Nghệ sĩ Việt Hương đưa tro cốt nhạc sĩ Lam Phương về Việt Nam

Chia sẻ Facebook
17/11/2022 16:37:31

Năm 1975, Lam Phương sang Mỹ định cư và tiếp tục sáng tác, chủ yếu là những ca khúc thể hiện tâm tư, ước vọng về một quê hương thanh bình. Lam Phương mong ước được trở về quê hương, song vì sức khoẻ (ông bị tai biến từ năm 1999) nên mãi tới khi qua đời (tháng 12/2020) nhạc sĩ vẫn chưa có cơ hội để trở về Việt Nam.


Theo kế hoạch, tối (16/11), tro cốt của nhạc sĩ Lam Phương từ Mỹ sẽ về đến Việt Nam sau hơn 50 năm xa quê hương. Theo thông tin từ gia đình, sẽ có lễ viếng và một đêm nhạc để tưởng nhớ nhạc sĩ tài danh này.

Vĩnh biệt nhạc sĩ Lam Phương, người nhạc sĩ của Biển Tình, Kiếp Nghèo và Thành Phố Buồn


Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 tại Rạch Giá (Kiên Giang). Năm 10 tuổi ông lên Sài Gòn rồi học nhạc với với các thầy là những nhạc sĩ nổi tiếng như Hoàng Lang, Lê Thương. Năm 15 tuổi, Lam Phương đã có sáng tác đầu tay mang tên Chiều Thu Ấy . Lam Phương tự in các ca khúc của mình và đi bán dạo nhưng không thành công. Đến năm 18 tuổi, ca khúc Khúc Ca Ngày Mùa của ông đã trở nên nổi tiếng và tên tuổi Lam Phương được nhiều người biết đến.

Nhạc sĩ Lam Phương hồi trẻ (Ảnh: Tư liệu)


Suốt cuộc đời, Lam Phương đã viết hơn 200 ca khúc và nhiều tác phẩm đã ghi dấu ấn trong lòng người yêu nhạc như Nhạc Rừng Khuya, Đoàn Người Lữ Thứ, Nắng Đẹp Miền Nam, Tình Bơ Vơ, Thu Sầu, Biển Tình, Cỏ Úa, Bài Tango Cho Em Đặc biệt ca khúc Thành Phố Buồn của Lam Phương được đánh giá là một trong những ca khúc hay nhất viết về "thành phố hoa" Đà Lạt dù không có một từ Đà Lạt nào trong ca khúc. Thành Phố Buồn đã đem đến cho Lam Phương gần nửa triệu USD, giúp ông trở thành một trong những nhạc sĩ giàu nhất Sài Gòn trước 1975.

Nhạc sĩ Lam Phương (Ảnh: Tư liệu)

Hai năm sau khi nhạc sĩ Lam Phương qua đời, người thân đã quyết định đưa tro cốt của ông về lại quê hương. Theo anh Lâm Sĩ Vũ (cháu ruột nhạc sĩ Lam Phương), gia đình đã uỷ quyền cho vợ chồng nghệ sĩ Việt Hương đưa tro cốt của Lam Phương từ Mỹ về Việt Nam.

Theo lịch trình, tối 16/11 tro cốt của Lam Phương về tới sân bay Tân Sơn Nhất và gia đình sẽ đón Lam Phương về ngôi nhà cũ tại quận 10 (TP.HCM), nơi Lam Phương đã rời đi cách đây gần 50 năm.

Bên cạnh lễ tưởng niệm, ngày 26/11 là chương trình âm nhạc tưởng nhớ Lam Phương. Với chủ đề Ngày hạnh phúc, đêm nhạc Lam Phương được tổ chức tại Nhà hát Hòa Bình (Quận 10, TP.HCM) với sự tham gia của nhiều ca sĩ tên tuổi như Thái Châu, Ngọc Sơn, Họa Mi, Ngọc Ánh, Lệ Quyên, Tùng Anh, Thu Hằng, Lô Thủy, Phạm Phương… tái hiện lại các ca khúc nổi tiếng của Lam Phương một thời.

Ngày 21/11, gia đình sẽ tổ chức lễ tưởng niệm nhạc sĩ Lam Phương tại chùa Giác Ngộ (Quận 10, TP.HCM). Trong lễ tưởng niệm, các ca sĩ sẽ hát những ca khúc nổi tiếng nhất của Lam Phương.

Ca khúc Thành Phố Buồn đã đem lại cho Lam Phương tiền bạc và sự nổi tiếng

Sau đó, gia đình đưa tro cốt của nhạc sĩ Lam Phương lên chôn tại nghĩa trang Hoa Viên (Bình Dương). Anh Vũ chia sẻ: "Ước nguyện của Lam Phương là được trở về và an nghỉ trên đất mẹ Việt Nam và chúng tôi sẽ cố gắng để hoàn thành ước nguyện đó".

Chia sẻ Facebook