Nghệ sĩ Việt chuẩn bị gì cho vai diễn mới ngoài việc... mua quần áo?

Chia sẻ Facebook
13/08/2022 08:22:04

Trước câu hỏi đã chuẩn bị gì trong dự án truyền hình mới, nhiều ngôi sao phim giờ vàng Việt Nam thường chỉ kể chuyện mình mua quần áo cho nhân vật như thế nào.


Trong bộ phim Chồng Cũ, Vợ Cũ, Người Yêu Cũ đang phát sóng trên VTV, Lã Thanh Huyền đảm nhận vai Cẩm Giang. Cẩm Giang là nữ biên kịch, kết hôn với người đàn ông có con gái riêng và bị cuốn vào mối quan hệ phức tạp với con chồng và vợ cũ.


Chia sẻ với báo chí, Lã Thanh Huyền khoe mình đã chuẩn bị khoảng 100 bộ trang phục để thủ vai Cẩm Giang trong 50 tập phim - tức trung bình mỗi tập thay hai bộ. Cô muốn dùng phong cách thời trang để lột tả tính cách nhân vật. Công thức "100 bộ quần áo" cũng từng được nữ diễn viên áp dụng khi đóng Tình Yêu Và Tham Vọng (2020).


Tuy nhiên, bất chấp việc "dát vàng" lên người, Lã Thanh Huyền vẫn khó nhận được cái gật đầu của khán giả. Màn hoá thân của cô thành nhân vật Tuệ Lâm đầy mưu mô nhưng cũng có khía cạnh đáng thương trong Tình Yêu Và Tham Vọng bị nhận xét là "đơ", chỉ có một biểu cảm chủ đạo là trợn mắt. Sang đến Chồng Cũ, Vợ Cũ, Người Yêu Cũ , Lã Thanh Huyền tiếp tục bị chê gượng gạo ở những trường đoạn nặng về tâm lý hoặc bùng nổ cảm xúc. Trong dự án tiếp theo, cô nên chăm chút hơn vào kỹ năng diễn xuất của bản thân thay vì dành thời gian nghiên cứu các catalogue thời trang.

Các ngôi sao truyền hình Việt Nam chuẩn bị gì cho vai diễn mới?


Trong những năm qua, Phương Oanh đã có màn hoá thân đa dạng vào nhiều kiểu nhân vật - từ cô gái quê với số phận long đong, chìm nổi tới tiểu thư đài các. Tuy nhiên, chia sẻ với truyền thông về công tác chuẩn bị cho vai diễn mới, ngôi sao của Hương Vị Tình Thân cũng không tránh khỏi việc… khoe tủ quần áo.


Năm 2020, Phương Oanh vào vai Thiên Trang trong Lựa Chọn Số Phận . Nữ diễn viên tâm sự cô đã phải chuẩn bị cả trăm món quần áo, phụ kiện cho màn hoá thân này. Trong số trang phục, có nhiều món là đồ hiệu đắt tiền, đẩy tổng giá trị khoản mua sắm lên đến cả tỷ đồng. Tới năm 2021, cô tăng cân, cắt ngắn tóc để hoá thân thành kỹ sư xây dựng Phương Nam tính tình ngổ ngáo, diện mạo xuề xoà. Chia sẻ với báo chí, Phương Oanh cho hay mình rất kỹ tính khi lựa chọn từng món quần áo, phụ kiện giày dép, túi xách cho từng vai diễn.


Trong phần I của Hương Vị Tình Thân , nhân vật Diệp - em gái của Phương Nam - do diễn viên Ánh Tuyết đảm nhận. Để hoá thân thành nhân vật, nữ diễn viên đã tăng 8 kg, đội tóc giả, gắn nốt ruồi giả và thường xuyên xuất hiện với gương mặt không trang điểm. Sự chấp nhận hy sinh vì vai diễn ban đầu được khán giả thán phục. Tuy nhiên, lâu dài, họ dần thấy nhàm chán khi cô chỉ có một chủ đề duy nhất là tăng cân khi nói về vai diễn.


Với bộ phim Đấu Trí đang lên sóng, nữ diễn viên Minh Cúc cũng có vai diễn mang tính lột xác. Cô thủ vai "phu nhân chủ tịch" với đời sống vật chất sung túc nhưng hôn nhân gặp nhiều trắc trở. Chính Minh Cúc cũng nhận xét vai diễn "trái chất" với cả con người thật lẫn các vai diễn trước đây của mình.

Minh Cúc chia sẻ cô "quyết định đầu tư vì chẳng mấy khi mình được sang chảnh, xinh đẹp khi lên hình". Nữ diễn viên đã nhờ một số nhãn hàng tài trợ quần áo, túi xách, phụ kiện dùng cho vai diễn. Trước khi lên hình, cô cũng đi làm tóc, làm móng và đổi sang đi giày cao gót để ngoại hình "tỏa ra mùi tiền" giống với xuất thân của nhân vật.

Khán giả đặt câu hỏi liệu tạo hình của Lã Thanh Huyền trong Chồng Cũ, Vợ Cũ, Người Yêu Cũ có hợp với nghề nghiệp của một nữ biên kịch năng động, bận rộn.

Trên thực tế, quần áo, phục sức của nhân vật sẽ chịu sự chi phối của nhiều yếu tố như xuất thân, nghề nghiệp, tâm trạng, hoàn cảnh… được viết trong kịch bản. Chúng cũng cần phải hài hoà với tổng thể khung cảnh về sắc độ, bố cục. Trang phục đôi khi cũng quyết định khán giả nhìn thấy hoặc cảm nhận được gì từ các cảnh phim. Cá biệt, chỉ một chi tiết trên trang phục cũng có thể kể câu chuyện về nhân vật chi tiết không thua gì lời thoại.

Nói cách khác, nghiên cứu xem nhân vật sẽ mặc gì và chuẩn bị những trang phục ấy không phải đầu việc chính của diễn viên khi bắt tay vào chuẩn bị cho tác phẩm. Đó là nhiệm vụ của tổ phục trang và bộ phận thiết kế mỹ thuật, là vấn đề mà chỉ họ mới có đủ chuyên môn đưa ra quyết định. Việc các diễn viên lên báo kể chuyện tự tay chọn lựa quần áo, trang phục cho vai diễn là đang dẫm chân sang lĩnh vực chuyên môn của người khác, trong khi trọng tâm của vấn đề - họ chuẩn bị kiến thức, tâm lý như nào để nhập tâm vào nhân vật - lại thường bị bỏ ngỏ.

Diễn viên lười hay nhân vật thiếu thử thách?

Từ câu chuyện Lã Thanh Huyền, Phương Oanh hay Minh Cúc khoe đi mua quần áo, giảm cân trước khi nhận vai mới, khán giả có thể đặt thêm câu hỏi: nếu không nói chuyện thay đổi ngoại hình hay đôi dòng mô tả hoàn cảnh, tính cách nhân vật, nghệ sĩ có thể tự hào chia sẻ điều gì về quá trình chuẩn bị cho vai diễn đang ấp ủ?

Mới đây, nữ diễn viên Park Eun Bin (Hàn Quốc) đã hóa thân vào vai một luật sư mắc chứng tự kỷ. Chia sẻ với báo chí, cô cho hay mình đã tới gặp giáo sư Kim Byung Gun công tác tại khoa Giáo dục đặc biệt tại Đại học Nazarene để tìm hiểu cặn kẽ về căn bệnh mà nhân vật mắc phải. Cô cũng luyện tập các cử chỉ, hành vi của người tự kỷ, trên cơ sở đó tổng hợp thành phong cách diễn xuất của riêng mình thay vì chỉ bắt chước một các máy móc.

Một trong các từ khóa gắn liền với Phương Oanh thời Hương Vị Tình Thân là "mặc đồ bình dân". Chuyện quần áo của cô là đề tài thường xuyên được lôi ra bàn cãi


Han So Hee đã có cú lột xác về hình ảnh khi đóng bộ phim My Name (2021). Để vào vai nữ sát thủ nung nấu ý chí trả thù cho cha, cô chia sẻ mình đã phải tăng 10 kg và dành ba tháng khổ luyện tại trường dạy diễn xuất hành động. Trong suốt thời gian chuẩn bị và ghi hình tác phẩm, cô luôn mang dao bên người để làm quen với hình tượng nhân vật.


Năm 2019, khi quay Angel's Last Mission: Love , nữ diễn viên Shin Hye Sun cũng phải học múa ballet. Cô còn tới trải nghiệm các dự án nghệ thuật sắp đặt mô phỏng trải nghiệm sống của những người khiếm thị để hiểu rõ nhân vật của mình hơn...

Học thêm một ngoại ngữ, học một môn thể thao, tìm hiểu sâu về nghề nghiệp của nhân vật hay nghiên cứu về tình trạng bệnh mà nhân vật mắc phải là điều các diễn viên phim truyền hình Việt Nam - đặc biệt là nữ diễn viên - ít có cơ hội được chia sẻ khi nói về quá trình chuẩn bị cho vai diễn. Nguyên nhân sâu xa có thể bắt nguồn từ việc diễn viên phải "quay vòng" quá nhanh sau mỗi dự án, dẫn đến việc không có thời gian nghiên cứu cho vai tiếp theo.

Minh Cúc cũng áp dụng công thức "người đẹp vì lụa" trong màn hóa thân thành phu nhân hào môn trong phim Đấu Trí

Tiếp đến, công tác chuẩn bị cho dự án mới của các diễn viên truyền hình Việt Nam chỉ quanh đi quẩn lại một vài bước đơn điệu cũng có thể bởi vai diễn ấy không cho họ cơ hội thử thách mình. Trên màn ảnh, đại đa số nhân vật trong phim Việt đều được đặt trong một vòng tròn an toàn. Tạo hình của họ gắn liền với công thức trẻ trung, xinh đẹp, khỏe mạnh. Vấn đề họ gặp phải cũng thường chỉ xoay quanh những mâu thuẫn tình cảm lứa đôi, gia đình. Tiếp đến, cả xuất thân lẫn nghề nghiệp của họ cũng thường không có nét khác biệt hay mang tính đặc thù để đòi hỏi diễn viên phải có sự thay đổi bản thân triệt để.


Lấy ví dụ các bộ phim đình đám của VFC lên sóng thời gian qua. Dàn nhân vật chính của Phố Trong Làng , Hương Vị Tình Thân hay Thương Ngày Nắng Về đều là những người bình thường trong xã hội với nhịp sáng đi làm chiều về yêu đương. Họ là doanh nhân, nhân viên văn phòng, người lao động chân tay, công nhân viên chức... - những nhóm nghiệp cơ bản, điển hình. Với công thức xây dựng nhân vật ngoại hình đẹp như tranh, sức khỏe điểm 10 đều đặn như đổ khuôn kể trên, việc diễn viên có thể làm sau cùng chỉ là chuẩn bị một tâm hồn đẹp để lột tả những bi kịch tâm lý của nhân vật - lần này họ sẽ đóng vai cô gái xấu tính chuyên đi hãm hại nhân vật chính hay một người vợ lấy phải anh chồng có lớn nhưng chưa thấy khôn?

Nghề nghiệp của các nhân vật đang bị xem nhẹ

Quan hệ giữa một nhân vật với công việc hay sự nghiệp mà họ theo đuổi ít khi được khắc họa trên màn ảnh. Trên phim, khán giả thấy nhân vật đi làm, nhưng mơ hồ về nghề nghiệp lẫn sự nghiệp của họ. Người xem thấy nhân vật bận rộn, nhưng không thực sự cảm nhận họ gắn bó hay say mê với công việc. Chỉ trong một số ít tác phẩm chính luận, câu chuyện về sự tận tụy, yêu nghề mới có không gian để phát triển.


Việc nhà làm phim không đặt nặng yếu tố nghề nghiệp của các nhân vật cũng ảnh hưởng trực tiếp tới cách kịch bản mô tả những công việc ấy. Trong Hương Vị Tình Thân , Phương Nam (Phương Oanh) làm kỹ sư xây dựng, nhưng trong tập đầu tiên, nghề nghiệp của cô chỉ được thể hiện qua việc nhân vật xuất hiện ở công trường và tại đây chạm trán nam chính. Quan sát hành trình của Phương Nam trên màn ảnh, khán giả rất khó hình dung công việc của một kỹ sư xây dựng là gì.


Vai diễn nữ nhà văn trinh thám Hoa trong Mặt Nạ Gương (2021) do Lương Thu Trang đảm nhận có thể coi là một nhân vật mang tính đột phá, tách biệt khỏi công thức an toàn. Tuy nhiên, Hoa chưa cho thấy sự trăn trở của người viết, tâm trạng căng thẳng vì phải chạy đua với thời gian để hoàn thành bản thảo song song tìm kiếm ý tưởng mới.

Lương Thu Trang không tạo ra ấn tượng về một nhà văn khi đóng Mặt Nạ Gương

Thay vào đó, cô mang lại ấn tượng của một tiểu thư vô công rồi nghề thích tọc mạch chuyện người khác; lạnh lùng, không chịu lắng nghe và thiếu cảm thông với hoàn cảnh của người khác. Điều này đối lập với phẩm chất của những người làm công việc liên quan đến chữ nghĩa.


Nói cách khác, kịch bản của Mặt Nạ Gương gán cho nhân vật một nghề nghiệp khá đặc thù là nhà văn, nhưng không dành thời gian đi sâu mô tả quá trình sáng tạo ấy. Chia sẻ với báo chí trước khi phim ra mắt, Lương Thu Trang cho biết cô đã xem nhiều phim trinh thám và luyện cách diễn xuất bằng mắt để chuẩn bị cho vai Hoa. Tuy nhiên, nữ diễn viên không đề cập đến việc tìm hiểu đời sống của các nhà văn trẻ để hóa thân thành một trong số họ.


Năm 2020, truyền hình Việt Nam có tác phẩm Lửa Ấm khai thác cuộc sống và công việc của các chiến sĩ đội phòng cháy chữa cháy. Phim đã dụng công dàn dựng nhiều tình huống hiểm nguy khi họ lên đường thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, những chi tiết này chỉ là thứ yếu, cưỡi ngựa xem hoa nếu so với trọng tâm bộ phim là cuộc hôn nhân bị người thứ ba xen vào của Minh (NSƯT Trương Minh Quốc Thái). Tương tự, nghiệp vụ của các công tố viên trong Lựa Chọn Số Phận cũng nhiều lần bị lu mờ trước câu chuyện tình phức tạp giữa hai nhân vật chính do Hà Việt Dũng và Phương Oanh thủ vai.

Trên màn ảnh Việt, nghề nghiệp đang bị coi như tấm áo khoác lên nhân vật thay vì một phần trong cuộc sống của họ. Việc để nhân vật kiếm sống bằng cách nào cũng bị chi phối bởi suy nghĩ ngành nghề ấy có dễ hiểu với khán giả hay không thay vì giới thiệu cho đại chúng một công việc còn nhiều mới mẻ. Đây dường như là sự phản chiếu định kiến vẫn tồn tại trong xã hội về "một công việc ổn định".


Hàn Quốc có Hospital Playlist xoay quanh công việc của các bác sĩ, có Law School hay Hyena làm về nghề luật sư, Start-Up cho thấy một phần bức chân dung của những thanh niên khởi nghiệp... Ngay cả trong những tác phẩm "sặc mùi hư cấu" như Penthouse , khán giả cũng phần nào được biết công việc của một giọng ca thính phòng là gì, họ trăn trở và quay cuồng vì áp lực mà công việc ấy mang lại ra sao.

Phim truyền hình Việt đang thiếu những tác phẩm đặt trọng tâm vào mô tả đặc trưng một ngành nghề và xây dựng các bức chân dung lao động đang cống hiến cho ngành nghề ấy - tất nhiên, phát biểu này đã loại trừ chùm tác phẩm đề tài chính luận nói chung. Đây là mảng đề tài mà trong thời gian tới, phim truyền hình Việt Nam nên tìm cách lấp đầy. Đó cũng là cách để tránh cho các diễn viên khỏi tình thế lên báo khoe chuyện mua quần áo mỗi khi được hỏi về tác phẩm đang ấp ủ.


Ảnh: VFC

Chia sẻ Facebook