Nghèo sang chảnh: Lối sống phổ biến của một bộ phận Gen Z

Chia sẻ Facebook
13/07/2023 02:58:48

Với tư tưởng 'mình còn trẻ, chuyện gì vui vẻ thì mình ưu tiên', nhiều bạn trẻ Gen Z đang sống một cuộc sống hào nhoáng vô thực, chưa hết tháng đã hết tiền lương.

Trên mạng xã hội thì luôn cập nhật cuộc sống “cân bằng”, có làm có chơi, vui vẻ đi du lịch, mua sắm… nhưng mới nhận lương nửa tháng đã rỗng túi là tình trạng khá phổ biến ở một bộ phận Gen Z. Tuổi còn trẻ, đi làm chưa lâu, khoản tiết kiệm chưa chắc đã có nhưng cứ tận hưởng cuộc sống vì “ta chỉ sống một lần trên đời”, vô tình nhiều Gen Z đang dần rơi vào lối sống “nghèo sang chảnh”, bên ngoài hào nhoáng nhưng bên trong chẳng có gì.

Gen Z là thế hệ tiêu tiền khá nhiều.


Lương chục triệu nhưng toàn xài đồ hiệu


Một độc giả của YAN tên Ngọc Minh (sinh năm 2000, ở TP.HCM) cho hay cô cảm thấy hoang mang khi bản thân sống tối giản, tiết kiệm nhưng bạn bè trang lứa thì có lối sống ngược lại. “ Rốt cuộc thì hào nhoáng làm gì khi chưa có gì trong tay? ” - Đó là điều 10X băn khoăn, khó hiểu.

Giới trẻ không ngại chi tiền để đi du lịch đắt đỏ.


Minh chia sẻ: “ Mình có một cô bạn làm nhân viên văn phòng, lương tháng khoảng 20 triệu đồng. Số tiền này đủ để sống thoải mái nhưng cũng chẳng dư giả, thế mà toàn thấy bạn mình mua quần áo, túi xách hiệu mấy triệu đồng một món. Cô ấy cũng rất chăm đi du lịch, dăm bữa lại thấy xách vali đi chơi, check-in ở resort sang chảnh để đăng lên trang cá nhân ”. Có thể thấy, thứ nhiều bạn trẻ quan tâm không phải trong túi có bao nhiêu tiền mà là ảnh mình đăng được bao nhiêu "tim".

Mua hàng online là thú vui của một bộ phận Gen Z.


Với cách sống như vậy, không bất ngờ khi bạn của Ngọc Minh luôn rơi vào tình trạng âm tiền. “ Suốt ngày chỉ thấy cô ấy lựa đồ hiệu, áo quần, túi xách, tủ đồ đa dạng không mặc trùng ngày nào, các khoản nợ cứ thế mà tăng lên, lương không đủ chi. Có lúc túng quá còn bịa đại lý do để nhờ cậy bố mẹ hỗ trợ. Nếu ai đó bảo nên tiết kiệm thì cô ấy sẽ trả lời là chẳng biết ngày mai thế nào nên cái gì vui thì mình ưu tiên, thế nhưng yêu thương bản thân theo cách này thì sau này cũng chỉ khổ thôi ”, Minh bộc bạch.

Thay vì quan tâm trong túi có bao nhiêu tiền, họ thích nhận được nhiều "tim" hơn.


Tiền lương cầm chưa nóng tay đã “không cánh mà tay”


Tương tự, Ngọc Minh cũng có một anh bạn sống quá nhiệt tình, chưa từng vắng mặt cuộc vui nào. “ Cậu ta rất tốt, nhưng ham chơi, không biết kiềm chế bản thân. Từ bàn tiệc với cấp trên đến những buổi liên hoan, gặp mặt hàng ngày, đâu đâu cũng thấy mặt. Đã vậy còn được cái rất thoáng, chỉ cần ai ngỏ lời bảo mời là đồng ý luôn chẳng suy nghĩ gì ", 9X kể.

Càng tiêu nhiều thì càng nhanh rỗng túi.


Lúc thì chi tiêu như người giàu, khi lại nhanh chóng rỗng túi, hầu như cậu bạn của Ngọc Minh chưa có tháng nào là không phải đi vay người khác. Minh lắc đầu: " Vừa hôm mồng 10 thấy khoe nhận lương, 3 hôm sau đã mượn mình tiền đóng tiền điện. Nhiều lúc mình cũng không hiểu sao lại có thể sống như vậy ".


"Nghèo sang chảnh" - Lối sống "thùng rỗng kêu to"


Kiếm được 10 triệu đồng nhưng lại tiêu 15, 20 triệu đồng, đã không để dành được đồng nào lại còn mang nợ vào thân. Không biết các thành viên trong nhóm Cột sống GenZ thế nào, chứ đây thực tế, đây là lối sống của khá nhiều bạn trẻ ngày nay. Chưa tính đến chuyện tiết kiệm một khoản riêng để đề phòng khi có chuyện gấp cần phải dùng, các bạn trẻ bị cuốn theo những nhu cầu, sở thích trước mắt với tư tưởng sống hết mình cho hiện tại.

Tư tưởng YOLO (Chỉ sống một lần trên đời) khiến họ ưu tiên những cuộc vui thay vì sống tiết kiệm.

Nhiều bạn trẻ đánh bóng bản thân trên mạng xã hội, đăng những bức ảnh ăn mặc xinh đẹp, check-in ở nhà hàng, đi chơi đó đây, cho thấy bản thân đang sống một cuộc sống thành đạt, nhiều màu sắc. Song để chi trả cho những trải nghiệm này, họ không chỉ phải dốc hết túi tiền của mình mà còn phải đi vay mượn người khác. Người ngoài nhìn vào thấy họ dư giả, sang chảnh nhưng rồi đó cũng chỉ là cái vỏ bọc, bên trong rỗng tuếch.

Tiêu quá lố thì phải vay mượn tiền.

Là người trưởng thành tức là phải chịu trách nhiệm và tự lo cho cuộc sống của mình, nhưng nếu cứ phung phí đến nỗi không có một khoản phòng thân, khi có việc cấp bách thì chẳng còn cách nào ngoài nhờ cậy bố mẹ. Vốn dĩ hình ảnh bản thân cần được xây dựng là giá trị nội tại, nhưng nhiều Gen Z đang lầm đường, chỉ chăm chăm thể hiện sự "giàu" vô thực. Và tiêu tiền để chứng có mình giàu là cách khiến một người nghèo đi nhanh nhất.

Thứ cần nâng cấp trước tiên là giá trị bản thân chứ không phải hình ảnh trên mạng xã hội.

Gen Z chăm chỉ, cầu tiến, ham học hỏi nhưng một trong những kỹ năng cần thiết nhất là quản lý tài chính thì lại bị bỏ quên. Có thể các bạn trẻ kiếm được rất nhiều tiền, nhưng nếu không biết cách tiêu thì tiền sẽ cứ thế "không cánh mà bay". Sống cho hiện tại rất đúng, nhưng không được phép quên tương lai. Rồi sẽ có ngày các bạn lập gia đình, phải có một căn hộ ổn định, phụng dưỡng bố mẹ già, lo lắng cho con cái, phát triển sự nghiệp của bản thân, đợi đến khi đó mới nhận ra vẻ ngoài hào nhoáng bạn tạo ra hôm nay thật vô nghĩa.

Đã đến lúc Gen Z học cách quản lý tài chính.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng quản lý tiền bạc là điều rất cần thiết. Hãy đề ra mục tiêu tài chính dài hạn và kiên trì thực hiện các bước nhỏ để đạt được, điều này sẽ giúp Gen Z học cách trân trọng đồng tiền và có lối sống phù hợp hơn.

Quản lý tài chính và sống tiết kiệm là những kỹ năng quan trọng mà Gen Z nên nắm vững để đạt được sự ổn định trong cuộc sống. Dưới đây là một số lời khuyên giúp các bạn trẻ bắt đầu:

1. Phân bổ các khoản chi: Xác định thu nhập hàng tháng của bạn và tạo kế hoạch chi tiêu cụ thể, ưu tiên cho những mục quan trọng như tiền thuê nhà, hóa đơn, và tiết kiệm.

2. Tiết kiệm: Đặt mục tiêu tiết kiệm hàng tháng và tuân thủ một cách kỷ luật. Tách riêng tiền tiết kiệm và tránh sử dụng khoản này cho các chi tiêu khác nếu không thực sự cấp bách.

3. Chi tiêu thông minh: Suy nghĩ kỹ trước khi mua sắm, xem món đồ cần mua có thực sự cần thiết hay không.

4. Tránh nợ nần: Cố gắng tránh mắc nợ nếu không cần thiết. Nếu bạn cần vay tiền, hãy chỉ mượn một khoản mà bạn có khả năng trả lại, mượn đúng số tiền đang cần.

5. Đầu tư cho tương lai: Tìm hiểu về các hạng mục đầu tư như cổ phiếu, quỹ đầu tư, bất động sản. Điều quan trọng là hiểu rõ về rủi ro và đầu tư theo khả năng tài chính của bạn.

6. Nâng cao kiến thức tài chính: Hãy đọc sách, tham gia các khóa học để có kiến thức tài chính. Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về dòng tiền và quyết định chi tiêu thông minh hơn.


Xem thêm những bài viết tương tự TẠI ĐÂY

Chia sẻ Facebook