỷ đồng. Hành vi của bị cáo Trần Công Thiện có vai trò chủ mưu, xuyên suốt.

Đối với bị cáo Tất Thành Cang, thời điểm vi phạm là Phó bí thư thường trực Thành ủy Tp.HCM, là người đứng đầu được giao quản lý tài sản của Đảng bộ Tp.HCM, phụ trách Văn phòng Thành ủy, nhưng không báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy mà tự ý cho chủ trương để cấp dưới thực hiện chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án khu dân cư Phước Kiển với giá được xây dựng không đúng quy định dẫn đến giá trị chuyển nhượng thấp, gây thất thoát số tiền hơn 154 tỷ đồng của Đảng bộ Thành phố này tại Công ty Tân Thuận.

Trước đó, hồi tháng 10/2022, bị cáo Tất Thành Cang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tp.HCM; Trần Công Thiện, Tổng Giám đốc, thành viên HĐTV - Chủ tịch Hội đồng xây dựng giá Công ty Tân Thuận và nhóm 8 đồng phạm bị TAND Tp.HCM đưa ra xét xử về cùng tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí

HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo Trần Công Thiện 13 năm tù, tổng hợp với bản án trước là 26 năm tù; Trần Tấn Hải 5 năm tù; Nguyễn Thị Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Tùng cùng 4 năm tù; Nguyễn Hoàng Việt, Phan Thanh Tân 3 năm tù.

Đối với nhóm cựu cán bộ Văn phòng Thành ủy Tp.HCM, HĐXX tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang 6 năm tù, tổng hợp với bản án trước là 14 năm 6 tháng tù; Phạm Văn Thông 11 năm tù, tổng hợp với bản án trước là 17 năm tù; Huỳnh Phước Long: 9 năm tù, tổng hợp với bản án trước là 21 năm tù và Nguyễn Văn Minh 8 năm tù, tổng hợp với bản án trước là 11 năm tù.

Chia sẻ Facebook